ĐẠI BIỂU ĐINH VĂN THÊ: CẦN QUY ĐỊNH RÕ CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM Y TẾ CHO DÂN QUÂN TỰ VỆ
XÂY DỰNG LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP ĐỂ ĐÁP ỨNG NHIỆM VỤ BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC TỪ SỚM, TỪ XA
Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã bám sát chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Đại tá Đinh Văn Thê, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai góp ý hoàn thiện hơn về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng
Đại tá Đinh Văn Thê, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai
Phóng viên: Qua thảo luận tại kỳ họp thứ 6,nhiều đại biểu đồng tình với chủ trương phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng. Theo đánh giá của đại biểu, vấn đề này đã được cụ thể hoá trong dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp như thế nào?
ĐBQH Đinh Văn Thê: Tôi cho rằng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng là chủ trương rất đúng của Đảng ta. Tuy nhiên, tại Điều 2, dự thảo luật hiện nay chỉ có khái niệm công nghệ lưỡng dụng quy định và một số cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng được quy định tại khoản 4 Điều 4; khoản 3 Điều 6; khoản 1 Điều 17 và các điều khoản khác. Nếu quy định các điều khoản như vậy sẽ gây khó khăn, khó hiểu cho việc nghiên cứu và áp dụng. Do đó, tôi đề nghị dự thảo luật nên dành một mục hoặc một điều quy định về tính lưỡng dụng của công nghiệp quốc phòng, an ninh. Trong đó, làm rõ khái niệm và nội hàm của tính lưỡng dụng.
Theo tôi, tính lưỡng dụng thể hiện ở chỗ các cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh nòng cốt, ngoài việc tạo ra các sản phẩm phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nếu không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được quyền tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống dây chuyền công nghiệp tạo ra các sản phẩm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; các cơ sở công nghiệp khác ngoài việc tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu dân sinh có thể tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các sản phẩm phục vụ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đối với các sản phẩm đặc thù có tính năng vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vừa phục vụ nhiệm vụ dân sinh như: máy bay, tàu thủy cao tốc, tàu ngầm, máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, v.v. cần có quy định về việc liên doanh, liên kết thẩm quyền thẩm định phê duyệt, chế độ, chính sách đặc thù.
Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân phát triển tàu ngầm mini, tàu lặn, tàu cao tốc, phương tiện bay cá nhân, v.v. nếu thành công thì đây là sản phẩm rất hữu ích, vừa phục vụ dân sinh vừa phục vụ quốc phòng, an ninh. Đây là sản phẩm lưỡng dụng đặc thù, luật cần có quy định cụ thể vừa khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đóng góp nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như củng cố quốc phòng, an ninh, vừa quản lý chặt chẽ để bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.
Phóng viên: Thưa đại biểu, về quy định tổ hợp công nghiệp quốc phòng cần quy định cụ thể như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
ĐBQH Đinh Văn Thê: Theo tôi về quy định tổ hợp công nghiệp quốc phòng, tôi đề nghị cần quy định cụ thể về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng và tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao trong dự án luật này. Mặc dù đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đặt ra yêu cầu cho phát triển công nghiệp quốc phòng trong thời gian tới, nhưng đây là nhiệm vụ đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã xác định tổ chức lại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại. Việc xây dựng các tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao vừa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng của đất nước trong tình hình mới, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Luật cần xác định rõ phương thức liên kết hợp tác, phân công chuyên môn hóa, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để vừa thu hút sự tham gia của các tổ chức doanh nghiệp trong nghiên cứu sản xuất các hệ thống vũ khí trang bị kỹ thuật, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia liên kết hợp tác này. Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu ngày 13/10/2023 của Chính phủ đã có phương án bổ sung quy định này vào dự thảo luật theo hướng bổ sung tại khoản 23, khoản 24 của Điều 2 dự luật là có 2 khái niệm tổ hợp công nghiệp quốc phòng Việt Nam và tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao lưỡng dụng nhưng chưa có nội hàm cụ thể.
Tôi đề nghị cần nghiên cứu quy định nội hàm, quy định này trong luật tạo cơ sở pháp lý để công nghiệp quốc phòng triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt là chú ý đến các định lộ trình, nguyên tắc, thẩm quyền, chính sách đối với việc tổ chức tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Còn vấn đề nữa tôi quan tâm là về bảo đảm nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh. Tôi thấy dự thảo luật đã thể hiện cơ bản đầy đủ chủ trương, định hướng, tạo nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đã được quy định trong các văn bản của Đảng, tuy nhiên vẫn còn quy định chưa rõ, chưa cụ thể.
Thực tiễn nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thời gian qua còn rất thấp, công tác huy động xã hội hóa, cơ chế tín dụng đầu tư cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học, chế độ, chính sách cho các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực công nghiệp, quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng yêu cầu. Cho nên, tôi đề nghị cần nghiên cứu để quy định rõ hơn, bảo đảm tính khả thi.
Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.