Kỳ họp thứ 8 - ấn tượng nổi bật trong công tác xây dựng pháp luật

01/12/2024

Đánh giá về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Siu Hương - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Gia Lai nhận định, đây là kỳ họp có điểm nhấn nổi bật trong công tác xây dựng pháp luật...

Tổng thuật chiều 30/11: Bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sau 29,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của Nhân dân, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 vừa hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Để có cái nhìn khách quan về Kỳ họp thứ 8, phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội phỏng vấn đại biểu Siu Hương - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Gia Lai.

Phóng viên: Quốc hội khóa XV vừa hoàn thành chương trình Kỳ họp thứ 8. Đại biểu có thể cho biết những đánh giá của mình về các nội dung đã được đưa ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp này?

Đại biểu Siu Hương - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Gia Lai: Tôi thấy rằng, với chức năng Hiến định, Quốc hội đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, giám sát tối cao và quyết định các vấn đến quan trọng của đất nước. Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là một kỳ họp tương đối dài về thời gian, với lượng chương trình kỳ họp lớn, biểu quyết thông qua 18 luật với tỷ lệ tán thành cao; xem xét, thông qua 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác; giám sát tối cao và quyết định các vấn đề lớn của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên Bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Hệ thống luật bên cạnh hoàn thiện những quy định, về đầu tư, thuế,… thì lần này bổ sung nhiều văn bản luật liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng số phục vụ cho phát triển đất nước trong thời gian tới. Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước như xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, điện hạt nhân cùng nhiều nội dung về tổ chức chính quyền như xây dựng thành phố Huế trực thuộc trung ương, cơ chế cho thành phố Hải Phòng… Với một khối lượng công việc tương đối lớn cho một kỳ họp, nhưng Quốc hội đã hoàn thành tốt chương trình đề ra.

Luật hóa nhiều nội dung trong văn bản dưới luật tạo thuận lợi trong việc triển khai thực hiện

Phóng viên: Đại biểu nhìn nhận như thế nào về sự đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật được Quốc hội quy định trong các văn bản luật cho Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8 này?

Đại biểu Siu Hương - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Gia Lai: Như chúng ta đã biết, pháp luật phản ánh cuộc sống, nhưng có tính định hướng, tùy vào mỗi giai đoạn phát triển để có những phương pháp xây dựng luật phù hợp. Trong thời điểm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thì việc luật hóa nhiều nội dung trong văn bản dưới luật đảm bảo cho việc kiểm soát tốt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong việc triển khai thực hiện. Nhưng trong tình hình hiện nay, sự đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần thống nhất quan điểm đổi mới trên cơ sở lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cơ sở pháp lý. Đối với cơ sở pháp lý thì Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, do vậy, cần căn cứ vào Hiến pháp để thực hiện chức năng.


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ĐBQH dự phiên Bế mạc Kỳ họp thứ 8

Theo Hiến pháp, “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” ( Điều 69 Hiến pháp năm 2013), và Chính phủ “Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước” (khoản 1 Điều 96 Hiến pháp năm 2013); Thủ tướng Chính phủ “Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật” (khoản 1 Điều 98 Hiến pháp năm 2013); và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ “tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc” (khoản 1 Điều 99 Hiến pháp năm 2013); Chính quyền địa phương “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương,…” (khoản 1 Điều 112 Hiến pháp năm 2013); … các quy định đã được cụ thể trong các văn bản luật. Như vậy, theo tôi, Chính phủ sẽ cần rất nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả những vấn đề Quốc hội giao trong các văn bản luật.

Cần cơ chế cho sự giám sát của cá nhân đại biểu đối với các vấn đề đã phản ánh đến Quốc hội

Phóng viên: Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật với tỷ lệ tán thành cao; xem xét, thông qua 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Theo đại biểu, để những luật và nghị quyết được thông qua được áp dụng hiệu quả vào cuộc sống thì Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần có những việc làm cụ thể nào tiếp theo?

Đại biểu Siu Hương - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Gia Lai: Theo tôi, Chính phủ cần bám sát vào chức năng, nhiệm vụ Hiến định và đã được Luật Tổ chức Chính phủ quy định để triển thực hiện các quy định trong văn bản luật, rất nhiều quy định giao cho Chính phủ. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo Chính phủ để có biện pháp phù hợp với tình hình hiện nay để pháp luật thực thi một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì cần có các giải pháp tuyên truyền phổ biến pháp luật để tạo sự đồng thuận trong thực hiện pháp luật.   

Đại biểu Siu Hương - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Gia Lai 

Phóng viên: Để những ý kiến, đề xuất của ĐBQH tại các kỳ họp Quốc hội đối với các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, đời sống dân sinh được tiếp thu và giải quyết một cách có hiệu quả. Theo đại biểu, Quốc hội có cần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, quyết định các vấn đề cấp bách đối với thực tiễn của đất nước trong tình hình hiện nay?

Đại biểu Siu Hương - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Gia Lai: ĐBQH đại diện cho cử tri đơn vị bầu ra và cử tri cả nước, đưa tiếng nói của cử tri tới Quốc hội. Qua thực tiễn tôi thấy, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều rất tâm huyết và có cơ sở, đó là điều Chính phủ cần ghi nhận để có giải pháp. Giám sát là một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội, tôi rất mừng là trong chương trình xây dựng luật kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã đưa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân vào cho ý kiến lần đầu theo quy trình xây dựng luật. Những vấn đề kinh tế xã hội, nâng cao mức sống dân sinh, theo tôi thì các đại biểu cần có sự đeo bám, bổ sung cơ sở cho Chính phủ, để các ý kiến, kiến nghị của mình được Chính phủ quan tâm. Tôi cũng mong muốn, cần có một cơ chế cho sự giám sát của cá nhân đại biểu đối với các vấn đề mà ĐBQH đã phản ánh đến Quốc hội trong các vấn đề kinh tế - xã hội và vấn đề nâng cao đời sống dân sinh.

Các ĐBQH ấn nút thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, trên cơ sở trách nhiệm của mỗi đại biểu đối với cử tri, thì các ĐBQH trong Đoàn đều hướng tới thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất để góp phần hoàn thành chương trình kỳ họp Quốc hội. Các đại biểu trong Đoàn đã mang kiến nghị của cử tri Gia Lai đến với Nghị trường, góp ý và tranh luận có cơ sở cho các vấn đề thảo luận tại kỳ họp.

Tôi nhận thấy, với lượng chương trình tương đối lớn, thời gian họp tương đối dài, nhưng các ĐBQH trong Đoàn ĐBQH Gia Lai nói riêng và các ĐBQH khóa XV nói chung tham gia vào chương trình của kỳ họp một cách nhiệt huyết và trách nhiệm, tính đồng thuận cao trong các vấn đề được Quốc hội biểu quyết thông qua. Đó là sự thành công nhất của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tôi tin tưởng những thành công này sẽ được duy trì và phát huy trong hoạt động của Quốc hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan - Nghĩa Đức