CẦN BIỆN PHÁP, CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH ĐỂ PHÒNG CHỐNG, XỬ LÝ TÌNH TRẠNG CHẬM ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI
GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐỀ XUẤT CÓ CHẾ TÀI XỬ LÝ DOANH NGHIỆP VI PHẠM ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI CHO LAO ĐỘNG BẰNG XỬ LÝ HÌNH SỰ
Phóng viên: Thưa ông, tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của doanh nghiệp gia tăng, tuy nhiên điều này cũng xuất phát từ khó khăn tài chính của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế có nhiều biến động. Theo ông làm thế nào để hài hoà lợi ích này?
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN: Cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến dự thảo luật này. VCCI nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp, có những bản kiến nghị chung của hàng chục doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cùng ký tên, đóng dấu gửi về cho VCCI để thấy sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp. Luật bảo hiểm xã hội không chỉ giải quyết vấn đề về chủ trương thực hiện an sinh xã hội, đảm bảo ổn định xã hội mà còn liên quan nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp. Chúng tôi thấy có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết trong tam giác quan hệ giữa việc đóng bảo hiểm xã hội, công tác đảm bảo an sinh xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, việc xây dựng các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội cần hài hòa, đảm bảo phát triển động lực cho cả doanh nghiệp. Đấy cũng chính là cách để nâng cao quy mô và chất lượng của bảo hiểm xã hội và thực hiện an sinh xã hội tốt hơn,
Tuy nhiên, các doanh nghiệp rất quan tâm về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội. Hiện nay theo dự thảo luật, vẫn giữ nguyên mức cũ. Theo khảo sát của chúng tôi, trong khu vực asean thì có Singapore và Trung Quốc có mức đóng bảo hiểm xã hội cao hơn Việt Nam, còn các nước trong khu vực thì thấp hơn ta rất nhiều, ví dụ như Indonesia chỉ có 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%, còn Việt Nam là 17% đối với doanh nghiệp và cộng cả của người lao động, cộng thêm các khoản bảo hiểm y tế, các khoản khác lên đến 32%. Đây là một tỷ lệ rất cao và khi tỷ lệ này cao đã đặt ra câu chuyện là sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ khó hơn, khi các đơn hàng ít đi và doanh thu giảm đi.
Vì vậy câu chuyện nếu như để nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển bảo hiểm xã hội thì cũng xem xét, cân nhắc về tỷ lệ bảo hiểm xã hội, có thể từ mức chúng ta cộng của doanh nghiệp và người lao động 25% xuống khoảng 20%, người lao động là 5%, doanh nghiệp là 15%. Chúng tôi đề nghị trên cơ sở phản ánh các kiến nghị của các doanh nghiệp.Tất nhiên, là phải có một lộ trình hoặc có một chủ trương là giảm dần từng chút một để tạo sự cân bằng trong khu vực.
Phóng viên: Thưa ông, hiện dự thảo Luật đã bỏ cụm từ chậm đóng BHXH mà chỉ còn hành vi trốn đóng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không đồng tình. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN: Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc chúng ta phải cương quyết đấu tranh và có xử lý chế tài với những người không có ý thức, với những doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng việc chậm đóng cũng là một thực tế trong cuộc sống, nếu chúng ta loại trừ việc này thì có thể là chưa hợp lý vì ngay trong Luật Quản lý thuế vẫn có nội dung này. Theo chúng tôi vẫn cần phải khôi phục lại khái niệm về chậm và khi người ta chậm nộp, ví dụ vì những lý do bất khả kháng hỏa hoạn, thiên tai, chẳng hạn mất năng lực tạm thời thì có thể họ chậm nộp, còn anh có ý thức trốn thì phải xử lý nghiêm. Chúng tôi đề nghị vẫn khôi phục lại khái niệm về chậm nộp trong những trường hợp và quy định những trường hợp cụ thể.
Theo đó, tại Điều 44 về các chế tài xử lý,có quy định về ngừng sử dụng hóa đơn và việc hoãn xuất cảnh, quy định này khiến nhiều doanh nghiệp không đồng tình, bởi vì đây sẽ cản trở hoạt động của doanh nghiệp, mà quan điểm của doanh nghiệp mong muốn là nếu như có những vi phạm về mặt tài chính thì xử lý bằng những biện pháp kinh tế và tài chính là chính chứ không nên xử lý theo những hình thức như thế này. Chúng tôi đề nghị những chế tài như vậy nên chuyển thành những chế tài về tài chính và có thể quy định các mức phạt sẽ tăng dần theo thời gian chậm nộp thì sẽ hợp lý hơn. Chúng tôi đề nghị cách tiếp cận, cách xử lý các vấn đề trong xử lý về sai phạm trong đóng bảo hiểm xã hội nên theo hướng như vậy để giảm những xung đột. Những gì hình sự hóa kể cả về đóng bảo hiểm xã hội thì trong Bộ luật Hình sự Điều 243 cũng đã có chế tài với những đối tượng trốn đóng bảo hiểm xã hội rồi, trong luật này chúng ta không cần phải tăng cường thêm sẽ bị trùng lắp.
Về thời hạn đóng bù bảo hiểm xã hội, chúng tôi mong muốn được tiếp tục được xem xét và nâng thêm cho các doanh nghiệp thời gian đóng bù có thể lên 20 hoặc 30 ngày, nếu mở rộng được thì môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, các doanh nghiệp cũng dễ thực hiện hơn. Tinh thần chung là phải đóng nhưng đóng chậm 10 ngày hay 20 ngày theo tôi nếu du di được thì cũng tốt hơn cho môi trường kinh doanh, tốt hơn cho các doanh nghiệp.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!