GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: LỰA CHỌN KỸ LƯỠNG NHÀ THẦU ĐỂ GIÁ THUỐC, TRANG THIẾT BỊ Y TẾ KHÔNG BỊ CAO HƠN NHIỀU SO VỚI THỰC TẾ
Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục phản ánh về tình trạng thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Mới đây, trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu tại Kỳ họp thứ 13 (sáng 7/12), các đại biểu HĐND TP.Hồ Chí Minh khóa X, Giám đốc Sở Y tế thành phố Tăng Chí Thượng cho biết, hiện hầu như các vắc xin đều hết, vắc xin uốn ván đến giữa tháng 12 sẽ hết và vắc xin viêm não Nhật Bản đến giữa tháng 1/2024 sẽ hết.
Tại Hà Nội, đến tháng 11-2023 đã có 5/10 loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không được cấp đủ để tiêm chủng cho trẻ như: Vắc xin Sởi đơn, Bạch hầu – Ho gà - Uốn ván, Lao, Viêm gan B, Bại liệt dạng tiêm.
Những ngày qua, trên các phương tiện tuyền thông đại chúng liên tục phản ánh tình trạng thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo Bộ Y tế, tình trạng thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng đang diễn ra trên cả nước. Nguyên nhân là năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương chủ động thực hiện các thủ tục mua sắm vắc-xin từ ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Để khắc phục tình trạng hết và thiếu hụt vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10.7, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 5.8 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vắc xin, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục.
Trước thực trạng thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đang diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước, một số đại biểu Quốc hội công tác trong ngành y cho rằng, cần coi việc thiếu vắc-xin là tình huống cấp bách, tìm cách mua vắc-xin ngay cho trẻ em được tiêm chủng đúng liều, đúng lịch.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, trong các phiên họp liên quan đến kinh tế - xã hội, chất vấn, kiến nghị của cử tri đều đề cập đến vấn đề lớn đó là vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, thiếu vắc-xin xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Trong đó Cần Thơ thiếu vật tư để tiếp nhận máu, dẫn tới tình trạng thiếu máu phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Hay tại TP.Hồ Chí Minh cũng diễn ra tình trạng thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Những vấn đề diễn ra trên thực tế và đã được “mổ xẻ” tại diễn đàn Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hầu như đã có các văn bản pháp quy để tháo gỡ những vướng mắc của việc mua sắm vắc-xin và mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc men xảy ra trong thời gian qua, nhất là sau đại dịch Covid-19. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng thiếu vắc-xin, vật tư y tế, thậm chí có nơi thiếu khá nhiều là vấn đề lớn, cần sớm được quan tâm tháo gỡ kịp thời.
Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nguyên nhân của tình trạng này là các địa phương chưa sát sao tổ chức tốt công tác mua sắm vắc-xin. Một phần nữa là cán bộ trực tiếp làm công tác này như giám đốc bệnh viện, giám đốc sở tế… còn tâm lý e ngại, sợ sai dẫn tới trì trệ trong công tác này.
Để giải bài toán này, đại biểu Nguyễn Anh Trí, các địa phương, bệnh viện, sở y tế xem xét, lăn xả tháo gỡ vướng mắc để mua sắm vật tư, trang thiết bị, thuốc, vắc-xin phục vụ khám chữa bệnh.
“Tôi cho rằng, vẫn còn những vướng mắc về cơ chế, chính sách, mong muốn Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, giám sát, kiểm tra giúp những nơi chưa hiểu, chưa nắm hoặc còn ngần ngại. Đặc biệt, phát hiện những điểm chưa phù hợp, cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, không để tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, vắc-xin tiếp tục kéo dài nữa”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh
Còn đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc mua sắm vắc-xin, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn đang bị động, đôi khi chúng ta đặt mục tiêu phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng… nhưng chưa phục vụ được mục tiêu kịp thời có vắc-xin cho người dân. Vì vậy, tình trạng thiếu vắc-xin có thể dự đoán trước. Theo đại biểu, việc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu vắc-xin cấp quốc gia là hợp lý vì số đơn vị cung ứng vắc-xin không nhiều, không quá phức tạp. Hơn nữa, khi Bộ Y tế trúng thầu có thể lưu trữ vắc-xin ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các địa điểm, sau đó các địa phương theo số lượng đăng ký sử dụng cho người dân. Tuy nhiên, năm 2022 việc đấu thầu không thành công, năm 2023 thực hiện theo Luật Ngân sách, chuyển nguồn cho địa phương tổ chức đầu thầu mua vắc-xin.
“Việc đấu giá ở cấp Bộ chưa thành công, đưa về địa phương có làm được không? Vấn đề này đã được đại biểu Quốc hội đề cập từ Kỳ họp thứ 5 đến Kỳ họp thứ 6 trong đó có tôi, bởi khi đó nguy cơ thiếu vắc-xin rất cao”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.
Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế trực tiếp tham gia đấu thầu mua vắc-xin, mặc dù Bộ Y tế đã rà soát, lấy số liệu từ các địa phương và tiến hành đấu thầu nhưng thời điểm này tình trạng thiếu vắc-xin đang diễn ra ở nhiều địa phương. Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, có những trạm y tế vắc-xin còn vài ngày để phục vụ công tác tiêm chủng cho trẻ em, trong khi đó tại Hà Nội, vắc xin nhiều loại đã hết từ tháng 9, tháng 10/2023, vắc xin 5 trong 1 chỉ còn cầm cự được đến tháng 12 - điều này rất đang lo ngại, bởi trẻ em không thể chậm trễ trong sử dụng vắc-xin.
Nữ đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Một đồng bỏ ra phòng ngừa bệnh tật quan trọng hơn rất nhiều so với chi phí sau này về khám, chữa bệnh, chưa kể trẻ em có nguy cơ tử vong và mắc các chứng bệnh nguy hiểm khác nếu không được tiêm vắc-xin.
Vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thiếu, nhưng vắc-xin dịch vụ không thiếu mũi nào. Điều này cho thấy những ách tắc trong khâu đấu thầu, mua sắm vắc-xin của cơ quan quản lý nhà nước, cần sớm được mổ xẻ, rút kinh nghiệm triệt để.
Theo đại biểu, vướng mắc nhất hiện nay là ý thức của cơ quan thực thi công vụ với nhiều lý do, bởi đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Trong khi các đơn vị ngoài nhà nước mua sắm dễ dàng nhưng cơ quan nhà nước không mua được vắc-xin, vì vậy cần tham khảo các cơ chế đơn vị tư nhân áp dụng thành công, bởi mục tiêu cao nhất là cung ứng kịp, đủ các sản phẩm chất lượng cho người dân. Không phải vì lý do phòng chống tiêu cực lại đặt ra các “hàng rào” để gây khó cho hoạt động mua sắm vắc-xin. Đại biểu đặt câu hỏi, liệu có bao nhiêu phần trăm phụ huynh có đủ điều kiện để cho con em mình tiêm phòng vắc-xin dịch vụ trong thời điểm khó khăn như hiện nay?
Đánh giá cao nỗ lực, tinh thần khẩn trương của Chính phủ cũng như ngành y tế, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện các giải pháp đảm bảo đủ nguồn cung ứng vắc-xin như thế nào, đặc biệt không để xảy ra tình trạng thiếu, khan hiếm vắc-xin trong tương lai.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội
Nhấn mạnh quan điểm cần coi việc thiếu vắc-xin là tình huống cấp bách, tìm cách mua vắc-xin ngay cho trẻ em được tiêm chủng đúng liều, đúng lịch, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội bày tỏ băn khoăn vấn đề cơ chế đặc thù cho mua sắm vắc-xin trong bối cảnh hiện nay.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), tiêm chủng và tuân thủ lịch tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động, một trong những phương thức hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe trẻ em. Trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh. WHO và UNICEF đã xếp khả năng bệnh bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao từ đầu năm 2023, nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu vắc-xin bại liệt.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, đến tháng 11-2023, có 5/10 loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không được cấp đủ để tiêm chủng cho trẻ, như: Sởi đơn, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Lao, Viêm gan B, Bại liệt dạng tiêm… Không có vắc-xin tiêm chủng mở rộng, người dân phải tìm đến tiêm dịch vụ tốn kém và khi thiếu vắc-xin miễn phí, đối tượng bị ảnh hưởng nhất chính là những trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện khả năng tiếp cận vắc-xin dịch vụ.
"Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ dành sự quan tâm cho vấn đề này. Chính phủ cần coi đây là tình huống cấp bách, để đưa ra các giải pháp có tính đặc thù, đặc cách như tinh thần tại Nghị quyết 80 của Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19, để mua vắc-xin ngay nhằm bảo đảm cho trẻ em được tiêm chủng đúng liều, đúng lịch", đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu quan điểm.
Để khắc phục tình trạng thiếu vắc-xin, Chính phủ đã giao Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vắc-xin
Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả toàn bộ được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985 nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Số loại vắc-xin tăng dần theo thời gian, từ 6 vắc-xin thiết yếu năm 1985 tới nay đã có hơn 10 loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm được cung cấp miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai triển khai trong tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.
Để khắc phục tình trạng hết và thiếu hụt vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10.7, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 5.8 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vắc-xin, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục.