Xem chi tiết clip tại đây: THÔNG TIN ĐỘC HẠI VÀ VĂN HÓA TIẾP NHẬN
Những ngày qua, dư luận không chỉ tại thành phố Hồ Chí Minh mà cả nước xôn xao, lo lắng trước thông tin “2 mẹ con sản phụ tử vong do sinh nở thuận theo tự nhiên”. Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, Bộ Y tế đã vào cuộc tìm hiểu sự việc và khẳng định: đến thời điểm hiện tại không có chuyện 2 mẹ con sản phụ tử vong tại thành phố Hồ Chí Minh. Việc sinh nở lâu nay vẫn được mọi người gửi trọn niềm tin vào đội ngũ y, bác sỹ. Việc sinh con tự nhiên trở thành việc vô cùng hãn hữu, chính vì vậy thông tin 2 mẹ con sản phụ tại Tp.HCM bị tử vong do học cách “sinh nở thuận theo tự nhiên” đã khiến nhiều người giật mình.
Quan ngại hơn khi việc sinh nở thuận theo tự nhiên dường như đã trở thành một trào lưu trên mạng xã hội. Thậm chí, có những lớp học dạy các bà mẹ sinh con theo cách tự nhiên với số tiền lên đến cả chục triệu đồng. Khi tính khoa học của phương pháp này chưa được xác minh và thông tin về sự việc xảy ra khiến 2 mẹ con sản phụ tử vong thì thông tin, nguồn gốc của các lớp học này cũng tự nhiên bốc hơi trên mạng xã hội. Rõ ràng, nếu có sự cố xảy ra thì người chịu thiệt thòi nhất vẫn là các sản phụ. Thông tin về việc 2 mẹ con sản phụ tử vong do sinh theo cách tự nhiên là một trong những ví dụ điển hình của việc lợi dụng thông tin mạng để tuyên truyền, tung những tin đồn thất thiệt. Việc xây dựng một đạo luật riêng về an ninh mạng, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, kết hợp chặt chẽ việc ngăn chặn, phát tán những thông tin độc hại trên mạng xã hội trước những tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, xã hội, kinh tế là điều hết sức cần thiết.
Đánh giá về việc cần thiết của việc tiếp nhận thông tin cũng như cần phải có những phương án xử lý các thông tin độc hại trên mạng xã hội, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, thông tin độc hại được tung lên mạng xã hội gây tác động xấu cho xã hội. Nếu không kiểm soát được vấn đề này sẽ rất dễ dẫn đến việc nhiễu loạn thông tin. Hiện nay, chỉ cần 2 phút là ai cũng có thể lên mạng chia sẻ những thông tin mà chưa biết rõ nguồn gốc đúng, sai? Nếu thông tin sai thì người tạo thông tin cũng có thể xóa tài khoản đó. Đó là một lỗ hổng mà chúng ta cần phải có những giải pháp hiệu quả để ngăn chặn các nguồn tin "độc hại"....
Cùng chung quan điểm với Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đại biểu Cao Đình Thưởng, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, thông tin chính là năng lượng của cuộc sống, thông tin trên mạng xã hội có mặt tích cực nhưng cũng có mặt trái tác động đến tư tưởng, tình cảm và hành động của con người. Để ngăn chặn thông tin độc hại, trước tiên trách nhiệm thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với đó là trách nhiệm của các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương. Quan trọng hơn cả là bản thân mỗi người phải tự nhận thức được và tạo cho mình một bộ lọc để biết đâu là thông tin xấu, thông tin độc hại để có cách ứng phó kịp thời và hiệu quả nhất.
Về biện pháp xử lý các thông tin nhảm trên mạng xã hội gây tác động xấu đến đời sống xã hội, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, cần phải có một hành lang pháp lý đủ mạnh. Quốc hội trong thời gian tới sẽ thông qua Luật về An ninh mạng. Khi xây dựng Luật về An ninh mạng thì chắc chắn chúng ta phải có hàng lang pháp lý để kiểm soát được các hoạt động của mạng xã hội hiện nay. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần xử lý nghiêm những trường hợp tung những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận.
Những thông tin không chính xác ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các trang mạng xã hội đã gián tiếp gây ra những sự việc đau lòng. Nếu đối tượng tiếp cận nguồn tin không có hoặc thiếu khả năng kiểm chứng thì hệ luỵ là điều vô cùng nguy hại. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, khi có những biện pháp các nguồn thông tin trên mạng xã hội cần đáp ứng được 2 yêu cầu thông tin phải đúng và trung thực có tính xây dựng. Thứ hai, cần tránh những bình luận mang tính chất cá nhân đối với các thông tin sai sự thật, gây nhiễu loạn thông tin trong xã hội.