TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 1/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước
Phát biểu góp ý tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tán thành với Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Liên quan đến phát triển văn hóa, đại biểu Âu Thị Mai cho biết, sau hơn 1 năm cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có thể thấy lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều hội thảo lớn về văn hóa được tổ chức, thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sỹ, các chuyên gia, nhà khoa khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, hoạch định chính sách tham gia đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, qua đó, tiếp tục lan tỏa, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành. Với sự tham gia chủ động, đồng bộ từ trung ương đến địa phương đã tạo xung lực mới cho sự phát triển văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Âu Thị Mai cho rằng lĩnh vực văn hóa còn nhiều khó khăn, bất cập: Ngân sách đầu tư cho văn hóa chưa đảm bảo; nhiều đề án, chương trình, kế hoạch được ban hành nhưng việc bố trí kinh phí thực hiện chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra; việc đầu tư cơ sở vật chất văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; chế độ chính sách đối với “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” còn nhiều bất cập…
Đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.
Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển phát triển bền vững đất nước như Đảng ta đã xác định, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, đại biểu Âu Thị Mai kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất: Khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn hóa, nhằm tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư cho phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa; chính sách thúc đẩy phát triển tài năng, tinh hoa trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhân lực của ngành văn hóa...
Thứ hai: Kiên trì quan điểm coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Tăng mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp; đồng thời tôi cũng đề nghị Quốc hội xem xét, cần có quy định cụ thể về mức đầu tư tối thiểu cho văn hóa từ ngân sách nhà nước bằng Nghị quyết để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương làm cơ sở phân bổ ngân sách nhà nước từng năm và giai đoạn.
Thứ ba: Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 ban hành kèm thao Quyết định số 515 ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Động viên, khuyến khích các nghệ nhân đóng góp nhiều hơn cho công tác bảo tồn văn hóa tại cộng đồng
Về chính sách đối với nghệ nhân, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109 ngày 28/10/2015 về việc hỗ trợ đối với “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, tuy nhiên đối tượng được thụ hưởng chính sách rất hẹp, chỉ áp đối với nghệ nhân thuộc gia đình có thu nhập thấp, bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở; Người đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ và 60 tuổi trở lên đối với nam không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; Người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; Người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục Bộ Y tế quy định, kinh phí hỗ trợ được chia theo 3 mức: 1 triệu đồng, 850.000 đồng, 700.000 đồng/tháng.
Theo thống kê cả nước hiện có 1.750 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” (trong đó 131 nghệ nhân nhân dân, 1.619 nghệ nhân ưu tú), nhưng rất ít nghệ nhân được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định, trong khi các nghệ nhân chủ yếu là những người cao tuổi, nhưng họ vẫn ngày đêm miệt mài nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy di sản văn hóa của dân tộc cho thế hệ kế cận.
Để động viên, khuyến khích, giúp các nghệ nhân yên tâm cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho công tác bảo tồn văn hóa tại cộng đồng, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 109 theo hướng các nghệ nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú” đều được hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng với mức hỗ trợ ít nhất bằng một tháng lương cơ sở./.