THẢO LUẬN TỔ 7: NHIỀU VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ XÃ HỘI ĐƯỢC CÁC ĐẠI BIỂU QUAN TÂM
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ Tài Chính và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cho các địa phương về nội dung chi thù lao cho các hoạt động tập luyện của nghệ nhân, diễn viên (người không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Trong thực tiễn, các địa phương đang gặp vướng mắc về vấn đề này.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Theo thông tư số 15/2022 ngày 04/3/2022 của Bộ Tài Chính quy định chi thù lao cho các hoạt động tập luyện của nghệ nhân, diễn viên (người không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước) khi tham gia cuộc thi, ngày hội, giao lưu, liên hoan, trình diễn, tái hiện, thực nghiệm sẽ được chi theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 4 Thông tư liên tịch 46/2016 mà Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn. Tuy nhiên mức chi theo quy định tại thông tư liên tịch 46/2016 là của đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và có hiệu lực từ 01/05/2016. Hiện mức chi này cũng không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, chưa đủ thu hút động viên các nghệ nhân, diễn viên tham gia biểu diễn.
Theo Quyết định số 4036/QĐ- BVHTTDL ngày 15/11/2019, tại phụ lục 3 của Bộ Văn hoá, Thê thao và Du lịch ban hành quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật trong bảo tồn, phục dựng, lưu trữ các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số là 20 đến 25 người/05 ngày. Tuy nhiên trong tình hình thực tế có nhiều địa phương tổ chức lễ hội thực hành nghi lễ lên đến 50 người, khiến cho khó khăn trong công tác thanh quyết toán kinh phí cho lễ hội. Đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét, hướng dẫn cho các địa phương để thực hiện tốt hơn công tác tổ chức lễ hội truyền thống.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng phát biểu tại thảo luận tổ 7
Hiện nay, công tác bảo tồn gặp và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn. Thế hệ trẻ không mặn mà với việc học đánh cồng chiêng, nghề truyền thống, thậm chí nhiều bạn không thể nói được tiếng của dân tộc mình. Trong khi đó chế độ cho Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú còn thấp 700 nghìn đồng/người/tháng. Trăn trở trước sự mai một của những nét văn hoá truyền thống đại biểu Trần Thị Thu Hằng kiến nghị ngành văn hoá phải có những đổi mới, rà soát nâng cao chế độ cho các nghệ nhân cao tuổi để họ thêm gắn bó, lưu giữ và truyền lại văn hoá của dân tộc mình cho thế hệ sau.
Về phong trào Toàn dân Đoàn kết xây dựng đời sống Văn hoá đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí; nhà văn hoá nhiều nơi xuống cấp; đăng ký danh hiệu văn hoá còn định tính, chưa định lượng được, có chiều rộng nhưng chưa có chiều sâu khiến nhiều người không còn mặn mà với danh hiệu gia đình văn hoá.