TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 21/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
ĐBQH Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện lấy ý kiến nhân dân từ ngày 03/01/2023 đến ngày 15/3/2023. Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng lấy ý kiến như: tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân, đồng thời tiếp nhận các ý kiến góp ý trực tiếp của các địa phương đại diện cho các vùng, miền có tính đặc thù.
Tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân, một số chương, mục, điều của dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung. Dự thảo Luật sau khi hoàn thiện có bố cục gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, ĐBQH Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần làm rõ các nội dung quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật. Theo đó, đề nghị giữ tên “khuyến khích đầu tư vào đất đai” như tại điều 9 Luật Đất đai năm 2013. Bởi nội dung “khuyến khích đầu tư vào đất đai” có nội hàm rộng hơn “nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai”. Hơn nữa, không phải chỉ có Nhà nước khuyến khích mà không phải chỉ có khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất.
Vì thực tế, khuyến khích đầu tư vào đất đai là quyền và nghĩa vụ của toàn dân, với tư cách là chủ sở hữu đất đai và vì đối với đất đai không phải chỉ đầu tư sử dụng đất đai mà còn đầu tư vào phát triển đất đai, quy hoạch đất đai, bảo vệ môi trường liên quan đến đất đai.
Về sở hữu đất đai, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung “quyền sử dụng đất đai và tài sản gắn liền với đất được pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm” để phù hợp với điều 14 của Hiến pháp năm 2013.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng đề nghị dự thảo Luật bổ sung việc Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai chịu sự giám sát của nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên theo đúng quy định pháp luật về thực hiện quyền giám sát. Đặc biệt, quy định tại Điều 17 về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng, dự thảo luật đã bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cần mở rộng đối với đồng bào dân tộc, biên giới, biển đảo để tạo điều kiện cho người dân bám đất, bám làng, giữ an ninh trật tự ở biên giới cùng với các lực lượng khác.
Đồng thời, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mở rộng đối với đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo, cận nghèo, người khó khăn để đảm bảo cho quyền lợi của người dân để canh tác trên đất của mình, cũng như để đảm bảo người cày có ruộng; cần bổ sung vào khoản 4, điều 122 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...
Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng vấn đề quan trọng nhất là giá đất bồi thường khi thu hồi đất. Các vụ việc phát sinh khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của người bị thu hồi đất chủ yếu là vì lý do cho rằng giá đất bồi thường quá thấp. Thực tế giá đất do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên bị người dân khiếu nại vì cho rằng giá không phù hợp với thực tế, không phù hợp với giá thị trường. Do đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị quan tâm đến phương thức xác định giá đất của phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Cụ thể, thực hiện đấu giá đất, thực hiện tư vấn giá đất, thực hiện phản biện, giám sát xã hội về giá đất.../.