PGS.TS – ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: QUY ĐỊNH NGHỆ SĨ PHẢI THẨM ĐỊNH SẢN PHẨM TRƯỚC KHI QUẢNG CÁO LẦ CẦN THIẾT
Thực trạng đáng báo động
Môi trường mạng đã mang lại nhiều lợi ích cho con người và việc truy cập internet trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người. Sau hơn 25 năm internet xuất hiện ở Việt Nam và hòa mạng toàn cầu, đến nay nước ta trở thành một trong những quốc gia có số lượng người dùng internet ở mức cao. Năm 1997, Việt Nam chỉ có hơn 200.000 người dùng internet, nhưng đến năm 2022, nước ta đã có 72,1 triệu người dùng internet, xếp thứ 13 thế giới.
Tuy nhiên, mục đích, cách thức sử dụng internet thiếu lành mạnh nói chung và các ứng dụng trên nền tảng internet nói riêng, nhất là mạng xã hội của một bộ phận người dùng Việt Nam đã và đang gây ra hệ lụy đối với đời sống xã hội.
Kết quả công bố nghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI) ngày 11-2 hằng năm (Ngày An toàn internet quốc tế) đánh giá thực trạng cách ứng xử trên internet của người dùng Việt Nam đáng báo động. Theo Microsoft, năm 2020 chỉ số văn minh trực tuyến toàn cầu xuống thấp đến mức chạm đáy trong vòng 4 năm qua. 5 quốc gia có chỉ số văn minh trực tuyến kém nhất là Nam Phi, Peru, Columbia, Nga và Việt Nam.
Nhận định, đánh giá này dựa trên nhiều phương diện, tiêu chí khác nhau và chỉ là tương đối nhưng phần nào cũng phản ánh một thực trạng không tốt về cách ứng xử trên internet của người dùng Việt Nam. Nguyên nhân của thực trạng này được chỉ ra, có cả khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ yếu là từ cách ứng xử của người dùng.
Phóng viên: Mục đích, cách thức sử dụng internet thiếu lành mạnh nói chung và các ứng dụng trên nền tảng internet nói riêng, nhất là mạng xã hội của một bộ phận người dùng Việt Nam đã và đang gây ra hệ lụy đối với đời sống xã hội. Thời gian vừa qua câu chuyện văn hóa trên môi trường mạng đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý kiến qua các Kỳ họp Quốc hội. Các cơ quan quản lý cũng đã có sự vào cuộc, tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang có xu hướng gia tăng. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Rõ ràng đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Nguyên nhân của hiện tượng này, tôi cho rằng đến từ khá nhiều lý do. Mạng xã hội là vấn đề vẫn còn mới mẻ ở nước ta nên cách chúng ta ứng phó với vấn đề này, về cơ bản, vẫn trên sự điều chỉnh dần dần. Chúng ta đã có một số công cụ pháp lý như Luật An ninh mạng hay các Nghị định xử phạt, hoặc cả Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng, nhưng do đây là môi trường rất phức tạp nên chưa thể bao quát hết được tất cả các vấn đề.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Xã hội của chúng ta vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi, ở đó, các tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế cũng được thể hiện trên môi trường mạng. Mạng xã hội lại cung cấp môi trường ẩn danh và không rõ nguồn gốc, thuận lợi để việc tạo ra và lan truyền thông tin một cách nhanh chóng, nhưng đôi khi không rõ nguồn gốc hoặc người tạo ra nội dung khiến dẫn đến việc lan truyền tin xấu, nội dung rác mà người tạo ra không phải chịu trách nhiệm về nó. Bên cạnh đó, mạng xã hội có khả năng lan truyền nhanh chóng thông tin, ngay cả khi thông tin đó là sai hoặc không được kiểm chứng. Việc này dẫn đến việc lan truyền tin xấu và thông tin rác nhanh chóng, trước khi có cơ hội cho các cơ quan quản lý và báo chí để can thiệp.
Hơn nữa, mạng xã hội có số lượng người dùng khổng lồ, vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý. Sự lan truyền nhanh chóng và tầm ảnh hưởng của thông tin trên mạng xã hội khiến nội dung văn hóa ứng xử không chuẩn mực có thể ảnh hưởng lớn đến đại đa số người dùng.
Ngoài ra, một số người có thể tạo ra nội dung không đúng chuẩn mực để gây sự chú ý, tò mò của người khác. Việc trục lợi từ vật chất hay đơn thuần chỉ thỏa mãn cảm xúc qua đếm các lượt tương tác, chia sẻ, hoặc bình luận có thể thúc đẩy họ tiếp tục hành vi này. Một số người có thể cảm thấy thú vị hoặc cảm thấy mình "mạnh mẽ" hơn khi tham gia vào việc tạo ra hoặc lan truyền thông tin tiêu cực. Cảm giác này có thể xuất phát từ yếu tố tâm lý và xã hội phức tạp.
Những yếu tố kỹ thuật cũng rất quan trọng, các thuật toán của mạng xã hội thường tối ưu hóa việc hiển thị nội dung để tăng tương tác và thời gian sử dụng. Điều này có thể dẫn đến việc hiển thị nội dung gây tranh cãi, gây xúc động mạnh mẽ hơn, thậm chí là nội dung không chính xác hơn, để thu hút sự chú ý của người dùng.
Phóng viên: Hơn 2 tuần sau khi đăng quang, một hoa hậu của Việt Nam đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh cãi trên mạng xã hội. Nhóm tẩy chay người đẹp này trên Facebook vượt mốc 610.000 thành viên trong thời gian ngắn. Nhiều chuyên gia cho rằng đây cũng là hành vi “bạo lực trên môi trường mạng”. Quan điểm của ông thế nào?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi đồng ý với nhận định trên. Vấn đề khủng hoảng truyền thông và tấn công mạng đối với từng cá nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng, là một vấn đề nghiêm trọng và đáng quan ngại. Đây không chỉ là vấn đề cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý, và cả cuộc sống hàng ngày của họ. Điều này dẫn đến những ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần, theo đó những cuộc tấn công mạng và bạo lực trực tuyến có thể gây tác động tiêu cực lớn đến tâm lý, tinh thần và sức khỏe của người bị tấn công.
Sự lan truyền nhanh chóng của thông tin trên mạng xã hội có thể làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn một cách nhanh chóng. Trong khi đó, mạng xã hội cung cấp nền tảng cho việc lan truyền nhanh chóng của thông tin, cả tích cực và tiêu cực. Một thông điệp tiêu cực có thể lan rộng và tạo ra một làn sóng tấn công lớn hơn, gây áp lực tới cuộc sống và danh dự của người bị tấn công. Mạng xã hội có khả năng tạo ra hiện tượng bão thông tin, khi thông tin tiêu cực được nhân rộng và chia sẻ một cách nhanh chóng, tạo sự chú ý của cộng đồng mạng, làm gia tăng sự tấn công và tác động tiêu cực lên người bị tấn công.
Vấn đề khủng hoảng truyền thông và tấn công mạng đối với từng cá nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng, là một vấn đề nghiêm trọng và đáng quan ngại
Thêm vào đó, mạng xã hội đã tạo ra môi trường mới cho việc thể hiện quan điểm, tương tác và giao tiếp. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng lớn của mạng xã hội cũng có thể tạo ra sự áp lực xã hội, hiệu ứng FOMO (fear of missing out) (sợ bị bỏ quên) khiến người ta cảm thấy cần phải thể hiện mình và tham gia vào cuộc trò chuyện. Cũng có nhiều “anh hùng bàn phím” xuất hiện với cả những hậu quả của “tay nhanh hơn não”.
Tất cả tạo ra một vòng luẩn quẩn tiêu cực. Nhiều những ví dụ gần đây ở nước ta đã cho thấy thực trạng đáng báo động này, và tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải có cách thức giải quyết sớm. Chắc chắn rằng, để giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng mạng, và cả cá nhân để giáo dục về trách nhiệm và tác động của hành vi trực tuyến, tạo ra môi trường tôn trọng và chia sẻ thông tin đúng đắn có thể giúp giảm thiểu tình trạng tấn công mạng và bạo lực trực tuyến hiện nay.
Xây dựng môi trường văn hóa trên môi trường mạng là đòi hỏi tất yếu
Phóng viên: Để xây dựng được môi trường văn hóa tích cực trên môi trường mạng chúng ta cần những giải pháp gì, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, việc xây dựng môi trường văn hóa trên môi trường mạng đã và đang là đòi hỏi tất yếu đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Về bản chất, mạng xã hội giúp cho cuộc sống của con người thuận tiện hơn, vì thế nó không tốt hay xấu về mặt đạo đức, nhưng cách chúng ta sử dụng mạng xã hội thế nào thì lại đem lại sự tích cực hay tiêu cực đối với từng người. Chắc chắn là chúng ta cần nhiều giải pháp khác nhau để xử lý tốt hơn vấn đề này, để vừa phát huy được tính tích cực, vừa hạn chế được tính tiêu cực.
Trước những thực trạng trên, đầu tiên, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức tính hai mặt của internet, mạng xã hội và hành vi văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho người dùng, nhất là thế hệ trẻ là giải pháp quan trọng. Chúng ta cần tăng cường, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lợi ích, tác hại của sử dụng mạng xã hội. Cụ thể, tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của ứng xử tốt trực tuyến và tôn trọng người khác là yếu tố quan trọng để thay đổi thái độ và hành vi của người sử dụng mạng xã hội. Đồng thời cũng cần tạo ra các chiến dịch tuyên truyền, hướng dẫn người dùng về cách phát hiện và đối phó với thông tin giả mạo, tin tức giả, và nội dung không lành mạnh.
Thứ hai là nâng cao hơn nữa năng lực kiểm duyệt nội dung. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ trí tuệ nhân tạo và quản lý nội dung để xác định và xử lý các thông điệp có khả năng gây hại. Các nền tảng mạng xã hội cần có chính sách và công cụ để kiểm soát và loại bỏ nội dung không phù hợp, xúc phạm, và có tính chất tiêu cực.
Thứ ba là tạo môi trường tích cực, lành mạnh. Khuyến khích sự giao tiếp tích cực và xây dựng một môi trường trực tuyến lành mạnh, nơi mọi người có thể chia sẻ ý kiến mà không sợ bị phê phán hoặc tấn công. Bên cạnh đó, cần tạo ra cộng đồng mạng hỗ trợ nhau trong việc thúc đẩy nội dung tích cực và tôn trọng.
Thứ tư là tăng cường trách nhiệm cá nhân, ở đó cần phát huy hơn nữa bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông, và đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khuyến khích mỗi người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm cá nhân trong việc chia sẻ thông tin đúng đắn, tôn trọng và tránh các hành động hoặc lời nói. Tạo ra những hướng dẫn và lời khuyên cho người dùng về việc tham gia tích cực và đóng góp vào môi trường trực tuyến.
Thứ năm, chúng ta cũng rất cần sự hợp tác của cộng đồng, bằng cách tạo ra mạng lưới hợp tác giữa các tổ chức, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cá nhân để chung tay giải quyết vấn đề này. Tổ chức các cuộc họp, sự kiện và chiến dịch với mục tiêu nâng cao ý thức về tác động của hành vi trực tuyến và tạo ra sự thay đổi tích cực.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!