Nghị quyết 35 của QH đã xác định mục đích chung cho việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm là nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của QH, HĐND đối với những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Đối với cá nhân, qua việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm của QH, HĐND thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện nâng cao hiệu quả hoạt động. Để đạt mục đích này, Điều 7 Nghị quyết 35 của QH quy định, lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm kể từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ, tức là nhiệm kỳ 5 năm sẽ có 4 lần lấy phiếu. Thực tế, 2 lần lấy phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ này đã khẳng định, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của QH, HĐND có tác dụng rất tích cực. Trong bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển, quan hệ lợi ích phức tạp như hiện nay thì lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để đánh giá cán bộ chủ chốt. Sử dụng công cụ đó đúng thời điểm không chỉ có tác dụng xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ, mà còn là phương thức để nhận diện tình hình kinh tế, xã hội hiện tại và dự báo tình hình trong tương lai. Ngược lại, thời điểm sử dụng không hợp lý sẽ hạn chế đi nhiều, thậm chí không còn tác dụng của công cụ ấy.
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi trình QH tại Kỳ họp này quy định trong 1 nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Phải chăng công cụ lấy phiếu tín nhiệm chỉ phát huy hiệu quả cao nhất sau 3 năm, tức là sau quá nửa nhiệm kỳ công tác của các chức danh được QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn? Bàn luận vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, khi tôi đi tiếp xúc cử tri thì đa số cử tri đều có nguyện vọng trong nhiệm kỳ QH, HĐND nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần. Lần thứ nhất vào kỳ họp cuối năm thứ 2 và lần thứ hai vào cuối năm thứ 4. Nhiều hay ít mức tín nhiệm không quan trọng bằng cách ứng xử của mỗi cá nhân sau khi có kết quả lấy phiếu. Lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên của QH đã chứng minh, khá nhiều người được lấy phiếu đã tự chỉnh đốn và tiến lên nhanh chóng bằng tác phong sâu sát, tỷ mỷ, cụ thể, qua đó bao quát toàn diện các lĩnh vực phụ trách, làm chuyển biến mạnh mẽ và vững chắc. Có người coi lá phiếu thấp là cơ hội nhìn nhận lại mình và toàn lĩnh vực, đề ra một giải pháp toàn diện và quyết liệt điều hành, kết hợp tuyên truyền, vận động, tự chứng minh, làm cho lĩnh vực của mình sôi động. Vì vậy, lấy phiếu tín nhiệm lần đầu vào năm thứ 2 của nhiệm kỳ là rất hiệu quả, vừa ghi nhận, vừa thúc đẩy sự phát triển. Vì sao lại không duy trì thời điểm lấy phiếu tín nhiệm này? Lấy phiếu lần thứ hai của năm thứ 4, ngoài ý nghĩa như lấy phiếu lần thứ nhất còn có tác dụng tốt đối với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Lần lấy phiếu thứ hai này, tôi cho rằng, còn có tác dụng kép, không chỉ cho nhiệm kỳ này mà còn cho nhiệm kỳ tiếp theo.