Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ nhất trí với quan điểm được xác định trong Tờ trình của Chính phủ là việc thực hiện Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch 5 năm. Tuy nhiên, theo đại biểu, trong Hồ sơ gửi kèm chưa làm rõ sự gắn kết này. Ví dụ, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 xác định 20 chỉ tiêu. Trong khi đó, Hồ sơ trình Báo cáo về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội mới chỉ dự báo tác động về tăng trưởng GDP, bội chi ngân sách và thất nghiệp. Hồ sơ chưa đánh giá tác động đến việc thực hiện nhiều chỉ tiêu còn lại của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như các mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
Để bảo đảm tính tổng thể và toàn diện, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng cần lấy các mục tiêu được xác định trong văn kiện của Đảng và các kế hoạch, chương trình 5 năm làm gốc, làm căn cứ để quyết định các nhiệm vụ, giải pháp cho các chương trình ngắn hạn thực hiện trong 2 năm 2022-2023 gồm Nghị quyết về chính sách tài khóa tiền tệ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như Chương trình phòng chống COVID-19. Theo đó, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động của 3 chương trình ngắn hạn đến việc thực hiện các kế hoạch, chương trình dài hạn 5 năm; đồng thời, rà soát lại tất cả các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra trong các kế hoạch, chương trình 5 năm để xác định có chỉ tiêu nào cần phải điều chỉnh do tác động của việc thực hiện các chương trình ngắn hạn hay không?
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho hay, trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 đã và đang tạo ra khoảng cách xã hội ngày càng lớn khi làm giảm thu nhập và phân phối lại thu nhập. Thực tiễn này làm cho người lao động ở khu vực phi chính thức và các nhóm yếu thế ngày càng yếu thế hơn. Cũng chính vì vậy, trong số 5 trụ cột của Khung chính sách để ứng phó với COVID-19 do Liên hiệp quốc ban hành năm 2020 thì có đến 2 trụ cột liên quan đến khu vực phi chính thức và nhóm yếu thế. Ở nước ta, nhóm yếu thế như người nghèo, lao động tự do, xe ôm, bán hàng rong, kinh doanh cá thể, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ.... là những người phần lớn làm việc trong khu vực phi chính thức; mưu sinh từ thu nhập bằng lao động hàng ngày, nay thu nhập của họ lại bị giảm, bị mất do COVID mà bản thân họ và gia đình ít được bảo đảm, hỗ trợ bằng các lưới an sinh xã hội. Họ cần phải được đặc biệt quan tâm trong đại dịch cũng như trong các quyết sách hậu đại dịch.
Đại biểu thống nhất cao với Mục tiêu thứ 3 trong Tờ trình về Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Để đạt được mục tiêu này, Báo cáo về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nêu 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm với Nguồn lực là 53,15 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại biểu, bên cạnh một số giải pháp như hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh; phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đầu tư cho các cơ sở xã hội thì phần lớn các giải pháp cụ thể còn lại đều tập trung vào khu vực chính thức, dành cho những đối tượng có quan hệ lao động là chủ yếu.
Đại biểu cũng cho biết, nội dung thứ 9 của Phụ lục số 1 về Khung nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của Báo cáo về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới chỉ nêu việc nghiên cứu hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn do tác động của đại dịch mà chưa đưa ra được chính sách với đối tượng, mức và hình thức hỗ trợ cụ thể. Trong khi các giải pháp tài khóa tiền tệ chỉ tập trung thực hiện trong 2 năm thì khu vực phi chính thức và nhóm yếu thế sẽ khó có thể nhận được hỗ trợ kịp thời. Vì vậy, đại biểu cho rằng, với nguồn lực và thời gian có hạn, cần xác định cụ thể hơn đối tượng và nội dung chính sách an sinh xã hội để bảo đảm hiệu quả, tập trung vào Nhóm đối tượng có nhu cầu cấp bách nhất, bị tác động nhiều nhất, đang thiệt thòi nhất, yếu thế nhất trong xã hội.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị trên cơ sở tổng kết, đánh giá kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 42 năm 2020 của Chính phủ, cần nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn các chính sách cho khu vực phi chính thức, nhất là nhóm yếu thế, trong đó có chính sách trợ cấp bằng tiền mặt. Hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân góp phần kích cầu đối với nền kinh tế. Đây cũng là giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng, trong đó có các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung nguồn vốn tín dụng cho CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 bên cạnh nguồn vốn dự kiến 9000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển việc làm công nhằm giải quyết lượng lao động thiếu việc làm tại khu vực nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động di cư về quê theo quy định của Luật Việc làm năm 2013./.