BẢO ĐẢM QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ KHOÁNG SẢN VÀ HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ VỀ ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN
Toàn cảnh Phiên họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; quản lý tập trung, thống nhất. Ngoài ra, khoáng sản là nguồn tài nguyên không thể tái tạo, do đó, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này phải được thực hiện hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước bền vững trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Phát biểu tại Phiên họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản diễn ra mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Luật Khoáng sản 2010 sau hơn 13 năm thi hành đã đạt được những kết quả nhất định đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành như quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết; quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định về điều tra cơ bản địa chất… Mặt khác, hiện nay một số luật liên quan đến lĩnh vực địa chất khoáng sản đã được sửa đổi như: Luật Đấu giá tài sản, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai… Do đó, cần phải rà soát sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Việc xây dựng, ban hành Luật Địa chất và khoáng sản cần phải đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành; góp phần bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Cần làm rõ 2 loại quy hoạch mới trong dự án Luật
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, quyết định đưa dự án Luật Địa chất và khoáng sản vào Chương trình xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Qua nghiên cứu Hồ sơ dự án Luật, đại biểu Nguyễn Văn An – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình có một số nội dung đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các Bộ, cơ quan liên quan cần thông tin, làm rõ thêm, cụ thể như sau:
Về quy hoạch khoáng sản (Điều 13) và trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15): Hiện nay, theo quy định của Luật Quy hoạch thì có 3 loại quy hoạch khoáng sản, trong đó nội dung quan trọng nhất là quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản. Tuy nhiên, theo Điều 15 dự thảo Luật, quy định còn 02 quy hoạch có tên gọi mới là “Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I” và “Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II” đồng thời giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị cần phải làm rõ 2 loại quy hoạch mới trong dự án Luật đã bảo đảm rà soát đầy đủ các nội dung như các quy hoạch hiện nay, đặc biệt là nội dung về quy hoạch chế biến, sử dụng các loại khoáng sản (bao gồm cả khoáng sản làm vật liệu xây dựng) gắn với địa chỉ sử dụng rõ ràng là các dự án, nhà máy chế biến khoáng sản. Về vấn đề này, đề nghị Bộ TN&MT, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng cho ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Văn An – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.
Về thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (Điều 52): Khoản 4 Điều 52 dự thảo Luật quy định "Việc thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách Nhà nước không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền quy định tại Điều 113 của Luật này thực hiện việc đặt hàng hoặc đấu thầu lựa chọn tổ chức thực hiện đề án thăm dò khoáng sản sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị Bộ TN&MT làm rõ 2 nội dung sau:
Thứ nhất: Sự cần thiết của việc quy định như dự thảo Luật và đánh giá mức độ đảm bảo nguyên tắc của các tổ chức, cá nhân thực hiện việc thăm dò khoáng sản sử dụng ngân sách Nhà nước so với nguyên tắc của tổ chức, cá nhân tham gia thăm dò khoáng sản quy định tại Điều 46. Quy định như vậy đã đảm bảo chặt chẽ để tránh lợi dụng kẽ hở pháp luật hay không?
Thứ hai: Quy định như vậy đã đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về Luật Đấu thầu chưa; làm rõ quy định trường hợp nào thì đặt hàng, trường hợp nào thì phải đấu thầu và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt ở đây là cơ quan nào? Về nội dung này, đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư khi thảo luận sẽ cho ý kiến thêm.
Về giấy phép khai thác khoáng sản (Điều 59): Quy định như dự thảo Luật hiện nay thì nội dung Giấy phép khoáng sản chưa bao gồm địa điểm sử dụng, chế biến khoáng sản sau khi khai thác.
Đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị Bộ TN&MT cho biết với trường hợp khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp thì việc không quy định địa điểm chế biến khoáng sản hoặc nhà máy chế biến khoáng sản thì có ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến khoáng sản đã được quy hoạch hay không? Ngoài ra, đề nghị Bộ Công Thương cho ý kiến thêm để làm rõ hơn về nội dung này.
Về đề án đóng cửa mỏ khoáng sản (Điều 85) và thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản (Điều 87): Qua hoạt động khảo sát thực tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp khai thác khoáng sản phản ánh có trường hợp một dự án đầu tư lớn, được cấp nhiều giấy phép khai thác khoáng sản trên cùng một khu vực khoáng sản.
Nếu thực hiện như quy định tại dự thảo Luật là phải lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đối với từng giấy phép hết hạn, sẽ không tận dụng được cơ sở vật chất (mặt bằng, công trình khai thác) cho các hoạt động của giấy phép khác trong cùng dự án. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu đối với trường hợp này có cần thiết phải lập và thực hiện đề án đóng cửa mỏ đối với từng giấy phép hết hạn hay không?
Về trách nhiệm của cơ quan lưu trữ thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản; Bảo tàng địa chất và khoáng sản (Điều 97): Khoản 2 Điều 97 dự thảo Luật quy định “Bảo tàng Địa chất và khoáng sản nằm trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, thuộc cơ quan quản lý nhà nước về địa chất của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
Đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị Bộ TN&MT thông tin, báo cáo làm rõ tình hình thực tiễn hoạt động trong thời gian qua của Bảo tàng Địa chất quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Khoáng sản hiện hành và đánh giá việc mở rộng nội dung Bảo tàng khoáng sản thì sẽ ảnh hưởng đến tổ chức, biên chế của đơn vị này như thế nào? Đồng thời, đề nghị làm rõ nội dung hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam theo quy định của pháp luật nào?
Xem xét quy định UBND cấp tỉnh chỉ nên cấp phép khai thác tận thu khoáng sản nhóm I, II
Về phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 103): Khoản 2 Điều 103 quy định “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế”.
Đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị Bộ TN&MT cần phải làm rõ các nội dung sau: (1) cách thức thực hiện việc quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế là quyết toán hằng năm, theo chu kỳ, hay quyết toán khi giấy phép chấm dứt hiệu lực? (2) làm rõ phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (ví dụ như số tiền phải nộp có phân bổ đều theo số năm được cấp phép khai thác không?). Về vấn đề này, đề nghị đại diện Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước trao đổi thêm về tính khả thi, hợp lý của quy định..
Về khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 104): Qua khảo sát làm việc, ở một số cơ quan, doanh nghiệp có ý kiến đề nghị nên xem xét quy định khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ bao gồm các khu vực đã có kết quả thăm dò để bảo đảm thu hút được các nhà đầu tư tham gia đấu giá, giảm bớt rủi ro của doanh nghiệp trúng đấu giá, đồng thời xác định được giá khởi điểm sát hơn với giá trị thực tế của khu vực mỏ đem ra đấu giá. Đề nghị Bộ TN&MT giải trình, làm rõ ý kiến này.
Về thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản (Điều 113): Điểm c khoản 2 Điều 113 quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhóm I, II và III”.
Qua khảo sát thực tế vẫn có trường hợp trữ lượng khoáng sản tận thu lớn, giá trị cao, đặc biệt là với khoáng sản nhóm I, II. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét quy định UBND cấp tỉnh chỉ nên cấp phép khai thác tận thu khoáng sản nhóm I, II trong trường hợp phần trữ lượng còn lại của mỏ có quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản chỉ phù hợp với quy mô phân tán, nhỏ lẻ (theo quy định tại Điều 30 của Luật này).
Đồng thời, đề nghị Bộ TN&MT giải trình, làm rõ nội dung quy định tại khoản 4 Điều 113 về “khoáng sản đi kèm có trữ lượng thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Vấn đề trữ lượng thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định như thế nào?
Với 8 vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị Bộ TN&MT và các Bộ ngành liên quan thông tin, giải trình, bổ sung thêm./.