Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: “Tôi đề nghị có quy định dành một quỹ thời gian để đại biểu tranh luận với phát biểu tiếp thu của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, vấn đề này cũng là làm cơ sở để cơ quan thẩm tra có căn cứ để chỉnh sửa trong quá trình thẩm tra. Tôi cũng rất mong muốn thời gian tranh luận đối với sự tiếp thu của cơ quan chủ trì soạn thảo, dành một quỹ thời gian ngay sau đấy để cho đại biểu tranh luận đối với cơ quan chủ trì soạn thảo.”
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: “Nhằm nâng cao hiệu quả của phiên chất vấn, nhất là đối với việc thực hiện thí điểm các chính sách đặc thù của Quốc hội, thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia và các vấn đề mang tính quan trọng, chiến lược khác do Quốc hội quyết định, tôi trân trọng kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, trong đó mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động trực tiếp việc thực hiện nghị quyết, chính sách đó.”
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: “Chất vấn không thể là bới lông tìm vết, soi mói khuyết điểm, không phải là để níu kéo nhau, cản trở nhau mà là để xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy Nhà nước ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đảm bảo sự minh bạch và chế độ trách nhiệm. Phê bình mặc dù là thuộc tính của chất vấn nhưng không phải là mục đích của chất vấn. Qua chất vấn giúp cho hoạt động của các cơ quan và người được chất vấn làm tốt hơn, hoàn thiện hơn. Chính vì vậy, rất mong Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm những quy định có tính ràng buộc nhằm hạn chế, khắc phục những bất cập nêu trên và nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn.”
Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: “Nếu như Quốc hội có hình thức hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất là kỳ họp, thì thảo luận là phương thức hoạt động quan trọng nhất. Thảo luận của chúng ta hiện nay phần lớn là tham luận, một lối mòn cũ xưa của quá trình phát triển nghị viện ở nước ta…Chính vì vậy, đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội phải đổi mới từ chính phương thức thảo luận. Tôi đề nghị phải định nghĩa 2 hình thức thảo luận, đó là thảo luận ở tổ và đoàn. Đây là bước sàng lọc vấn đề và hai là đến thảo luận toàn thể tại hội trường chỉ tập trung vào những vấn đề quan trọng, có ý kiến khác nhau. Cho nên cần có quy định về thủ tục thảo luận ở tổ và thủ tục thảo luận tại phiên toàn thể.”
Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: “Nếu vẫn duy trì Quốc hội làm việc hết giờ như hiện nay thì số lượng đại biểu được thể hiện chính kiến của mình ở mỗi phiên họp sẽ luôn luôn là thiểu số, mà Quốc hội thì quyết định theo đa số. Việc đổi mới cách thức thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, thiên về tranh luận thì chắc chắn sẽ khiến cho đa số đại biểu tự tin hơn khi đưa ra quyết định của mình trước những vấn đề quan trọng của đất nước.”
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: “Phát biểu cầm giấy cũng được, không cầm giấy cũng được nhưng phát biểu phải hay, phát biểu phải tốt, phát biểu phải mang tính xây dựng, trách nhiệm cao. Điều đó mới là quan trọng. Tôi có hơn 30 năm đứng trên bục giảng, nói rất thật là phát biểu cho phép tôi được cầm giấy. Tôi không sợ về kiến thức, tôi không sợ về thời gian, mà tôi sợ nhất là tôi không làm chủ được cảm xúc của chính mình. Mà không làm chủ được cảm xúc thì nhiều khi rất tai hại.”
Đại biểu Lê Hoàng Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: “Mục tiêu tất cả đại biểu Quốc hội đã đăng ký đều được phát biểu là khó khả thi. Tuy nhiên, chúng ta còn một kênh góp ý mà tôi thấy đại biểu Quốc hội còn rất ít sử dụng, đó là hình thức góp ý kiến bằng văn bản của đại biểu Quốc hội. Tại khoản 1 Điều 25 quy định: Ý kiến phát biểu, ý kiến bằng văn bản của đại biểu Quốc hội tại các phiên họp có giá trị như nhau và phải được tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, giải trình và báo cáo đầy đủ, trung thực với Quốc hội. Tôi cho rằng đây mới là phương án để giải quyết được vấn đề không ý kiến nào của đại biểu Quốc hội bị bỏ sót.”
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: “Để tổng hợp được đầy đủ và nhanh nhất ý kiến của đại biểu Quốc hội về đánh giá tổng kết kỳ họp, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, nên chăng bổ sung quy định trước khi kết thúc kỳ họp 3 ngày Tổng Thư ký Quốc hội sẽ xin ý kiến của đại biểu Quốc hội về đánh giá kết quả kỳ họp bằng phiếu khảo sát theo mức độ. Kết quả khảo sát không chỉ phản ánh đầy đủ thực chất, khách quan, kết quả, chất lượng kỳ họp mà đây còn là dữ liệu sơ cấp hết sức quan trọng để Chủ tịch Quốc hội đánh giá chất lượng kì họp trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp.”