GÓC NHÌN: KỲ VỌNG NHIỀU QUYẾT SÁCH ĐỘT PHÁ CỦA QUỐC HỘI SẼ ĐƯA ĐẤT NƯỚC VƯỢT QUA KHÓ KHĂN, PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 29/11: BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 07 luật, 08 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 08 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp.
Nhận định về kỳ họp thứ 6, bên hành lang Quốc hội, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.
Phóng viên: Nhìn lại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu có đánh giá như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Công Long: Tôi ấn tượng với kỳ họp này là các dự án luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự đánh giá thấu đáo nên đã được Quốc hội thông qua. Đặc biệt là các nghị quyết quyết định tất cả những nội dung, nhiệm vụ rất cụ thể mà chúng ta phải thực hiện trong 1 năm hoặc thời gian lâu hơn. Đây là những yếu tố thiết thực đối với tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Bởi vì luật điều chỉnh chung hệ thống các nghị quyết trong từng lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội. Nghị quyết về chất vấn xác định nhiệm vụ cho từng cơ quan thực hiện cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua một số dự án luật để tiếp tục xem xét thấu đáo. Đó cũng là cách làm thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trước vận mệnh và phát triển của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.
Phóng viên: Những điểm mới nổi bật của kỳ họp thứ 6 để lại ấn tượng nhất đối với đại biểu là những gì?
ĐBQH Nguyễn Công Long: Nếu nói đổi mới là nói đến cái chúng ta làm khác với thường lệ, trước đây khi tổ chức chất vấn bao giờ cũng có các cơ quan Quốc hội và Tổng thư ký quốc hội làm việc với Bộ ngành được chọn chất vấn. Theo đó, các Bộ ngành sẽ chuẩn bị sẵn các nội dung lên báo cáo, những vấn đề đã được các ĐBQH gửi đến trước. Tuy nhiên, tại kỳ họp này có điểm mới nổi bật là đại biểu Quốc hội có quyền hỏi bất cứ Bộ trưởng, trường ngành nào về bất cứ vất đề gì mà chưa được chuẩn bị. Vậy là rõ ràng đòi hỏi sự chuẩn bị của các Bộ trưởng, trưởng ngành rất tốt và phải nắm rất vững các vấn đề, lĩnh vực của mình quản lý, phụ trách. Điều quan trọng nữa là các Bộ trưởng đã có sự chuẩn bị các kế hoạch, phương án để trả lời chất vấn.
Còn về phía các ĐBQH đã bám sát vào những vấn đề bất cập, đang phát sinh trong thực tiễn cuộc sống, được cử tri và Nhân dân đang quan tâm, kiến nghị và mong đợi được giải quyết sớm để chất vấn các Tư lệnh ngành.
Đối với việc điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các lãnh đạo Quốc hội đã rất tập trung bám sát những nội dung, vấn đề mà các ĐBQH chất vấn, tranh luận để linh hoạt trong điều hành để các Bộ trưởng trả lời trọng tâm, trúng vấn đề mà các ĐBQH nêu.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Có thể khẳng định, sự đổi mới trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 này từ sự điều hành, tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho đến lấy phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội phê chuẩn. Đặc biệt là chú trọng đến việc biên soạn để có được những bộ luật chất lượng, đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống đã tạo được ấn tượng đối với các ĐBQH.
Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng như thế nào sau kỳ họp thứ 6 kết thúc?
ĐBQH Nguyễn Công Long: Sau khi kỳ họp kết thúc, chúng ta phải bắt tay ngay vào hoàn thiện những dự án luật, dự thảo nghị quyết tiếp tục cho kỳ họp tới. Thời gian rất eo hẹp, chưa kể Quốc hội đã phải triển khai ngay các chương trình về giám sát, những nội dung quan trọng mà nghị quyết của Quốc hội đã thông qua. Do đó, thời gian tới, Hội đồng Dân tộc, mỗi cơ quan của Quốc hội và từng ĐBQH phải tập trung cao độ, phát huy cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện các tốt nhiệm vụ. Điều này đặt ra một vấn đề là tỷ lệ đại biểu chuyên trách phải tăng lên để đáp ứng yêu cầu này. Tôi cũng kỳ vọng trong thời gian tới, Quốc hội sẽ có thêm được nhiều ĐBQH chuyên trách để triển khai công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng hiệu quả, đáp ứng được mong đợi của Nhân dân.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!