ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ SỬU: THỂ CHẾ HÓA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA CỦA THỦ ĐÔ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ TIẾP XÚC CỬ TRI SAU KỲ HỌP THỨ 6
Phóng viên: Thưa đại biểu, sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra. Đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả kỳ họp?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế: Tôi cho rằng, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Các luật được Quốc hội thông qua với sự thống nhất cao của đại biểu, chất lượng các luật được ngày càng được nâng lên.
Mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, bổ sung nội dung và đều là những vấn đề khó, phức tạp nhưng vẫn bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và thực hiện thành công chương trình Kỳ họp với sự đồng thuận, thống nhất cao.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội
Chủ tọa điều hành các phiên họp khoa học, dân chủ, tạo điều kiện tối đa cho đại biểu phát biểu, bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu, giải trình. Đại biểu Quốc hội phát biểu ngày càng sâu sắc, toàn diện, có chất lượng, thể hiện tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, trong đó nhiều đại biểu là chuyên gia, có chuyên môn sâu về các ngành, lĩnh vực. Các ý kiến của đại biểu cũng chính là sự quan tâm của cử tri, Nhân dân thông qua đại biểu gửi gắm đến Quốc hội. Việc tiếp nhận ý kiến, tiếp thu, giải trình của các bộ, ngành, Chính phủ càng ngày càng thể hiện rõ sự trách nhiệm và thấu đáo.
Phóng viên: Đóng góp chung vào thành công của Kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm vào những vấn đề nào và đóng góp những nội dung gì vào Kỳ họp?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế: So với các Đoàn ĐBQH khác, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế không nhiều đại biểu, không có nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng với trách nhiệm của đại biểu dân cử, mỗi đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH Thừa Thiên- Huế đã thể hiện trọn vẹn vai trò của mình trong việc tham gia đầy đủ tại các phiên thảo luận Tổ, thảo luận tại Hội trường. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế đã góp ý vào các dự thảo luật như: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)… Đây là những luật có liên quan mật thiết tới đời sống Nhân dân, nên được Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm.
Cá nhân tôi rất quan tâm làm sao tạo được nguồn thu nhập thực chất cho đất nước để có nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, tạo thu nhập và nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, chính sách tiền lương, chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động… Tôi cho rằng, mục đích cuối cùng của hoạt động lập pháp, giám sát tối cao hay quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đều hướng tới cuộc sống ấm no, bình đẳng và phát triển cho người dân và đất nước.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, mục tiêu cuối cùng của hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng là hướng tới cuộc sống ấm no, bình đẳng và phát triển cho Nhân dân
Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với những áp lực về địa chính trị, địa kinh tế, các tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường… chúng ta càng cần phải xem xét kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo các giải pháp để thể chế hóa bằng pháp luật phù hợp với thực tiễn để thực tiễn tiếp nhận nhanh hơn những quy định trong hệ thống pháp luật mới được ban hành. Vì vậy, tôi cũng như các đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế dành nhiều thời gian nghiên cứu nhằm cuộc sống hóa các quy định, thể chế trong các văn bản được ban hành tại Kỳ họp.
Phóng viên: Thưa đại biểu, sau Kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch tổ chức tiếp xúc cử tri để thông tin về kết quả kỳ họp và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế: Ngay sau Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri, với hình thức đa dạng cả trực tuyến và trực tiếp. Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xây dựng kế hoạch, đã thông báo và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế để kết nối các đầu cầu trực tuyến kết nối các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; một số địa phương kết nối trực tuyến tới Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.
Qua hoạt động tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp Quốc hội, bên cạnh thông báo kết quả kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng thông tin tới cử tri và Nhân dân về những định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, giải pháp mới trong năm 2024 để thể hiện tính chủ động không chỉ từ chính đội ngũ cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước, mà là sự chủ động của người dân, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao.
Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến, kiến nghị của chính quyền địa phương ở cơ sở, đặc biệt là người dân để truyền tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri tới các cơ quan chức năng, tới các bộ, ngành, Chính phủ và Quốc hội.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!