ĐBQH TRẦN VĂN SÁU: TIỀN ĐỀ QUAN TRỌNG ĐẢM BẢO TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2024

18/11/2023

Mới đây (sáng ngày 17/11) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Chia sẻ về kết quả hôi nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Sáu cho rằng, đây là hoạt động đổi mới vô cùng có ý nghĩa, là tiền đề quan trọng đảm bảo tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2024.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 17/11: HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2024

 Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024

Giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước là một trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội. Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nghị quyết số 90/2023/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Nghị quyết số 833/2023/UBTVQH15 về Chương trình giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 và Kế hoạch số 641/KH-UBTVQH15, sáng 17/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Sáu 

Phóng viên: Mới đây (sáng ngày 17/11) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Tham gia Hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp, đại biểu có đánh giá như thế nào về kết quả của Hội nghị?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Sáu: Thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tiến độ và hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch. Đồng thời, ngày càng thể hiện tính linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề lớn, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước được cử tri, Nhân dân, các đại biểu Quốc hội quan tâm. Những kết quả đạt được cho thấy quyết tâm của Quốc hội trong việc không ngừng đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hàng năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giám sát của năm tiếp theo. Có thể thấy, đây là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một bước đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Kết quả của hội nghị chính là tiền đề quan trọng góp phần đảm bảo tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2024.

Thông qua hội nghị, ngoài việc đánh giá những kết quả đạt được, những kinh nghiệm hay trong công tác giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và của  ĐBQH trong năm 2023, còn làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong các hoạt động giám sát.

Bên cạnh đó, thông qua Hội nghị cũng đã trao đổi, thống nhất về nhiều nội dung quan trọng trong công tác phối hợp, các biện pháp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024, góp phần đưa các chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri cả nước.

Phóng viên: Năm 2023, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới và kết quả tích cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ. Vậy, hoạt động này được triển khai tại Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp như thế nào, thưa đại biểu?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Sáu: Năm 2023, dù còn nhiều khó khăn và với khối lượng công việc rất lớn, nhưng Quốc hội đã nổ lực cố gắng hoàn thành với chất lượng cao, nhất là các hoạt động giám sát ngày càng đổi mới, chất lượng, hiệu quả thể hiện qua các báo cáo giám sát chuyên đề, các hoạt động chất vấn tại kỳ họp, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người do Quốc hội bầu và phê chuẩn được cử tri, nhân dân đánh giá rất cao.

Từ kết quả cho thấy việc lựa chọn, quyết định  các nội dung giam sát, chất vấn đã bám sát thực tiễn, “đúng”, “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các Ủy ban của Quốc hội năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình giám sát, khảo sát của Đoàn để phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh triển khai thực hiện. Kết quả trong năm qua đã tổ chức 7 chuyên đề giám sát và 04 cuộc khảo sát. Qua đó, đã có 23 kiến nghị đối với Trung ương và 16 kiến nghị đối với địa phương để kịp thời chấn chính những bất cập, hạn chế; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đại biểu có kiến nghị gì nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Sáu: Bên cạnh những kết quả đạt được, tôi cũng thống nhất với các nhận định trong báo cáo về những tồn tại, hạn chế, để tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian tới, đề nghị cần quan tâm làm rõ thêm một số nội dung sau:

Một là, việc triển khai một số chuyên đề giám sát có nội dung rộng, xác định mục tiêu, đối tượng chưa thật cụ thể, nên không có thời gian xem xét, đánh giá sâu vào những nội dung cốt lõi, làm cho kết quả các cuộc  giám sát chưa cao; chưa đi đến cùng vấn đề nóng mà xã hội quan tâm.

Đề nghị, các chuyên đề giám sát của năm 2024 cần xác định rõ các mục tiêu trong từng chuyên đề, lựa chọn kỹ từng nội dung để tập trung xem xét, đánh giá sâu để từ đó có những kiến nghị, đề xuất thiết thực, hiệu quả để tháo gỡ được vấn đề.

Hai là, một số kiến nghị, kết luận sau giám sát chưa được quan tâm thực hiện chu đáo, nhất là các kiến nghị của Đoàn ĐBQH, do chưa có chế tài ràng buộc.

Tôi đề nghị cần có những quy định rõ hơn về trách nhiệm, chế tài trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát, nhất là trong giám sát chuyên đề, giám sát một số vụ việc phức tạp mà dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm.

Ba là, tôi đồng tình cao với nhận định trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc triển khai các hoạt động giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh còn nhiều khó khăn: do số lượng đại biểu ở địa phương rất ít, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, nên việc tổ chức các Đoàn giám sát gặp rất nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, tổ chức phục vụ hoạt động giám sát chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu; các điều kiện về kinh phí cũng hết sức hạn hẹp nên chưa có điều kiện để mời các chuyên gia tham gia các hoạt động giám sát.

Đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực; kỹ năng chuyên môn cần thiết cho đại biểu Quốc hội và đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu phục vụ cho công tác giám sát, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời cần tăng kinh phí để phục vụ cho công tác giám sát, nhất là kinh phí thuê chuyên gia tham gia các hoạt động giám sát.

Bốn là, việc phân bổ các chuyên đề giám sát đều yêu cầu phải thực hiện vào những tháng đầu năm, gây nhiều khó khăn cho các Đoàn giám sát và cho cả các địa phương, các đối tượng chịu sự giám sát. Đây là thời điểm Tổng kết năm, triển khai các chương trình kế hoạch công tác của các cơ quan đơn vị, nên các khâu chuẩn bị cho công tác giám sát và tổ chức giám sát chất lượng không cao. Đề nghị Quốc hội triển khai nội dung giám sát chia đều thời gian trong năm, để việc chuẩn bị và tổ chức giám sát đạt chất lượng hơn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh

Các bài viết khác