Đại biểu Nguyễn Thành Công– Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Nguyễn Thành Công– Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của luật nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số phù hợp với những thay đổi về bối cảnh môi trường đầu tư và phát triển tần số vô tuyến điện, phù hợp với chiến lược phát triển hạ tầng số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ. Theo đó, muốn phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thì trước hết phải phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, làm chủ hạ tầng băng rộng cũng như làm chủ các công nghệ nền tảng số. Để đạt được mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số tại Việt Nam và thế giới, hoàn thiện khung khổ pháp luật là một trong những điều kiện tiên quyết.
Đối với vấn đề quy hoạch giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng triển khai mạng thông tin di động mặt đất, đại biểu Nguyễn Thành Công cho rằng, một trong những mục tiêu cốt lõi được nêu tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Việc giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng liệu có làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường gây ảnh hưởng đến phát triển thị trường của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ mạng thông tin di động hay không? Hiện nay, các quy định về tổ chức đấu giá thi tuyển để cấp phép sử dụng tần số, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số điều kiện là chưa rõ ràng, cụ thể. Chưa có cơ chế quản lý kiểm tra tình trạng sử dụng trên thực tế đối với các doanh nghiệp sử dụng băng tần được cấp phép, chưa làm rõ nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông, giới hạn tỷ lệ phần trăm sử dụng tần số thì được xem là tuân thủ cam kết triển khai mạng viễn thông. Thời gian tối đa là bao lâu nếu doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không hết băng tần được cấp phép thì được xem là không thực hiện cam kết. Đây là căn cứ quan trọng để áp dụng các chế tài như đình chỉ quyền sử dụng tần số, thu hồi giấy phép sử dụng băng tần. Việc quy định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà không có hướng dẫn chi tiết sẽ dẫn đến áp dụng tùy nghi, không minh bạch, khó triển khai trên thực tiễn.
Theo đại biểu, thay vì quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, đảm bảo công bằng, thúc đẩy tính cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, kích thích tăng cường đầu tư về công nghệ, thiết bị để kinh doanh có hiệu quả, tránh tình trạng doanh nghiệp có băng tần, khối băng tần nhiều sử dụng không hết, còn doanh nghiệp khác không đủ cho nhu cầu, xảy ra tình trạng tích tụ tần số gây lãng phí tài nguyên, Luật cần bổ sung những quy định cụ thể, chi tiết và đầy đủ về: tiêu chí, điều kiện trường hợp doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua ba hình thức cấp phép; nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông; các biện pháp quản lý nhà nước đảm bảo được thực hiện cam kết triển khai mạng viễn thông và chế tài xử lý vi phạm hành chính khi doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết triển khai mạng viễn thông.
Trong trường hợp nếu vẫn giữ nguyên quy định theo hướng giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng cần phải bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc và tiêu chí xác định hạn mức. Ví dụ như xác định trên cơ sở quy mô doanh nghiệp, năng lực đầu tư, vốn đầu tư hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, mức độ công nghệ đang sở hữu, năng lực quản trị doanh nghiệp nhằm tăng tính minh bạch trong quản lý nhà nước, đảm bảo tính khả thi của luật. Đồng thời đai biểu đề nghị quy định áp dụng cho nhóm công ty không chỉ cho từng công ty đơn lẻ để tránh tình trạng băng tần được cấp cho nhiều công ty, nhưng các công ty này lại cùng một tập đoàn hay cùng chủ sở hữu.
Đối với vấn đề sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu cho rằng nội dung này cần phải cân nhắc rất thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng hơn trong phương diện công nghệ, kinh tế, an ninh, quốc phòng tác động đến thị trường viễn thông.
Đại biểu cho rằng, về mặt công nghệ, việc sử dụng cùng một tần số cho 2 mục đích vừa để kinh doanh vừa để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là rất khó, do có sự khác biệt về đặc điểm hạ tầng vận hành, khai thác. Đặc điểm hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh là có tính ưu tiên, bảo mật đặc biệt khác với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội là có tính minh bạch, cạnh tranh cao. Việc sử dụng kết hợp như vậy có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật nghiệp vụ, bí mật quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia.
Bên cạnh đó Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 đã phân tích rõ nội dung quy định về quản lý sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích kinh tế và mục đích quốc phòng, an ninh. Với tính chất bí mật và mục đích đặc biệt, chỉ có Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được phép và có trách nhiệm sử dụng, quản lý các tần số này. Quy định như dự thảo luật có đi ngược lại với mục tiêu quan trọng, ưu tiên ban đầu để phân bổ tần số này hay không?
Về mặt kinh tế, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ về tính khả thi, minh bạch, phương án sử dụng để tách bạch rõ ràng về kinh phí ngân sách dành cho quốc phòng, an ninh với kinh phí đầu tư cho hoạt động kinh doanh thương mại, cơ chế tiếp cận, kiểm tra, giám sát hoạt động doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Do tính chất đặc thù nên các tần số được phân bổ riêng cho mục đích quốc phòng, an ninh được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sử dụng, không cần phải cấp phép, sử dụng thông qua các hình thức cấp phép trực tiếp, đấu giá, thi tuyển như đối với các doanh nghiệp thông thường phục vụ cho mục đích kinh doanh. Đại biểu đề nghị Luật quy định rõ, khi chuyển mục đích sử dụng tần số có kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế thì doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có cần phải đấu giá không? Đại biểu đề nghị Luật quy định chi tiết, cụ thể các trường hợp này để đảm bảo nhất quán với quy định về tiêu chí, điều kiện cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường viễn thông.