ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, PHÁT HUY VAI TRÒ HẠT NHÂN TRUNG TÂM CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

15/12/2023

Theo TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là nhân tố quan trọng cấu thành nên các thiết chế của Quốc hội, là hạt nhân trung tâm của Quốc hội. Vì vậy, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, cần nâng cao chất lượng và phát huy vai trò trung tâm của ĐBQH.

HỘI THẢO: QUỐC HỘI TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THEO TINH THẦN VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Hội thảo “Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng” 

Sáng 15/12, phát biểu tại Hội thảo “Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng” do Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức, TS Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội từng bước được khẳng định, đề cao qua các thời kỳ, thể hiện rõ nét trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các văn bản có liên quan. Xác định tầm quan trọng, trung tâm của đại biểu quốc hội, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định về vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội để tạo cơ chế và hành lang pháp lý phù hợp đảm bảo cho đại biểu Quốc hội phát huy vai trò của mình, thực hiện tốt chức năng đại diện, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội, góp phần vào thành công chung của Quốc hội.

Để nâng cao vị trí, vai trò chất lượng của đại biểu Quốc hội TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đưa ra 02 nhóm giải pháp trọng tâm liên quan đến: Số lượng, cơ cấu, chất lượng đại biểu Quốc hội và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Cụ thể:

TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Thứ nhất, về số lượng, cơ cấu, chất lượng đại biểu Quốc hội:

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 và Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, quy định về số lượng ĐBQH cơ bản được kế thừa từ các nhiệm kỳ trước đó là “không quá 500 người”. Trong tổng số các đại biểu, về cơ bản đảm bảo các cơ cấu, thành phần như đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu là phụ nữ, đại biểu là người ngoài Đảng, đại biểu trẻ tuổi… phản ánh được tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân tham gia các cơ quan dân cử. Chất lượng ĐBQH cũng được nâng lên với những tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, tỷ lệ ĐBQH có trình độ trên đại học tăng. Điều này góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chung của Quốc hội.

Tuy nhiên, hiện nay việc lựa chọn người ứng cử ĐBQH phải đảm bảo cả về cơ cấu, cả về chất lượng cũng là một vấn đề tồn tại những bất cập. Để đảm bảo tính đại diện rộng rãi của nhân dân trong Quốc hội, chúng ta cần có những quy định về tỷ lệ thành phần, cơ cấu đại biểu là phù hợp.

Vì vậy, trong quá trình lựa chọn người giới thiệu ứng cử, bầu cử, cần kết hợp hài hòa giữa các yếu tố về tiêu chuẩn, năng lực, trình độ của đại biểu với yêu cầu về đảm bảo cơ cấu thành phần. Không nên để một người ứng cử phải “gánh” quá nhiều cơ cấu dẫn tới chất lượng đại biểu thấp nhưng trong tổng thể chung các ĐBQH vẫn cần đáp ứng cơ cấu hợp lý để đảm bảo tính đại diện cho nhân dân. Việc quá nhấn mạnh đến tiêu chuẩn hay cơ cấu đều có thể dẫn đến những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, cần cân đối phân bổ cơ cấu phù hợp giữa các địa phương, hạn chế phân bổ quá nhiều cơ cấu đối với những địa phương có số lượng đại biểu được bầu ít.

Thứ hai, về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội:

Với các cơ chế và hành lang pháp lý hiện hành, các ĐBQH ngày càng phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đại biểu nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nắm bắt ý kiến, kiến nghị, giữ mối liên hệ với cử tri. Thường xuyên gắn bó, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, tăng cường kiến nghị về luật, pháp lệnh; đẩy mạnh thực hiện quyền giám sát, ngày càng đi vào chiều sâu, đến cùng của vấn đề; trách nhiệm trong thảo luận, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH cũng không tránh khỏi còn tồn tại một số bất cập cần tháo gỡ.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động của ĐBQH, cần xem xét nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục chú trọng, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các ĐBQH đặc biệt là đối với các ĐBQH trong thời gian đầu của nhiệm kỳ; triển khai chương trình tập huấn, trao đổi kinh nghiệm kịp thời, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của mỗi kỳ họp, mỗi năm trong nhiệm kỳ; Quy định cụ thể thời gian và cách xác định thời gian tham gia các hoạt động đại biểu của các ĐBQH, đồng thời đưa tiêu chí bảo đảm thời gian tham gia hoạt động Quốc hội vào căn cứ đánh giá ĐBQH;

Đồng thời, cần nghiên cứu nâng mức kinh phí hỗ trợ, bồi dưỡng các ĐBQH trong quá trình tham gia các hoạt động của Quốc hội đảm bảo sự tương xứng, khích lệ, có cơ chế động viên kịp thời đối với các ĐBQH hoạt động tích cực, đóng góp lớn cho Quốc hội.

Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa chất lượng bộ máy tham mưu, giúp việc cho Quốc hội nói chung, các Đoàn ĐBQH và các ĐBQH nói riêng cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng cần thiết trong bối cảnh mới../.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác