Kỳ họp thứ 8: Quyết sách đúng đắn, kịp thời, toàn diện

30/11/2024

Sau 29,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Chia sẻ về kết quả Kỳ họp, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam cho rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cùng tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã phát huy trí tuệ tập thể, kịp thời ban hành nhiều quyết sách quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, khắc phục các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển KT- XH.

Tổng thuật chiều 30/11: Bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Chiều 30/11, tại Nhà Quốc hội, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã tiến hành phiên bế mạc. Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội đã xem xét, quyết định khối lượng công việc rất lớn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam

Phóng viên: Thưa đại biểu, sau 29,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về kết quả của kỳ họp lần này?

Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam: Sau 29,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, tôi đánh giá cao Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với khối lượng công việc rất lớn. Cụ thể: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung, bao gồm: 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

Tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và nhiều vấn đề quan trọng khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cùng một số nội dung quan trọng khác...

Công tác điều hành các phiên họp đảm bảo phát huy dân chủ, trí tuệ, linh hoạt, trách nhiệm của chủ tọa, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan trình, thẩm tra, tiếp thu, giải trình.

Tôi cho rằng, Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của từng cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới. Đặc biệt, kết quả của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa rất quan trọng, Quốc hội đã thảo luận, quyết định nhiều vấn đề then chốt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm đời sống của Nhân dân trong những năm tiếp theo.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 8, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của Kỳ họp. Theo đại biểu, đâu là những điểm mới trong công tác lập pháp theo tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật của Tổng Bí thư Tô Lâm?

Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam: Theo tôi đây là Kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực qua thực tiễn đòi hỏi tính cấp thiết của cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân rất quan tâm. Theo nhận định của cá nhân tôi đánh giá có những điểm mới cụ thể như sau:

Kỹ thuật lập pháp của các dự án luật lần này đúng và trúng; bám sát tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các dự án Luật được thể hiện, kết cấu ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định quy định… đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu dài. Đồng thời, việc quy định như vậy cũng tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt hơn cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, nghị quyết, gắn việc xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.

Phóng viên: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã kết thúc tốt đẹp với nhiều dấu ấn nổi bật. Đại biểu có thể chia sẻ về các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tại Kỳ họp lần này?

Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam: Tại Kỳ họp lần này, từng đại biểu Quốc hội trong Đoàn đều tập trung nghiên cứu; tích cực tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện chính kiến của mình với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần hoàn chỉnh các dự án Luật, Nghị quyết và những chủ trương lớn, quan trong về kinh tế - xã hội của đất nước được thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp.

Cụ thể, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tích cực tham gia đóng góp 38 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 05 lượt ý kiến thảo luận tại Đoàn; 26 lượt ý kiến thảo luận Tổ; 07 lượt ý kiến thảo luận tại hội trường) và gửi 02 ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam). Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh còn tích cực và tham gia hiệu quả các buổi làm việc các Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên.

Phóng viên: Kỳ họp thứ 8 với rất nhiều quyết sách quan trọng được kịp thời thông qua. Đại biểu kỳ vọng như thế nào trong việc triển khai các quyết sách tại kỳ họp trong thực tế nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước?

Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam: Tôi cho rằng, mặc dù tình hình trong nước và thế giới chịu nhiều tác động, nhưng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tiêu phát triển kinh tế đạt 14/15, phát triển kinh tế đạt 6,5% - 7% vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, cùng với những quyết sách quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực được Quốc hội xem xét, quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ 8 lần này, kỳ vọng sẽ là đòn bẩy kịp thời, thúc đẩy, tạo động lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh - Nghĩa Đức