ĐẠI BIỂU ĐẶNG XUÂN PHƯƠNG: CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN TRÔNG ĐỢI VÀO ĐƯỜNG LỐI GIẢI QUYẾT ĐÚNG ĐẮN BÀI TOÁN KINH TẾ

31/05/2023

Sáng 31/5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đại biểu Đặng Xuân Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, cử tri và Nhân dân cả nước đang trông đợi vào kỳ họp Quốc hội về những việc cần làm và phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị, trong đó, điều cấp bách là đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế của đất nước.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 31/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Đại biểu Đặng Xuân Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Theo đại biểu Đặng Xuân Phương, Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra với sức nóng không chỉ đến từ nắng hè gay gắt ở Thủ đô mà tất cả các vị đại biểu Quốc hội đều có thể cảm nhận được sức nóng trong sự trông đợi của cử tri và Nhân dân cả nước về những việc cần làm và phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị. Đó là đòi hỏi đến từ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là yêu cầu phải khắc phục cho được những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực thi pháp luật, là tính cấp thiết phải vượt qua được căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ. Trong đó, điều cấp bách và thuyết phục nhất chính là đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế của đất nước. Làm sao để việc thực thi các chính sách kinh tế - xã hội phải được cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, đại biểu Đặng Xuân Phương nhấn mạnh.

Đại biểu nêu rõ, báo cáo đánh giá bổ sung kết quả kinh tế - xã hội của Chính phủ đã cho thấy tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nền kinh tế thế giới đang hoạt động ở mức dưới tiềm năng do tác động từ những cú sốc toàn cầu như dịch bệnh COVID-19 kéo dài, cuộc xung đột quân sự ở Ukraine dẫn đến khủng hoảng năng lượng và đứt gãy các chuỗi cung ứng. Xét trên bình diện toàn cầu, tổng cầu thế giới đang ở mức rất thấp, đơn hàng giảm mạnh, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và chi phí thuê nhân công. Thu nhập của các hộ gia đình do đó cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đại biểu cho rằng, điều đáng lo ngại với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, là không chỉ các đơn hàng phi thiết yếu như dịch vụ du lịch giảm mạnh mà ngay cả lượng đơn hàng của các mặt hàng thiết yếu như giày dép, quần áo, nông sản chất lượng cao cũng giảm theo.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Quốc hội

Đại biểu Đặng Xuân Phương cho biết thêm, qua thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội đều băn khoăn, trăn trở trước mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%. Đại biểu đtặ vấn đề, liệu các giải pháp như tiếp tục tăng quy mô tín dụng, giảm lãi suất ngân hàng, nhất là đối với doanh nghiệp của ngành bất động sản và các ngành hàng hướng đến xuất khẩu có thể giải quyết được một cách căn cơ vấn đề đầu ra cho hàng hóa dịch vụ của nước ta lúc này hay không?

Mặt khác, theo thông tin từ báo cáo của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thì khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là vấn đề đơn hàng chiếm 59,2%, sau đó là đến khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay chiếm 51,1%. Những khó khăn về thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật thì chiếm 45,3%.

Đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng, trong công tác chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ cần kiên trì quan điểm đã được Đảng ta đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII, đó là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công, cơ cấu lại phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, trong đó quan trọng nhất là cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai và các tài nguyên khác theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Cụ thể, trong nội bộ của từng ngành, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đại biểu dẫn chứng thực tế, hiện nay dòng chảy của vốn đổ quá nhiều vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng lại lệch pha so với nhu cầu thực tế về phát triển du lịch, trong khi các điều kiện hạ tầng khác thì chưa thể đáp ứng được ngay một sớm một chiều. Việc các ngân hàng thắt chặt tín dụng là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều nhà đầu tư mải mê với cuộc chơi bất động sản nghỉ dưỡng. Trong khi nhu cầu thực về nhà ở và các thiết chế văn hóa, thể thao, cơ sở phục vụ cộng đồng đáp ứng đông đảo người dân, đặc biệt là các tầng lớp công nhân, công chức, viên chức, người lao động của văn phòng thì chưa được quan tâm đúng mức.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Cùng với đó, đại dịch COVID-19 đi qua cũng định hình lại cách thức cung cấp dịch vụ và tiêu dùng của các hộ gia đình. Người dân nước ta đã có thói quen mua, bán qua mạng. Các lớp học online trở nên phát triển khiến tri thức được phổ biến rộng rãi. Chính phủ cũng đang khẩn trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông. Nhiều dịch vụ công trực tuyến đã tạo ra khí thế mới và quan trọng hơn là tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người dân. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều nông dân ở các vùng cao đã có thể bán các sản phẩm nông nghiệp sạch như: Mật ong, cà phê, thực phẩm bổ dưỡng cho khách hàng ở các thành phố lớn mà không cần qua bất kỳ một trung gian thương mại nào, tất cả chỉ cần dựa trên một chiếc điện thoại di động. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử ngành thương mại nước ta. Từ những phân tích trên, đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở tất cả các ngành đang là đòi hỏi tất yếu như chính tốc độ giao thương hàng hóa đang trở nên nhanh hơn, buộc từng hộ gia đình, từng người dân phải khẩn trương, linh hoạt hơn, chủ động hơn thông qua việc tự học để làm chủ công nghệ trên Internet, tăng năng suất lao động cao.

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu kiến nghị, một là, trên cơ sở dự báo kinh tế cần có khuyến cáo để các doanh nghiệp và hộ gia đình chủ động hạn chế đầu tư mở rộng năng lực sản xuất; cần tổ chức lại sản xuất theo hướng sử dụng lao động luân phiên, hạn chế việc sa thải đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người lao động; xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo đối với các ngành nghề dư thừa năng lực có nguy cơ suy thoái trong dài hạn.

Hai là, thời gian tới cần tập trung nguồn lực cho giải quyết nhu cầu ăn, ở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nhu cầu học tập cho tầng lớp công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là của những người trẻ tuổi mới đi làm, qua đó góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội.

Ba là, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở cấp doanh nghiệp và các cấp chính quyền địa phương theo lộ trình và mục tiêu, có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng tự phát, đẩy mạnh việc đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Bốn là, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ sở hạ tầng quốc gia, như các công trình giao thông vận tải trọng điểm. Đồng thời, quan tâm hơn đến đầu tư, cải tạo, nâng cấp kết hợp đầu tư mới, các thiết chế văn hóa, thể thao, hệ thống y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu của các khu vực có quy mô liên xã.

Năm là, đặc biệt quan tâm thực thi chính sách thúc đẩy học tập suốt đời để tạo ra cơ hội sáng tạo, việc làm mới cho người dân, nhất là bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra thách thức cho các nước đang phát triển. Theo đó, các nước có lợi thế về công nghệ và vốn sẽ quay trở lại đầu tư vào chính quốc gia mình trên cơ sở áp dụng công nghệ nhà máy thông minh thay vì đầu tư sang các nước có lợi thế về nguồn lao động.

Đại biểu nhấn mạnh, bối cảnh thế giới đã và đang đòi hỏi chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để tự thay đổi chính mình. Nếu buộc phải có sự cân nhắc giữa việc bằng mọi giá hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng như đã đề ra của năm 2023 so với việc chấp nhận một mức tăng trưởng thấp hơn trong ngắn hạn để đổi lấy sự phát triển bền vững có tính cạnh tranh cao về trung và dài hạn, thì cử tri và Nhân dân cả nước sẽ ủng hộ điều tốt đẹp hơn trong tương lai.

Bảo Yến

Các bài viết khác