ĐBQH TRẦN VĂN LÂM: KỲ VỌNG LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI) GIẢI QUYẾT NHỮNG VƯỚNG MẮC HIỆN NAY

05/01/2023

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi về các nội dung của Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang bày tỏ kỳ vọng đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ cơ bản giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc đặt ra đối với hoạt động khám, chữa bệnh cũng như hoạt động của các cơ sở y tế.

TỔNG THUẬT SÁNG 05/01: KHAI MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Kỳ họp bất thường lần 2 của Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 04/01 đến ngày 09/01, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết của Quốc hội khóa XV; cùng với những vận hội mới, thách thức mới của thời kỳ phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cùng với các nước trên thế giới vượt qua mọi khó khăn, thách thức trên tầm toàn cầu, đất nước chúng ta bước vào năm 2023 một cách vững chãi và tràn đầy tin tưởng với vận hội mới.

Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ 2 để xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách. Cụ thể, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách đặc thù cho phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội; các vấn đề tài chính, ngân sách nhà nước và công tác nhân sự.

Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ 2 để xem xét, quyết định 5 nội dung quan trọng, cấp bách 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 02 kỳ họp trước, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cân nhắc thận trọng, toàn diện, quyết định điều chỉnh thời điểm xem xét, thông qua dự án sang Kỳ họp kế tiếp để có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp tục làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy định, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa tạo sự phát triển ổn định, lâu dài ngành y tế, không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, với sự chuẩn bị tích cực, khẩn trương của các cơ quan, đến thời điểm này, dự án đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá như thế nào về các nội dung được trìn bày tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV trong sáng nay?

Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Tôi cho rằng, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV là hoạt động thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội. Quốc hội hoạt động một cách tích cực, phục vụ các nhiệm vụ, yêu cầu phát triển đất nước một cách kịp thời và nhanh nhất.

Có thể nói những nội dung đưa ra Kỳ họp bất thường lần này đều là những nội dung quan trọng và nhiều nội dung mang tính cấp bách, đòi hỏi Quốc hội quyết đáp một cách kịp thời để mở ra các định hướng, chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong thời gian tới một cách kịp thời và hiệu quả nhất.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Tôi cho rằng, nội dung về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đáng lẽ ra được thông qua Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, tuy nhiên do yêu cầu nâng cao chất lượng nên sự chuẩn bị đòi hỏi kỹ lưỡng cần nhiều thời gian hơn. Để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và đáp ứng yêu cầu tiến độ thời gian Quốc hội có Kỳ họp bất thường lần này để tiếp tục quyết định những nội dung về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đây là chủ trương rất kịp thời, hiệu quả.

Phóng viên: Cùng với đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa được thông qua tại kỳ họp thứ 4, dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp này. Vậy đại biểu có đánh giá như thế nào?

Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng là một nội dung quan trọng được Quốc hội thận trọng, yêu cầu chuẩn bị kỹ càng hơn để kéo dài qua ba kỳ họp. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị đã đáp ứng được yêu cầu và dành nhiều thời gian cho Chính phủ chuẩn bị các văn bản dưới luật triển khai thực hiện luật nên đưa vào Kỳ họp bất thường lần này là nội dung rất phù hợp.

Bên cạnh đó, một số nội dung về nhân sự của Quốc hội cần thiết phải được xem xét kịp thời, nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự đáp ứng nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ.

Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng gì sau khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua, có giải quyết được những tồn tại như hiện nay tại các bệnh viện không, thưa đại biểu ?

Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Về cơ bản những vấn đề hiện đang tồn tại, vướng mắc trong các hoạt động khám, chữa bệnh cũng như hoạt động của các cơ sở y tế trong thời gian vừa qua. Việc xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được đặt ra, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng cũng như thảo luận các giải pháp để tìm hướng tối ưu. Cho đến giờ phút này còn một số nội dung cần thảo luận lần cuối tại hội trường. Nhưng tất cả các vấn đề cơ bản đã rõ ràng, được xem xét một cách đầy đủ, toàn diện.

Tôi kỳ vọng, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ cơ bản giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc đặt ra đối với hoạt động khám, chữa bệnh cũng như hoạt động của các cơ sở y tế.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn Đại biểu!

Ánh Nguyệt - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác