Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 4a0c52a1-093b-90f0-dd35-d71d4778b7dd.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

CẦN NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH RIÊNG VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẤU GIÁ TÀI SẢN THI HÀNH ÁN

28/11/2023

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án cũng như thúc đẩy công khai, minh bạch, khách quan hoạt động đấu giá.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 28/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Nghiên cứu quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án

Đấu giá tài sản là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Luật Đấu giá tài sản sửa đổi. Tại điểm đ, khoản 1, Điều 4 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và tại điểm l, khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật quy định “Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.

Đại biểu Lê Tất Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc

Theo đại biểu Lê Tất Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy, đối với vụ án hình sự đã được điều tra, truy tố, xét xử và đã có bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì tài sản là tang vật, phương tiện phạm tội sẽ thuộc sự điều chỉnh của điều luật này. Tuy nhiên, đối với vụ án hình sự mà phải đình chỉ vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, trong đó có tài sản là tang vật, phương tiện phạm tội cơ quan điều tra, viện kiểm sát quyết định tịch thu xung công quỹ thì trong Luật Đấu giá tài sản chưa quy định. Do vậy, đại biểu Lê Tất Hiếu đề nghị xem xét bổ sung điểm l, khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật là “Tài sản là tang vật, phương tiện phạm tội trong vụ án hình sự bị tịch thu xung công quỹ nhà nước; tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, dự thảo Luật chưa có quy định thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản thi hành án và cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án. Đại biểu cho biết, trong thực tế, để đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá, thời gian thường kéo dài từ lúc kê biên thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, thẩm định giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá…

Trường hợp bán đấu giá không thành thì giảm giá tài sản để tiếp tục bán. Mỗi công việc nêu trên của chấp hành viên, của các tổ chức cơ quan đều có thể bị chủ tài sản - người phải thi hành án khởi kiện, tố cáo và quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo mất rất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp người dân sợ rủi ro khi mua tài sản thi hành án nên việc bán đấu giá loại tài sản này thường tổ chức rất nhiều lần mà chưa có người mua; đến khi bán đấu giá thành công thì người phải thi hành án, chủ tài sản chống đối bằng nhiều hình thức dẫn đến chậm bàn giao tài sản cho người mua. Do đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị nghiên cứu quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án trong dự thảo Luật. 

Thúc đẩy công khai, minh bạch, khách quan hoạt động đấu giá

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm xã hội hóa, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, thúc đẩy công khai, minh bạch, khách quan của hoạt động đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Theo dự thảo Luật, một trong những tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá là “tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, quy định như vậy còn quá chung chung vì theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Như vậy, tài sản bảo đảm là vật, bất động sản, động sản thì có thể đưa ra đấu giá được; còn nếu tài sản là tiền, giấy tờ có giá thì bản thân tài sản đó đã có giá nên không thể đấu giá được. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị sửa đổi theo hướng: tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trừ tài sản bảo đảm là tiền và giấy tờ có giá. 

Liên quan đến việc xác định giá khởi điểm để đấu giá, đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và chế tài đối với vi phạm trong việc xác định giá khởi điểm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong mối quan hệ chặt chẽ với các quy định của pháp luật khác trong lĩnh vực quản lý giá, quản lý đất đai, quản lý tài sản công, quản lý tài sản bảo đảm, tịch thu tài sản thi hành án và trách nhiệm dân sự. 

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Đại biểu cho rằng, hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tuy đã được quy định trong luật hiện hành, nhưng trên thực tế còn ít được sử dụng so với các hình thức khác. Nhấn mạnh hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói là hình thức tốt, phù hợp với thông lệ quốc tế, chứng minh được ưu thế vượt trội, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị, để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong đấu giá, chỉ nên duy trì hai hình thức là đấu giá bằng lời nói và đấu giá trực tiếp. Đồng thời, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá, người tổ chức đấu giá.

Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế pháp luật chặt chẽ để bảo đảm hoạt động bán đấu giá tài sản có hiệu quả, bảo vệ được quyền và lợi ích của Nhà nước, của các cá nhân, tổ chức liên quan như: tổ chức hành nghề đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá mua tài sản đấu giá, người được thi hành án, người phải thi hành án, người đồng sở hữu... Vì vậy, phải rà soát kỹ lưỡng các luật chuyên ngành có liên quan để có sửa đổi, bổ sung đồng bộ, tránh những khoảng trống pháp luật khi dự thảo Luật không điều chỉnh mà các luật chuyên ngành cũng không điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, chưa thống nhất.

 

Hải Yến

Các bài viết khác