TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 31/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người lao động.
Chia sẻ bên lề kỳ họp của phiên thảo luận, đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh quan tâm đến tiến độ giải ngân đầu tư công, đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính, tránh tình trạng có tiền nhưng gặp khó về thủ tục, hồ sơ. Tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm cũng làm chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để giữ chân lao động, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh.
Đại biểu cũng quan tâm đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người lao động, bởi doanh nghiệp đang rất khó khăn và thực tế có tình trạng sử dụng tiền hỗ trợ cho người lao động cho mục đích khác, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, cũng như niềm tin của người dân đối với cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, trong các giải pháp 6 tháng cuối năm 2023, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và chủ động đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ để doanh nghiệp và người lao động kịp thời tiếp cận các chính sách này.
Các văn bản pháp luật quy định về Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa thống nhất.
Quan tâm đến kết quả quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, đại biểu Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đánh giá, bức tranh tổng thể năm 2021 cho thấy khó khăn nhưng với sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, dự toán thu ngân sách đã vượt chỉ tiêu đề ra. Nhưng vượt thu ngân sách chủ yếu từ dầu thô, các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách, cho thấy nguồn thu không ổn định và chưa bền vững trong thu ngân sách. Đại biểu cũng băn khoăn về việc thực hiện kỷ luật ngân sách chưa nghiêm, theo báo cáo có trên 50% địa phương chậm báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, gây khó khăn cho công tác tổng hợp của Bộ Tài chính và tính chính xác, tin cậy của các số liệu báo cáo.
Bên cạnh đó là số chuyển nguồn cao, có địa phương cao xấp xỉ số dự toán, thể hiện sự lãng phí trong sử dụng ngân sách. Trong lúc có tiền mà không sử dụng đến nhưng vẫn phải vay nước ngoài, điều này yêu cầu công tác điều hành quyết liệt của Chính phủ để triển khai nhiệm vụ ngân sách chặt chẽ hơn, có kỷ luật hơn.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh cũng quan tâm đến công tác quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, như Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp... Kết quả kiểm toán tại các quỹ này cho thấy còn nhiều vấn đề về việc quản lý và sử dụng quỹ. Trong Báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp cũng nêu tình trạng thu chi không đúng đối tượng, quản lý nguồn chi chưa được quản lý chặt chẽ. Đây là vấn đề cần được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trao đổi làm rõ trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cử tri và Nhân dân.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh cũng cho biết, qua giám sát tại các địa phương cho thấy các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có quy mô nhỏ, nhiều quỹ có nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước. Việc duy trì hoạt động của quỹ cũng có nhiều vấn đề cần trao đổi, làm rõ về bộ máy tổ chức, cách thức quản lý, điển hình như Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, toàn bộ nguồn thu được chuyển về trung ương sau đó phân bổ về cho địa phương, nhưng việc phân bổ có đúng và hiệu quả hay chưa, tác dụng như thế nào cũng cần được làm rõ. Đại biểu cũng băn khoăn về bộ máy quản lý của quỹ này, theo đó việc chi cho duy trì bộ máy từ trung ương đến địa phương cao, vì vậy nghiên cứu thay đổi mô hình tổ chức để các địa phương chủ động thu chi quỹ này.
Đại biểu cũng nêu thực tế các quy định của pháp luật hiện hành chưa thống nhất, còn nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, không thống nhất, không đồng bộ; đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất về chính sách pháp luật về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để đảm bảo hoạt động hiệu quả, nếu cần thiết giải thể khi chi trùng ngân sách và không đúng đối tượng và mục tiêu đề ra.
Triển khai thực chất hơn nữa các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo báo cáo của Chính phủ, số nạn nhân bị bạo lực gia đình năm 2022 giảm 533 người so với năm 2021. Chỉ tiêu đối với việc hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đã đạt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025 và 2030. Nêu quan điểm về thực trạng này, đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, số lượng 4.454 vụ bạo lực gia đình được phát hiện trong năm 2022, với 3.440 nạn nhân nữ là những con số rất khiêm tốn so với số liệu Điều tra quốc gia về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam.
Đại biểu Hà Thị Nga đồng tình với nhận định của Ủy ban Xã hội của Quốc hội: “số lượng các vụ bạo lực gia đình tăng lên, đặc biệt bạo lực với phụ nữ, trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp chưa được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ”.
Thời gian qua, liên tiếp các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em với mức độ nghiêm trọng, gây phẫn nộ trong dư luận, điển hình như một phụ nữ mang thai 7 tháng bị chồng bạo hành ở Hải Dương; bé gái hơn 2 tháng tuổi ở Lâm Đồng phải đi cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, nghi bị bạn trai của mẹ bạo hành… Đại biểu nhấn mạnh, đây là những vấn đề xã hội nhức nhối, đòi hỏi chúng ta cần có hành động mạnh mẽ hơn, kịp thời hơn để hạn chế tối đa những vụ việc đau lòng.
Đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
Vì vậy, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và thực hành về bình đẳng giới; đồng thời xây dựng các thiết chế gia đình bền vững sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới.
Triển khai thực hiện thực chất hơn nữa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Đại biểu cũng biểu thị sự đồng tình cao khi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ xây dựng bộ chỉ số đánh giá bình đẳng giới cấp tỉnh. Đây là giải pháp có ý nghĩa góp phần giải quyết tận gốc vấn đề này.
Chính phủ và các bộ ngành, địa phương có các biện pháp để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có hiệu lực được thực hiện nghiêm minh, hiệu quả nhất. Trên thực tế, tính kịp thời trong hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực là vô cùng quan trọng. Muốn vậy, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ chỉ đạo thiết lập đường dây nóng quốc gia cho nạn nhân bị bạo lực gia đình; tiếp tục nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới (như mô hình Ngôi nhà Ánh Dương) để nạn nhân được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời, bố trí nơi lánh tạm, tư vấn tâm lý, sức khỏe cho nạn nhân bị bạo lực gia đình...