ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: CHỦ ĐỘNG NẮM BẮT CƠ HỘI TRONG VIỆC THU HÚT NGUỒN VỐN FDI VÀO THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ

13/12/2023

Đại biểu Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội khuyến nghị: Việt Nam cần chủ động nhắm bắt cơ hội trong việc thu hút nguồn vốn FDI nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, chúng ta phải có giải pháp hỗ trợ các tập đoành, doanh nghiệp ở trong nước có đủ năng lực để song hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài trong việc hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế...

ƯU TIÊN THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN VỀ TÍN DỤNG, THÚC ĐẨY SẢN XUẤT KINH DOANH TRONG NĂM 2024

CẢI CÁCH THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH THEO HƯỚNG TUÂN THỦ NHIỀU HƠN CÁC QUY LUẬT CỦA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ nhận định: Năm 2023, nước ta bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh đúng như Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội đã nhận định, đánh giá, Chính phủ báo cáo khi xây dựng Kế hoạch năm 2023. Bối cảnh thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ; khó khăn, thách thức nhiều hơn đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Dự báo thời gian tới, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là từ những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm. Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… của nước ta. Cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng tới “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ,… từ đó tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới.

Nhìn chung, năm 2024 là năm thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có thể còn nhiều hơn dự báo, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội.

Để có thêm những nhận định về thời cơ và thách thức cũng như đưa ra các giải pháp hữu hiệu để phục hồi nền kinh tế, phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội phỏng bấn đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Phóng viên: Xin đại biểu cho biết đánh giá về chính sách tài khóa, ngân sách mà Việt Nam đã triển khai trong năm 2023?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Liên quan đến chính sách tài khóa, ngân sách, trong năm 2023 và những năm trước đó, mặc dù chúng ta đã đạt được những kết quả khả quan như cân đối ngân sách một cách ổn định và có chính sách tiết kiệm để phục vụ cho quá trình đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ trực tiếp tài khóa cho doanh nghiệp chưa đạt được như mục tiêu nên cần xem xét lại.

Về đầu tư công, tôi đánh giá cao việc Việt Nam tăng cường các giải pháp cho việc thúc đẩy đầu tư công nên kết quả năm 2023 khả quan hơn năm 2022. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chính sách đầu tư công của chúng ta cần có sự thay đổi. Theo đó, chúng ta không nên thực hiện theo phương thức truyền thống như hiện nay theo cách phê duyệt, thẩm định và ra quyết định đầu tư dự án trong thời gian dài. Với việc đầu tư như vậy, chúng ta chưa chắc đã tập trung tạo được năng lực cho các tập đoàn, nhà đầu tư xây dựng được các công trình lớn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Để thay đổi chính sách đầu tư công, chúng ta cần thay đổi theo hướng đặt hàng cho các tập đoàn lớn trong việc tạo dựng ra các sản phẩm, công trình lớn, chứ không nhất thiết là phải lập các dự án như hiện nay. Điều này sẽ góp phần tạo ra các công trình xây dựng công một cách nhanh chóng mà còn thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển. Điển hình như trong xây dựng đường sắt đô thị, nếu như chúng ta có chính sách đặt hàng doanh nghiệp, tập đoàn trong nước thực hiện thì sẽ không phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực nước ngoài và sẽ có được ngành công nghiệp đường sắt phát triển

Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết về dự báo và nhận định như thế nào về tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2024?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Dự báo tình hình chính trị thế giới trong năm 2024 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp nên tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Hầu hết các tổ chức kinh tế đều dự báo tốc độ phát triển kinh tế của năm 2024 thấp hơn năm 2023. Như vậy, yếu tố từ bên ngoài cũng sẽ tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế phát triển của Việt Nam trong năm 2024 đạt từ 6 đến 6,5% là thấp hơn nhiệm vụ đặt ra của nhiệm kỳ. Đây cũng là mục tiêu cần phấn đấu hết sức thì mới có thể đạt được. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, tôi đồng thuận với những giải pháp mà Chính phủ dự kiến như sử dụng chính sách tài khóa ngược thực sự hiệu quả. Theo đó, chúng ta cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng VAT 2% và nên kéo dài đến hết năm 2024; giảm, miễn tiền thuế, thuê đất cho các doanh nghiệp.

Việt Nam cần tận dụng thời cơ và cơ hội để thu hút nguồn vốn FDI vào thúc đẩy phát triển kinh tế (ảnh minh họa: Internet).

Đối với chính sách hỗ trợ tài khóa tiền tệ cần thực hiện hiệu quả hơn như hỗ trợ lãi suất một cách rộng rãi hơn. Theo đó, người dân, doanh nghiệp thực sự cần đến nguồn vốn vay để duy trỉ, phát triển sản xuất, kinh doanh cần được ưu tiên quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa.

Phóng viên: Vậy theo đại biểu, năm 2024, nước ta sẽ có những cơ hội, thách thức và cần có những giải pháp tổng thể như thế nào để biến cơ hội là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Về mặt dài hạn, cần nhìn nhận là chúng ta đang có những cơ hội lớn đặt ra trong năm 2024. Đó là cơ hội dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài sau đại dịch Covid-19. Nếu chúng ta không biết nắm bắt cơ hội này thì họ sẽ chuyển hướng đầu tư sang các thị trường khác.

Ngoài ra, sau khi Việt Nam và Mỹ ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thì chính sách có sự thay đổi thuận lợi cho chúng ta. Nếu Việt Nam không có chính sách hợp lý, chủ động để đón nhận ngay thì sẽ đánh mất cơ hội lớn trong việc thu hút nguốn vốn FDI vào thúc đẩy phát triển kinh tế ở trong nước. Vì vậy, chúng ta phải có giải pháp hỗ trợ các tập đoành, doanh nghiệp ở trong nước có đủ năng lực để song hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài trong việc hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác