TỪ QUỐC DÂN ĐẠI HỘI TÂN TRÀO ĐẾN QUỐC HỘI VIỆT NAM: LUÔN ĐỔI MỚI ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN

02/09/2023

Nhấn mạnh về vai trò của Quốc dân Đại hội Tân Trào đến Quốc hội Việt Nam, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, hoạt động của Quốc hội luôn và sẽ phải tiếp tục đổi mới để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra trong đời sống kinh tế-xã hội và đời sống của Nhân dân...

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI TƯ TƯỞNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG: TIẾP TỤC KIÊN ĐỊNH, VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Chiều ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào, Quốc dân Đại hội Tân Trào chính thức khai mạc (ảnh: báo Nhân dân).

Ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đánh giá, Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta. Đây là một Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực Nhà nước lâm thời của nước Việt Nam. 

Để hiểu rõ hơn về những quá trình phát triển, sự đóng góp từ khi là Quốc dân Đại hội Tân Trào cho đến Quốc hội hiện nay đối với công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Phóng viên: Đại biểu có thể phân tích rõ hơn về Quốc dân Đại hội Tân Trào khi được coi là tiền thân của Quốc hội Việt Nam?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tổ chức tiền thân của Quốc hội với những đặc trưng rất cơ bản như đại diện cho các cái tầng lớp nhân dân của các miền Bắc, Trung, Nam. Tổ chức này cũng đã đưa ra 10 chính sách lớn, cơ bản như là một nền tảng của Hiến pháp sau này. Các đại biểu sau khi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào đã về các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chính sách đó. Sau này, Cách mạng tháng Tám thành công, với sự ra đời của Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á thì không lâu sau tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh về tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội khóa I.

 Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Ngày 06/1/1946, Nhân dân cả nước đã đi bầu Quốc hội khóa I. Đây là Quốc hội đầu tiên trong bối cảnh đặc biệt của đất nước vừa mới thoát thai ra khỏi chế độ phong kiến nên còn rất non trẻ về kinh nghiệm xây dựng chính quyền. Việc thảo luận để quyết định Quốc hội theo mô hình nào cũng là một câu chuyện rất lý thú, thể hiện tầm nhìn và sự chín chắn của những các nhà cách mạng. Theo đó, các vị cách mạng tiền bối đã chọn mô hình Quốc hội một viện như là ngày nay với cái tên gọi ban đầu là Nghị viện Nhân dân.

Quốc hội khóa I là Quốc hội rất đặc biệt với việc xây dựng nên Bản Hiến pháp năm 1946 phải được phúc quyết bởi Nhân dân. Thế nhưng, trong điều kiện đất nước lúc đó diễn ra cuộc kháng chiến toàn diện 9 năm trường kỳ bởi thực dân Pháp đã quay trở lại Đông Dương nên các đại biểu Quốc hội lại phải trở về địa phương và cùng với nhân dân chống thực dân Pháp. Vì thế, nước ta không có điều kiện để tổ chức phúc quyết Hiến pháp. Với hoàn cảnh đặc biệt như vậy, gần như hoạt động của Quốc hội khóa I rất khó khăn. Do đó, Ban Thường trực của Quốc hội là cơ quan thay mặt Quốc hội thực hiện quyền năng của cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân.

Có thể khẳng định, thành tựu đặc biệt của Quốc hội khóa I chính là sự hóa thân của các đại biểu Quốc hội vào cách mạng của dân tộc, cùng với nhân dân kháng chiến kiến quốc, bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước, của Nhân dân. Quốc hội khóa I có vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng chính là ban hành được Hiến pháp năm 1946. Trong điều kiện đặc thù như vậy, tổ chức hoạt động của Quốc hội khóa I rất đặc biệt, với việc kéo dài nhiệm kỳ cho đến sau khi nước ta giải phóng Thủ đô, lập lại hòa bình, độc lập ở miền Bắc.

Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 06/01/1946.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Trong bối cảnh lịch sử đó, Quốc hội không được hoạt động thường xuyên nhưng thành tựu của Quốc hội khóa I đã được thể hiện ở nhiều mặt. Theo đó, về hoạt động lập hiến, lập pháp, Quốc hội khóa I đã ban hành Hiến pháp đầu tiên với những kỹ thuật lập pháp, chính sách lập pháp rất tiến bộ. Cho đến nay, trong giới luật học vẫn ca ngợi bản Hiến pháp năm 1946 như là một nền móng pháp quyền vững chắc của thể chế, chính thể đầu tiên ở nước ta.

Hiện nay, nhiều người so sánh các bản Hiến pháp sau này thì thấy chưa có kịch bản Hiến pháp nào đạt được tầm nhìn và tư duy lập hiến như bản Hiến pháp năm 1946 mặc dù các bản Hiến pháp đã có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Về lập pháp, do Quốc hội hoạt động không thường xuyên nhưng Ban Thường trực của Quốc hội cùng với Chính phủ, Hội đồng Chính phủ mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều sắc luật. Đặc biệt, có những sắc lệnh, sắc luật về tổ chức chính quyền địa phương, bộ máy Chính phủ, cải cách ruộng đất và phát triển kinh tế, huy động lực lượng để tham gia bảo vệ, xây dựng Tổ quốc trong điều kiện chiến tranh. Hoạt động giám sát được thông qua hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội thì chế độ báo cáo của Chính phủ với Quốc hội vẫn duy trì thường xuyên. Việc giám sát mặc dù không sát sao như sau này nhưng đã thể hiện các mối quan hệ gắn bó và xử lý liên kết chặt chẽ với nhau.

Đối với việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thể hiện qua mối quan hệ giữa Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội. Mãi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I mới bắt đầu họp và thực hiện được đầy đủ các chức năng như là Hiến pháp năm 1946 đã xác định. Sau đó, đến Quốc hội khóa II, III, IV, V cũng hoạt động trong bối cảnh đặc biệt là đất nước chia cắt và thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược. Đó là miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và tạo nguồn lực để mà hỗ trợ cho miền Nam đấu tranh giải phóng đất nước.

Bản sao Hiến pháp năm 1946 do Trung tâm Tư liệu Quốc gia III cung cấp.

Cho đến sau giải phóng năm 1945, từng bước Quốc hội đã có sự củng cố về tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động. Đặc biệt từ năm 1992, đất nước ta có một bản Hiến pháp đổi mới và đây cũng là một bản Hiến pháp đặt nền móng cho quá trình đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Nhà nước ta nói chung và Quốc hội nói riêng.

Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết, từ Quốc dân Đại hội Tân Trào đến Quốc hội ngày nay đã có những điểm sáng nào trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Có thể chia chiều dài hoạt động của Quốc hội trong suốt quá trình từ năm 1946 đến nay thành 3 thời kỳ.

Thời kỳ thứ nhất (từ năm 1946 cho đến năm 1960), có thể gọi là một Quốc hội kiến quốc vừa xây dựng bộ máy Nhà nước, xác lập hệ thống pháp luật. Theo đó, Quốc hội đã cùng với Chính phủ, cả hệ thống chính trị lúc bấy giờ cùng với Nhân dân đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước.

Thời kỳ thứ hai (từ năm 1960 đến năm 1975) là Quốc hội đấu tranh thống nhất đất nước. Hoạt động của Quốc hội đã đi vào khuôn khổ và từng bước hoàn thiện dần. Các kỳ họp Quốc hội bắt đầu đã hoạt động theo định kỳ, không còn kéo dài trong bối cảnh đặc biệt như Quốc hội khóa I nữa. Từ đây, phương thức hoạt động của Quốc hội dần được đổi mới thông qua các kỳ họp. Vai trò lập pháp của Quốc hội trong giai đoạn này đã hoàn thiện bản Hiến pháp năm 1959, ban hành được nhiều hệ thống pháp luật, nhất là hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy, hệ thống pháp luật về kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần củng cố các quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội ở miền Bắc cũng như xây dựng nền kinh tế. Mặc dù lúc đó là thời kỳ bao cấp nhưng vẫn tạo ra được nguồn lực nhất định để hỗ trợ cho miền Nam đấu tranh giải phóng đất nước.

Thời kỳ thứ ba là từ năm 1975 đến nay, có thể coi đây là một Quốc hội đổi mới, xây dựng đất nước và được chia làm 2 kỳ. Kỳ thứ nhất là từ năm 1976 đến năm 1992, tập trung vào việc hoàn thiện các thể chế thống nhất đất nước như Quốc hội đã ra một nghị quyết về đổi tên nước, thống nhất bộ máy và quyết định những chính sách lớn để thống nhất đất nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ đó cho đến năm 1980, Quốc hội đã ban hành một Hiến pháp mới, với sự ra đời của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Chính phủ, chế độ tập thể.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) - (Ảnh: tuyengiao.vn).

Trong suốt quá trình từ năm 1980 đến năm 1992, nước ta triển khai thực hiện Hiến pháp năm 1980. Bên cạnh những ưu điểm, việc triển khai thực hiện Hiến pháp 1980 cũng bộc lộ một số hạn chế nên sau này, với việc ra đời Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, công cuộc đổi mới đất nước đã được khởi động và dẫn đến việc đổi mới mô tổ chức Nhà nước, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1992.

Từ đó đến nay, thành tựu trong hoạt động của Quốc hội thể hiện ở trên 3 phương diện: Lập hiến, lập pháp; giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Về lập hiến, lập pháp, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung bản Hiến pháp năm 1980 và ban hành thành Hiến pháp năm 1992. Sau đó, Quốc hội đã sửa đổi và ban hành bản Hiến pháp năm 2013.

Về hệ thống pháp luật, Quốc hội đã từng bước hoàn thiện các hệ thống pháp luật về tổ chức Nhà nước, đặt nền móng cho việc chế định các nguyên tắc tổ chức, phương thức hoạt động, phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan dường cột trong bộ máy Nhà nước.

Về hệ thống pháp luật kinh tế, Quốc hội đã tập trung ban hành các đạo luật không những đáp ứng được nhu cầu củng cố các quan hệ kinh tế ở trong nước mà còn tạo tiền đề cho nền móng kinh tế đối ngoại phát triển; đồng thời hoàn thiện các đạo luật cơ bản nhất như là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, các đạo luật về đất đai, các đạo luật cơ bản về quyền chính trị, dân sự của Nhân dân như là quyền bầu cử, pháp luật về bầu cử…

Về giám sát, Quốc hội đã đổi mới phương thức hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát tại kỳ họp với sự đột phá về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề thông qua hình thức trực tiếp đã trở thành một sinh hoạt bình thường của Quốc hội. Đây được coi là một điểm sáng trong hoạt động Quốc hội, mặc dù vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Về quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn để phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đổi mới phương thức hoạt động trong cái bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo đó, Quốc hội đã triển khai những việc chưa từng có tiền lệ như trao quyền cho Chính phủ được thực hiện ở trong giai đoạn chống dịch với những nhiệm vụ rất đặc biệt để thích ứng với những điều kiện biến đổi của dịch bệnh. Kết quả là chúng ta đã thành công trong việc khống chế được dịch bệnh COVID-19 chính là nhờ có sự đổi mới đó.

Phóng viên: Để triển khai những nhiệm vụ cấp thiết, nổi cộm và phù hợp với xu thế hiện nay, theo đại biểu, Quốc hội cần đổi mới, triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Tôi cho rằng, với điều kiện của đất nước hiện nay và những thay đổi trong nền kinh tế-xã hội đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục đổi mới hơn nữa. Trước hết là về hoạt động lập pháp cần đổi mới để làm sao đáp ứng được yêu cầu không chỉ là ban hành các đạo luật chín muồi, có đời sống thực sự bền vững, đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra, chứ không phải là các đạo luật vừa mới ban hành ra nhưng lại có những quy định “chết yểu”. Do đó, Quốc hội cần có sự đổi mới về xây dựng chương trình lập pháp theo hướng ban hành chương trình hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội cho cả nhiệm kỳ, từ đó xác định thứ tự ưu tiên các đạo luật ban hành trong từng thời gian, lộ trình cụ thể. Có như vậy, Quốc hội mới có tầm nhìn lập pháp thay vì việc xây dựng chương trình pháp luật cho mỗi năm như kiểu “ăn đong” như hiện nay, tránh được tình trạng là có đạo luật đưa ra, đưa vào trong chương trình nhưng tính ổn định không có.

Thứ hai, Quốc hội cần đổi mới thành phần Ban soạn thảo theo hướng phải có sự tham gia đầy đủ của các nhà khoa học, những người làm luật thực tiễn và đặc biệt là phải có đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Ban soạn thảo không nên giao cho các cơ quan sử dụng đạo luật đó. Bởi vì nếu Bộ ngành nào mà có sáng kiến pháp luật sau đó và tự mình soạn thảo pháp luật thì không tránh khỏi lợi ích nhóm lợi, ích cục bộ đưa vào trong luật, rồi đẩy những khó khăn cho cơ quan khác.

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Thứ ba, cần đổi mới quy trình lập pháp, thứ tự xem xét các đạo luật. Theo đó, việc xem xét sự cần thiết của việc ban hành đạo luật phải ngay từ khi xây dựng chương trình của toàn khóa và cho từng năm.

Thứ tư, mặc dù chúng ta đã có quy định về quyền trong việc sáng kiến pháp luật, trình dự án luật của đại biểu Quốc hội nhưng điều kiện để cho đại biểu Quốc hội triển khai việc này còn rất kiếm tốn. Vì vậy, trong hoạt động lập pháp, cần bảo đảm việc thực hiện các quyền này. Đổi mới hoạt động lập pháp là phải coi đại biểu Quốc hội là trung tâm thì mới tăng cường các điều kiện bảo đảm để họ tham gia vào công tác lập pháp một cách chín muồi hơn.

Thứ năm, phải tăng cường vai trò, trách nhiệm bộ máy giúp việc của Quốc hội như Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, thậm chí thành lập một thư viện Quốc hội để có cơ quan nghiên cứu giúp cho đại biểu Quốc hội có được nhiều thông tin thực hiện chức năng lập pháp.

Về hoạt động giám sát, Quốc hội cần đổi mới theo hướng lựa chọn vấn đề sát với thực tiễn đời sống mà cử tri quan tâm, yêu cầu, tránh tình trạng Quốc hội đang giám sát một chuyên đề này nhưng trong xã hội lại đang có vấn đề khác nóng hổi cần xem xét, giải quyết. Việc giám sát cần theo hướng cuộc sống phải là gắn bó với nghị trường, bám sát vào những vấn đề nổi cộm, nóng bỏng trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước.

Việc lựa chọn những vấn đề giám sát nào cần đặt trong quá trình tổ chức thực thi Hiến pháp, pháp luật đang vướng mắc, gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp để giám sát. Bên cạnh đó, phải đổi mới phương thức thực hiện các quyền năng giám sát của Quốc hội. Theo đó, việc tổ chức các đoàn giám sát của Quốc hội phải thực sự bảo đảm được tính quyền lực trong hoạt động giám sát của Quốc hội, thay vì các tổ chức giúp việc.

Quốc hội thực hiện giám sát thì các đại biểu Quốc hội là những người trực tiếp tiến hành chứ không phải là bộ máy giúp việc, thành lập các tổ giúp việc thực hiện. Việc thực hiện giám sát phải ra được kết quả, chỉ ra được những cái nào là đúng, cái nào là sai trái để Quốc hội xem lại công tác lập pháp đã phù hợp chưa để có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Mặt khác, thông qua giám sát, Quốc hội sẽ yêu cầu các cơ quan, cá nhân thực hiện sai pháp luật phải điều chỉnh, thậm chí phải bị xử lý kỷ luật theo thẩm quyền của Quốc hội hoặc kiến nghị các cơ quan của Nhà nước theo thẩm quyền xử lý cán bộ mà Quốc hội phát hiện thấy rằng chưa làm tròn nhiệm vụ hoặc cố ý làm sai.

Ngoài ra, Quốc hội cần kiểm tra lại các địa phương, Bộ ngành, cơ quan thực hiện các kết luận giám sát. Mặt khác, cần phải tăng cường các phương tiện, công cụ và điều kiện để bảo vệ, bảo đảm cho Quốc hội thực hiện được chức năng giám sát.

Về quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì điều quan trọng nhất là Quốc hội phải tăng cường công tác nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lập pháp,  cung cấp thông tin của Thư viện Quốc hội. Điều này nhằm hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội có thể so sánh nhiều chiều thông tin để lựa chọn.

Ngoài ra, Tờ trình, hồ sơ mà các cơ quan trình ra Quốc hội để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như là nhân sự, tổ chức bộ máy hay những vấn đề khác thì phải kèm theo các thông tin chứng minh cho các nội dung Tờ trình đó phải đầy đủ để cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi bấm nút thông qua.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác