Tiếp công dân phải gắn với quy trình xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Đồng thời quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân khi đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân của cơ quan nhà nước và các điều kiện bảo đảm cho công tác tiếp công dân có hiệu quả.
Tuy nhiên, những nội dung trên đây trong dự án Luật chưa được làm rõ, chưa giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn, thể hiện ở ngay Khoản 1 Điều 3 về giải thích từ ngữ. Nếu tiếp công dân chỉ là việc đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận thì ai thực hiện cũng được. Có cần thiết phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị như tại Khoản 2, Khoản 3 của Điều 9 hay không? Theo đó, nếu tiếp công dân chỉ lắng nghe, phản ánh, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo thì không nhất thiết phải quy định cứng là mấy buổi, mấy ngày trong tháng như tại Điều 10 của dự án Luật. Mà khi công dân có yêu cầu phản ánh, khiếu nại thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể ủy quyền hoặc cử người tiếp công dân. Chính vì vậy, mục đích của việc tiếp công dân là gì cần được xác định rõ hơn trong Luật Tiếp công dân.
Về đối tượng áp dụng, theo tôi không nên quy định trách nhiệm tiếp công dân của tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của nhà nước vì các tổ chức này không trực tiếp tham gia quản lý Nhà nước. Nếu nội dung khiếu nại, tố cáo của người dân có liên quan đến các tổ chức, đơn vị này thì trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết thuộc về cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý.
Về trụ sở tiếp công dân, việc tiếp công dân ở cấp bộ, cấp cơ sở, cấp xã được quy định tại Chương IV là chưa phù hợp với nội dung của dự án Luật. Trụ sở tiếp công dân hay nơi tiếp công dân chỉ là một trong những điều kiện bảo đảm để tiếp công dân, là địa điểm để đón tiếp công dân trực tiếp đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị chứ không phải là một tổ chức bộ máy độc lập có tư cách pháp nhân. Theo tôi, chỉ nên quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, cơ sở vật chất của trụ sở nơi tiếp công dân, cách thức, quy trình tiếp công dân, nhất là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiếp công dân từ Trung ương đến địa phương. Có như vậy, mới bảo đảm được nguyên tắc, mục tiêu và sự cần thiết để ban hành Luật Tiếp công dân.