ĐB Trần Minh Diệu: Trước hết, cần phải khẳng định vật liệu xây dựng là một trong những bộ phận cấu thành cơ bản, quyết định chất lượng và hiệu quả của các công trình xây dựng. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy so với dự thảo lần đầu, dự thảo lần này đã được tiếp thu, bổ sung một số quy định về quản lý, sử dụng vật liệu thể hiện tại các điều 4, 11, 80, 120 và 123 của dự thảo.
Tuy nhiên, với cách thiết kế chung chung, rời rạc và không có tính hệ thống tại một số khoản của một số điều ở một số chương như dự thảo là chưa hợp lý, chưa tương xứng với tính chất và tầm quan trọng của vật liệu trong hoạt động xây dựng. Tôi đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là những vấn đề liên quan đến quá trình khai thác, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh vật liệu có thể không cần thiết phải đưa vào Luật xây dựng, vì những vấn đề đó còn phải chịu sự điều chỉnh của các luật và văn bản quy phạm khác. Nhưng với vấn đề cốt lõi của vật liệu liên quan đến các quy chuẩn của thiết kế, điều kiện môi trường, chất lượng kết cấu, độ bền vững và hiệu quả của công trình xây dựng v.v... thì không thể không quy định trong Luật xây dựng.
Từ cách tiếp cận trên, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thiết kế các quy định liên quan đến vật liệu xây dựng thành một chương riêng với hệ thống các điều, khoản cụ thể, chặt chẽ, thực sự là công cụ pháp lý cho công tác quản lý và giám sát quá trình triển khai các dự án xây dựng.
ĐB Nguyễn Thanh Hải: Thống nhất với ý kiến của đại biểu Trần Minh Diệu tỉnh Quảng Bình về tầm quan trọng của vật liệu xây dựng trong hoạt động xây dựng và đầu tư xây dựng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu dành 1 chương quy định về vật liệu xây dựng để làm rõ hơn vấn đề này, tôi xin phép được phân tích một số điểm như sau:
Khi nghiên cứu báo cáo giải trình tiếp thu của dự án luật tôi đã rất phấn khởi vì thấy ý kiến đóng góp của mình về vật liệu xây dựng tại kỳ họp trước đã được Ban soạn thảo quan tâm, tiếp thu cụ thể. Tại Mục 7 của bản giải trình nêu rõ "tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội dự thảo luật đã bổ sung một số nội dung về quản lý vật liệu xây dựng trong các quy định cụ thể về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại các Điều 4, 11, 80 v.v...". Tuy nhiên, khi đi sâu nghiên cứu cụ thể các nội dung về vật liệu xây dựng mà Ban soạn thảo bổ sung tại các khoản trong các điều trên tôi hết sức băn khoăn vì các nội dung này được bổ sung rất ít, chung chung và không rõ ràng, hoàn toàn không tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của vật liệu xây dựng trong hoạt động xây dựng và hoạt động đầu tư xây dựng như đã được phân tích trong báo cáo giải trình tiếp thu. Theo tôi chắc chắn những quy định này sẽ không tạo ra một thay đổi đột phá gì trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường vật liệu xây dựng cũng như quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng. Sau đây tôi có thể nêu ra một ví dụ về công tác quản lý nhà nước đối với vật liệu xây dựng: Một vài năm lại đây một số doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương đã đầu tư xây dựng một công nghệ sản xuất gạch không nung và gạch không nung siêu nhẹ nhưng sản phẩm làm ra chưa có chỗ đứng ổn định trên thị trường, nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn nên rất cần một chính sách hỗ trợ của nhà nước để phát triển trong thời gian tới. Mặc dù, ngày 28/11/2012 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư quy định về sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng, trong đó có quy định tại các khu đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung và tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng như địa bàn nhiều tỉnh lân cận vẫn tồn tại nhiều lò gạch thủ công và những người dân.