Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ, “quả thực không vui” khi Luật bảo hiểm xã hội 2014 vừa ban hành đã có một bộ phận lao động phản ứng và nguyện vọng đó cũng nhanh chóng được tiếp thu để đề nghị sửa đổi. Đại biểu bày tỏ băn khoăn: Nếu nói luật ban hành đúng sẽ không hợp lý bởi đúng thì sao người lao động lại phản ứng và đề nghị sửa đổi. Nếu nói luật ban hành sai thì lại càng không thỏa đáng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, Điều 60 cũng như Luật BHXH 2014 có quy trình làm luật hết sức chặt chẽ khi đã xin ý kiến Chính phủ, ý kiến của nhiều tầng lớp trong đó có đại diện của doanh nghiệp cũng như đại diện người lao động. Quốc hội cũng có thẩm tra đánh giá tác động theo định hướng phù hợp với Điều 30 của Hiến pháp, Điều 15 của Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Điều 21 Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Điều 60 là một điểm mới phù hợp với xu thế của nhiều nước trên thế giới và định hướng đến năm 2020 chúng ta có 50% người lao động tham gia bảo hiểm. Luật thiết kế một số điều khoản mới nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động, liên kết các hình thức giữa tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện đóng 1 tháng, đóng 3 tháng, đóng 5 tháng, 12 tháng, đóng nhiều lần, đóng một lần cho nhiều tháng.
Điều 60 cũng thiết kế khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Khắc phục tình trạng hiện nay khi mỗi năm nhà nước bỏ ra 3000 tỷ để trợ cấp cho 1,4 triệu người lao động không có lương hưu. Khắc phục tình trạng số người rời bảo hiểm xã hội nhiều hơn số người tham gia bảo hiểm xã hội.
Đại biểu cho rằng, nếu như người lao động đồng thuận, đây là một việc làm đúng đường lối chính sách và sẽ có lợi cho người lao động đóng góp lúc trẻ nhằm nuôi dưỡng lúc già. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội và tình hình việc làm hiện nay chưa ổn định nên người lao động chưa thể vượt qua những khó khăn hiện tại để hướng tới việc có lợi trong tương lai.
Bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Chính phủ khi có sự điều chỉnh Điều 60 Luật BHXH 2014 nhằm khắc phục tình trạng trên, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, nếu Quốc hội chọn phương án sửa đổi luật thì phải làm đúng quy trình với trình tự, thủ tục chặt chẽ.
Đại biểu cho rằng, Quốc hội phải cho thẩm tra, đánh giá lại mức độ tác động này như thế nào? Có bao nhiêu phần trăm các doanh nghiệp, người lao động có phản ứng? Từ đó mới điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Tránh tình trạng “có sai có sửa, càng sửa lại càng sai”.
Đại biểu cũng đề nghị, Quốc hội nên ban hành một Nghị quyết trước mắt nhằm ổn định tình hình và có thời gian để Quốc hội xem xét, tổ chức tốt việc tuyên truyền vận động, giúp người lao động chấp thuận phương án 1 của Điều 60.
Bên cạnh đó, Quốc hội cần rút kinh nghiệm trong quá trình làm luật, cần phải chuẩn bị một số tình huống khi xảy ra mà luật ban hành, tránh tình trạng lúng túng, thụ động như hiện nay.
Đặc biệt phải làm tốt công tác tuyên truyền về lợi ích, chính sách pháp luật đến tận người lao động, hạn chế đến tối đa sự hiểu nhầm.