Đại biểu Trần Văn Sáu thống nhất với nội dung tờ trình và báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, tăng trưởng đạt mức 5,03%, các cân đối lớn của nền kinh tế giữ vững, ổn định an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.
Đại biểu cũng cho biết nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long rất phấn khởi, liên tục nhận được những tin vui từ sự quan tâm của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ về sự ra đời của Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nghị quyết 45 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách phát triển thành phố Cần Thơ và các dự án đường cao tốc triển khai trên địa bàn.
Về phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, kịp thời phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn đó hai nỗi lo trước mắt cũng như lâu dài, đó là biến đổi khí hậu và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID mà lao động việc làm cần được quan tâm đầu tiên và nhiều hơn để sớm ổn định cuộc sống nhân dân trong vùng.
Đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp lo ngại về tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động trong nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vấn đề thứ nhất là tình trạng di dân cục bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân trong vùng ven biển. Do vậy, một bộ phận người dân di cư đến những vùng đất mới cao hơn từ nhiều năm nay và từ ít đến nhiều dần và có nơi hình thành những làng mới.
Đại biểu Trần Văn Sáu nêu thực trạng, bà con di dân mua đất để ở, để sản xuất, mua bằng mọi giá, thậm chí mua bán bằng giấy viết tay, tự phát chuyển đổi mục đích sử dụng. Từ đó gây xáo trộn trong sản xuất, sinh hoạt và quản lý của chính quyền địa phương, làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội cần được quan tâm, giải quyết. Mặc dù chưa phải là đợt di dân ồ ạt và tới giờ này cũng chưa có cuộc điều tra khảo sát, đánh giá vấn đề này. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá có giải pháp ổn định tình hình trên.
Vấn đề thứ hai có một nghịch lý là tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động trong nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về chủ trương Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất chú trọng phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp và khát vọng đưa nông nghiệp Việt Nam có vị trí cao hơn trên bản đồ thế giới. Thực tế, quá trình chuyển đổi kinh tế nông nghiệp qua ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã rút một lượng lớn lao động và ngày càng nhiều ra khỏi nông nghiệp. Đây là điều bình thường, phù hợp với tiến trình phát triển, nhưng vấn đề là họ đi đâu, họ làm gì. Năm 2021 có hàng triệu lao động trở về từ tâm dịch, phải chăng sự phát triển kinh tế đã kéo một bộ phận người nông dân ra khỏi ruộng vườn để tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn tìm kiếm việc làm, tìm kiếm kế sinh nhai để sinh sống.
Đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần sớm hiện thực Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là triển khai nhanh các dự án để kết nối nông thôn với đô thị, phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết việc làm tại chỗ, ổn định cuộc sống Nhân dân.
Bên cạnh tình trạng thiếu lao động, đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu hụt một lực lượng lớn lao động có trình độ khoa học kỹ thuật, là lực cản cho sự phát triển nông nghiệp hiện đại. Có nghịch lý đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm nông nghiệp nhưng tỷ lệ cán bộ khoa học, kỹ thuật lại chiếm tỷ lệ rất thấp so với đội ngũ trí thức ở các lĩnh vực khác, có tỉnh chỉ chiếm vài phần trăm trên tổng số trí thức. Một phần nguyên nhân do thu nhập không cao, đời sống khó khăn nên họ cũng không thiết tha với ruộng vườn và thiếu năng động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Đại biểu Trần Văn Sáu đề nghị các bộ, ngành sớm đề xuất với Chính phủ có chính sách thu hút lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật, giải quyết đồng bộ nông nghiệp, nông dân, nông thôn; ưu tiên đào tạo và thực hiện tốt chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật nông nghiệp là động lực để nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, hiệu quả, an toàn và bền vững