ĐBQH- PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH ĐẤT NƯỚC THÔNG QUA NGOẠI GIAO VĂN HÓA
ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: TẠO SỨC MẠNH TỔNG HỢP NÂNG CAO VỊ THẾ VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Cách đây 70 năm, Hội nghị Geneva về Đông Dương kết thúc, cùng với đó, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam đã được ký kết, đánh dấu một mốc son quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Đây cũng là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, là thành quả của “trận đánh” lớn đầu tiên trên vũ đài quốc tế của nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thời gian trôi qua, tiếp bước những thành công từ Hội nghị Geneva 1954 và cuộc kháng chiến chống Pháp, sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đã trải qua nhiều chặng đường lịch sử, song ý nghĩa lịch sử và bài học từ Hội nghị Geneva đối với công tác đối ngoại phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Toàn cảnh Hội nghị Geneva 1954 (ảnh tư liệu)
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao vừa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/07/1954 - 21/07/2024) vào ngày 25/04. Lễ kỷ niệm được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với đầu cầu của tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phóng viên: Bộ Ngoại giao vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/07/1954 - 21/07/2024) với chủ đề “Hiệp định Geneva 1954 – Thắng lợi to lớn của Nhân dân Việt Nam trên con đường bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ". Xin ông cho biết quan điểm của mình về ý nghĩa của việc đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định này đối với nước ta?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” cách đây 70 năm, việc ký kết Hiệp định Geneva đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, mở ra cục diện chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam nhằm thực hiện trọn vẹn mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội.Từ đó cho thấy, Hiệp định Geneva có ý nghĩa rất lớn đối với phong trào cách mạng của Việt Nam, cũng như thế giới, để lại nhiều bài học kinh nghiệm còn có giá trị đến ngày hôm nay trong trường phái đối ngoại của Việt Nam.
Hiệp định Geneva 1954 là một mốc son lịch sử, thành quả của ngoại giao cách mạng Việt Nam. Việc đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định này là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học còn nguyên giá trị về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam. Trải qua 70 năm, đất nước ta đã kế thừa và phát triển những giá trị từ quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva để áp dụng vào công tác đối ngoại hiện nay, thể hiện sự nhất quán và sáng tạo trong chính sách ngoại giao của mình.
Đầu tiên đó là sự kế thừa và phát triển tinh thần dân tộc, tất cả vì hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Hiệp định Geneva đặt nền tảng cho chính sách ngoại giao của Việt Nam, nhấn mạnh vào việc độc lập, tự chủ và xây dựng hòa bình. Việt Nam tiếp tục phát triển và vận dụng các nguyên tắc này trong các quan hệ quốc tế hiện nay, đặc biệt là trong việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Ngày 25/04, Bộ Ngoại giao vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/07/1954 - 21/07/2024) tại Hà Nội
Thứ hai là nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam đã cam kết tuân thủ các điều khoản của Hiệp định Geneva và điều này thể hiện cam kết của nước ta trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong quan hệ đối ngoại hiện nay, Việt Nam tiếp tục thể hiện sự tôn trọng và chấp hành các nguyên tắc và luật pháp quốc tế, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng phát biểu: “Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải”.
Thứ ba là khả năng thích ứng và sáng tạo. Việt Nam đã học được nhiều từ quá trình đàm phán Geneva, trong đó cả hai bên phải thể hiện khả năng thích ứng và sáng tạo để đạt được thỏa thuận. Việt Nam tiếp tục áp dụng khả năng này vào công tác đối ngoại hiện nay, đặc biệt là trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề phức tạp trong khu vực và trên thế giới. Vì thế, chúng ta đã nâng tầm đường lối đối ngoại của mình một cách rất đặc sắc – ngoại giao cây tre “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, ở đó thấm đẫm cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam, “Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.
Thứ tư là xây dựng mối quan hệ đối tác đa phương. Việt Nam đã học được giá trị của việc xây dựng mối quan hệ đối tác trong quá trình đàm phán Geneva. Hiện nay, nước ta đã phát triển một mạng lưới quan hệ đối tác đa phương với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, là một trong số ít các quốc gia có nhiều hiệp định thương mại tự do nhất trên thế giới, giúp đẩy mạnh hợp tác và phát triển toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước phát triển bền vững.
Phóng viên: Thưa ông, việc vận dụng các bài học lịch sử quý như việc đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước của chúng ta hiện nay có ý nghĩa như thế nào?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, việc vận dụng các bài học từ lịch sử, con đường đi đến độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam vào công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay là cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững đất nước hiện nay. Bài học đó là việc cần thiết phải hiểu rõ và tôn trọng lịch sử của dân tộc là cơ sở thiết yếu để rút ra bài học và áp dụng vào quá trình phát triển hiện nay. Các bài học từ những chặng đường, khúc quanh lịch sử như sự kiên trì, đoàn kết và tinh thần tự lập, tự cường, đề cao tinh thần yêu nước và dân tộc, có thể được vận dụng vào công cuộc đổi mới toàn diện để thúc đẩy sự phát triển bền vững và ổn định của đất nước.
Ngày nay, chúng ta có rất nhiều cơ hội nhưng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bài học kinh nghiệm từ việc ứng phó với những thách thức và khó khăn trong lịch sử đã truyền cảm ứng cho chúng ta về nhu cầu luôn đổi mới và sáng tạo. Cần tiếp tục khuyến khích tinh thần sáng tạo và đổi mới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và kinh tế để thúc đẩy sự phát triển và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Tinh thần đoàn kết và thống nhất đã đóng vai trò quan trọng trong việc vượt qua những thách thức trong lịch sử. Việc xây dựng và duy trì tinh thần đoàn kết và thống nhất trong xã hội là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự thành công của công cuộc đổi mới toàn diện. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trong một thế giới có nhiều biến động không lường trước được và công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, thì việc đoàn kết, thống nhất, quy tụ xung quanh những giá trị, mục đích cao đẹp của cách mạng Việt Nam càng cần được đặt vào vị trí trung tâm.
Bên cạnh đó, bài học từ lịch sử cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc bảo vệ chủ quyền quốc gia là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự phát triển và ổn định của đất nước. Không chỉ bảo vệ chủ quyền quốc gia về lãnh thổ, lãnh hải, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác nhau như chủ quyền quốc gia trong kinh tế, văn hóa, trên không gian mạng,... cũng vô cùng cần thiết để chúng ta có sự độc lập, tự do, hạnh phúc thực sự.
Phóng viên: Nhìn từ Hiệp định Geneva, ông đánh thế nào về tầm quan trọng của "sức mạnh mềm" trong đối ngoại của nước ta?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, tầm quan trọng của sức mạnh mềm trong đối ngoại của Việt Nam đến từ việc tạo dựng uy tín và lòng tin đối với cộng đồng quốc tế. Sức mạnh mềm này giúp chúng ta xây dựng uy tín và lòng tin từ cộng đồng quốc tế thông qua việc thể hiện tinh thần hòa bình, hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế trong quá trình đàm phán và thực thi các hiệp định như Geneva, làm tăng cường sự tin cậy và tác động tích cực trong quan hệ với các đối tác quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chứng minh với thế giới về hiệu quả của việc giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán. Cách thể hiện sức mạnh mềm này giúp Việt Nam thúc đẩy việc giải quyết mâu thuẫn và xung đột trên toàn thế giới thông qua đàm phán hòa bình, như trong trường hợp của Hiệp định Geneva. Việc này thể hiện sự linh hoạt và khả năng thích ứng của nước ta trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và bền vững cho các vấn đề quốc tế.
Cuối cùng, tôi cho rằng, xây dựng quan hệ đối tác đa phương để hình thành nên sức mạnh mềm, giúp đất nước ta xây dựng và duy trì mối quan hệ đối tác đa phương với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, thể hiện tinh thần hợp tác, trao đổi và chia sẻ trong các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, và xã hội, từ đó tạo thuận lợi để ngoại giao chia sẻ những câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam, thể hiện tốt hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, truyền bá tốt tiếng nói Việt Nam, cung cấp trí tuệ Việt Nam và phương án Việt Nam cho toàn thế giới, nhờ đó thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực và trên trường quốc tế, cũng như tạo vị thế mới của Việt Nam trong ngoại giao quốc tế.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!