PGS.TS – ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: XÁC LẬP KỶ LỤC VIỆT NAM - “LƯỢNG” CẦN ĐI VỚI “CHẤT”
MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG XÉT TẶNG DANH HIỆU NSND, NSƯT: CẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢI THƯỞNG ĐỂ CHỌN NGƯỜI XỨNG ĐÁNG
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) là danh hiệu cao nhất mà Nhà nước trao tặng cho những người hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Theo quy định, nghệ sĩ phải đủ huy chương, đủ số năm lao động, gắn bó trong nghề diễn mới được làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu. Theo đó, tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND áp dụng theo Nghị định mới là: Với danh hiệu NSND, nghệ sĩ phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân). Nếu không có giải vàng cá nhân, nghệ sĩ sẽ phải có ít nhất 3 giải vàng quốc gia. Với danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ phải có ít nhất 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân)... Bên cạnh đó, với những cá nhân có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng theo quy định sẽ được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét…
Nhiều năm nay, vấn đề xét tặng các danh hiệu này luôn nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn và khán giả. Tuy nhiên, vẫn còn những tranh cãi về tiêu chí, thủ tục duyệt hồ sơ, hay những trường hợp trượt danh hiệu đáng tiếc mỗi đợt xét duyệt. Đã có những trường hợp nghệ sĩ đủ tiêu chuẩn, đủ huy chương mà vẫn bị trượt danh hiệu do quy định phải đủ ít nhất 80% số phiếu của hội đồng mới đạt yêu cầu, trong khi phiếu được bỏ kín. Dường như mấu chốt câu chuyện không còn nằm ở tiêu chí mà nằm ở số phiếu của Hội đồng xét duyệt danh hiệu cho nghệ sĩ.
Những ồn ào vừa qua liên quan đến việc xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND, nhiều ý kiến cho rằng, một số bất cập trong việc quy định xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ vẫn tồn tại khiến những câu chuyện lùm xùm trong mỗi mùa xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ còn diễn ra.
Phóng viên: Theo ông việc xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT có ý nghĩa như thế nào với các nghệ sĩ và tại sao đã qua 10 mùa xét tặng, vì sao mỗi lần xét duyệt vẫn có những tranh cãi?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: NSND, NSƯT là những danh hiệu danh giá đối với các nghệ sĩ, thể hiện sự tôn vinh của Nhà nước đối với những cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật cách mạng, đồng thời cũng là niềm tự hào đối với từng nghệ sĩ. Tôi nghĩ, danh hiệu NSND, NSƯT có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn đối với nghệ sĩ, nhờ vậy, giúp họ cố gắng, phấn đấu nhiều hơn trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đóng góp nhiều hơn cho nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Tuy nhiên, qua 10 mùa xét tặng, dù có nhiều sửa đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thi đua khen thưởng, chúng ta thấy có nhiều vấn đề bất cập vẫn đang xảy ra, khiến cho việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT chưa đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước cũng như của Nhân dân, và đặc biệt là các nghệ sĩ. Một số nghệ sĩ được biết đến rộng rãi nhưng không được phong tặng. Một số nghệ sĩ được phong tặng lại chưa nhận được sự đồng tình cao. Cơ chế xin cho trong xét duyệt hồ sơ. Thành tích ảo từ những cuộc thi chủ yếu dành để trao huy chương phục vụ xét tặng danh hiệu. Rồi những đơn thư kiện cáo liên quan… Tất cả ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ, cũng như sự phát triển của cả nền nhệ thuật.
Tôi còn nhớ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Quang Nghị đã từng viết trong cuốn hồi ký “Đi tìm một vì sao” của ông rằng: “Qua các lần bình xét, trao giải, trong đội ngũ văn nghệ sĩ luôn có những ồn ào, so bì, thắc mắc? Có một điều chắc chắn, việc bình xét, dù là có các cấp Hội đồng, nhưng kết quả không bao giờ cũng là khách quan, kịp thời, đúng đắn”. Rồi: “Tôi luôn có cảm giác buồn và áy náy mỗi khi nhận được những lá đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo việc này việc kia sau mỗi lần xét tặng”. Đó cũng những vấn đề liên quan đến đến xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT hiện nay.
Phóng viên: Đã có những trường hợp nghệ sĩ đủ tiêu chuẩn, đủ huy chương mà vẫn bị trượt danh hiệu do không đủ ít nhất 80% số phiếu của hội đồng, quan điểm của ông như thế nào về thực trạng này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Thực ra thì rất nhiều các cuộc thi, xét duyệt danh hiệu mang tính cảm tính chứ không riêng gì việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Rõ ràng, khi đã là con người có cảm xúc thì việc cảm xúc chen lấn vào công việc cũng dễ hiểu. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo điều kiện cho sự công tâm, công bằng được thể hiện ở mức độ cao nhất.
Muốn như vậy thì các quy định phải thực sự rõ ràng, tránh tình trạng hiểu hai nghĩa khác nhau. Thêm vào đó, việc lựa chọn người tham gia xét duyệt cũng phải thể hiện được các nguyên tắc đó. Tôi từng là người trong cuộc, tham gia vào một số hội đồng xét tặng danh hiệu, nên tôi cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, những hồ sơ có vấn đề luôn được thảo luận kỹ lưỡng để có sự nhất trí cao trong hội đồng, nhưng đúng là do chúng ta còn có những quy định chưa rõ ràng, thậm chí có những vấn đề không được thể hiện trong văn bản, ảnh hưởng đến quyết định của người bỏ phiếu, ảnh hưởng đến kết quả xét tặng danh hiệu.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, nhiều nghệ sĩ nhận danh hiệu NSND, NSƯT nhưng nhiều khán giả không biết tên, biết mặt, liệu tiêu chí xét duyệt có cần bổ sung thêm quy định nào không thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, điều này có một số vấn đề cần làm rõ, danh hiệu NSND, NSƯT là dành cho cống hiến của nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đối với nền văn hóa, nghệ thuật cách mạng. Như vậy, không phải cứ là nghệ sĩ nổi tiếng, được công chúng biết đến rộng rãi, thì đương nhiên là NSND, NSƯT.
Tuy vậy, tôi cũng đồng ý rằng, nghệ sĩ là người của công chúng, phải được công chúng biết đến thông qua tác phẩm, tài năng nghệ thuật của mình, vì thế đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật cách mạng của người nghệ sĩ thì cũng cần phải đến được với công chúng.
Thế nên, tôi nghĩ, dù việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã qua nhiều vòng, với nhiều bước đánh giá, nhưng việc có thêm một tiêu chí về sự công nhận, đánh giá của công chúng đối với các nghệ sĩ cũng là một ý tưởng thú vị, có thể tham khảo và áp dụng.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!