ĐBQH SÙNG A LỀNH: TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CÁC NỘI DUNG DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT, KHẢ THI
GÓC NHÌN: TIẾP TỤC HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 6 có bố cục gồm 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều) với các nội dung cơ bản: Về chính quyền Thủ đô; Về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô; Về phát triển văn hoá, giáo dục và an sinh xã hội Thủ đô;…
Dự án Luật được xây dựng dựa trên 05 quan điểm chỉ đạo: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 09 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.
Phóng viên: Qua nghiên cứu Tờ trình cũng như Hồ sơ dự án Luật Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, ông có đánh giá như thế nào về sự cần thiết của dự án Luật này?
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh: Tôi hoàn toàn tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) để nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi là Nghị quyết số 15-NQ/TW), Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết để nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị
Tôi đánh giá hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, ngoài các tài liệu theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong hồ sơ của dự thảo Luật còn kèm theo bản Thuyết minh chi tiết về từng quy định, chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật và dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó dự kiến các công việc, phân công trách nhiệm và tiến độ triển khai thực hiện sau khi Luật được ban hành.
Tôi cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện 09 nhóm chính sách mà Chính phủ trình Quốc hội khi lập đề nghị xây dựng Luật, trong đó có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù; nhiều nội dung thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô hiện hành. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã bổ sung một số chính sách mới để bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.
Phóng viên: Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật này, ông có góp ý gì?
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh: Qua nghiên cứu, tôi cho rằng cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần chú trọng một số nội dung sau:
Thứ nhất, đối với nội dung Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội được quy định tại Điều 14, tại Khoản 2 đang quy định “Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội có không quá 04 Phó Chủ tịch”.
Tôi cho rằng, Ban soạn thảo cần sửa số 04 thành chữ “bốn” như sau:“Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội có không quá bốn Phó Chủ tịch”để thống nhất cách viết trong cùng một văn bản.
Thứ hai, về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, tại Khoản 3 Điều 20 của dự thảo luật quy định “Quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm theo quy định tại khoản 2 Điều này, khoản 3 Điều 29 của Luật này được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa”.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh đề nghị bổ sung thêm cụm từ “lịch sử, truyền thống” vào khoản 2 Điều 20 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Về nội dung này, tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm cụm từ “lịch sử, truyền thống” thành như sau: “Quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm theo quy định tại khoản 2 Điều này, khoản 3 Điều 29 của Luật này được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống”.
Thứ ba, về phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, điểm d khoản 5 Điều 27 dự thảo đang quy định: “d) Phân cấp, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội”.
Tuy nhiên, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã không còn khái niệm “phân tuyến chuyên môn kỹ thuật”. Do đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa để đảm bảo phù hợp.
Thứ tư, liên quan đến chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, điểm b khoản 2 Điều 28 dự thảo quy định: “b) việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp không có hoặc thiếu từ 50% đất sản xuất trở lên”.
Tuy nhiên, trong dự thảo chưa quy định như thế nào là “hộ dân tộc thiểu số nghèo”. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa cho phù hợp hoặc bổ sung thêm khái niệm “hộ dân tộc thiểu số nghèo” hoặc thay bằng cụm từ “hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!