TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
ĐBQH Phạm Nam Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Phát biểu góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Phạm Nam Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian qua, niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước ta ngày càng được nâng lên thông qua công tác chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đại biểu cho rằng, điều đó khẳng định thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời là vô cùng cần thiết. Nhưng quan trọng hơn cả là thông tin ấy có thể kích thích sự tích cực, chủ động tham gia của công chúng. Báo cáo của Chính phủ xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tớ, trong đí có nhiệm vụ thứ 10 đặt ra với lĩnh vực thông tin truyền thông với 03 nhiệm vụ then chốt, đó là truyền thông chính sách, ngăn chặn thông tin xấu, độc, tạo đồng thuận xã hội.
Nhấn mạnh về truyền thông tạo sự đồng thuận trong xây dựng, thực thi chính sách, đại biểu cho rằng, đây là mấu chốt để thực hiện các nhiệm vụ, các mục tiêu truyền thông khác. Đại biểu Phạm Nam Tiến cho rằng, truyền thông phải gắn liền với công tác dân vận, thực hiện dân chủ ở cơ sở; truyền thông cần là quá trình đối thoại chính sách, kích thích sự tham gia tích cực, chủ động của người dân, của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh truyền thông xã hội ngày càng trở nên phổ biến, công chúng ngày càng tiếp nhận thông tin nhiều hơn từ các phương tiện truyền thông xã hội. Những sự cố khủng hoảng truyền thông cũng diễn ra nghiêm trọng hơn thì truyền thông để tạo sự đồng thuận, nhất là góp ý, phản biện chính sách là việc khó, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức, đầu tư, nguồn lực và cả sự hiểu biết sâu rộng, cách làm mới của những người làm truyền thông.
Bên cạnh việc thay đổi nhanh chóng cả về nhận thức và tổ chức bộ máy để thích ứng với môi trường truyền thông số, đại biểu Phạm Nam Tiến cho rằng, thực tế đang đòi hỏi các cơ quan truyền thông, bộ máy truyền thông cần đầu tư hơn cho nội dung, có nhiều hơn những tác phẩm truyền thông chất lượng cao và có sức tác động lan tỏa ngày càng lớn, có những mô hình chiến lược truyền thông phù hợp, đa dạng. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận, mới đấu tranh phản bác được thông tin xấu độc, sai sự thật.
Đại biểu Phạm Nam Tiến nhấn mạnh, chúng ta cũng thấy rằng tốc độ lan truyền thông tin trên mạng hiện nay rất nhanh chóng, trí tuệ nhân tạo AI hiện đang tác động mạnh mẽ bằng sức mạnh ảo, chat GPT, ca sĩ ảo, MC dẫn chương trình ảo, chuyên gia ảo đang hoạt động rất sôi động và hoạt động không khác gì đời thật. Đây chính là những thách thức và cũng là những cơ hội đặt ra đối với công tác thông tin truyền thông.
Vì vậy, đại biểu Phạm Nam Tiến đề nghị bổ sung thêm vào nhiệm vụ báo cáo đặt ra cho vấn đề thông tin truyền thông. Cụ thể, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI trong hoạt động thông tin truyền thông để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, chất lượng.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, truyền thông chính sách hiệu quả, truyền thông để có những phản ứng chính sách kịp thời để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan trung ương. Một vài bộ, ngành, địa phương công tác này chưa được quan tâm chú trọng nhiều, vẫn còn coi đó là nhiệm vụ của cơ quan báo chí.
Thời gian qua, đặc biệt là qua đại dịch COVID-19, đại biểu cho rằng, thông tin truyền thông cần có những nhận diện mang tính đột phá, đổi mới đầu tư hơn, thể hiện đúng vị trí, vai trò của công tác này để có thể theo kịp và đáp ứng thực tế cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội./.