ĐBQH LÊ VĂN CƯỜNG: HỘI ĐỒNG Y KHOA QUỐC GIA PHẢI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC HÀNH NGHỀ CỦA Y, BÁC SĨ MỘT CÁCH MINH BẠCH, KHÁCH QUAN VÀ TRÁNH LÃNG PHÍ

24/10/2022

Đại biểu Lê Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm: Hội đồng Y khoa Quốc gia phải đánh giá năng lực hành nghề của y, bác sĩ một cách minh bạch, khách quan tránh lãng phí cũng như tăng thủ tục hành chính,…

TỔNG THUẬT SÁNG 24/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

ĐBQH LÊ VĂN KHẢM: TẬP TRUNG CAO ĐỘ HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI) ĐẢM BẢO MỤC TIÊU ĐỀ RA ĐỂ QUỐC HỘI SỚM BIỂU QUYẾT THÔNG QUA

Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Trong dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp lần này, có đề cập về việc cấp phép hành nghề sẽ được thực hiện trên cơ sở Hội đồng Y khoa Quốc gia đánh giá năng lực hành nghề và các Bộ, Sở Y tế chỉ cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề về hành chính, do đó, người hành nghề dù được cơ quan nào cấp cũng sẽ được hành nghề trong phạm vi toàn quốc. theo đó trong dự án Luật tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện; lộ trình thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh hành nghề, đồng thời, dự thảo bổ sung 01 điều quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Lê Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm: Hội đồng Y khoa Quốc gia phải đánh giá năng lực hành nghề của y, bác sĩ một cách minh bạch, khách quan tránh lãng phí cũng như tăng thủ tục hành chính, đánh giá không chất lượng đối với nghành y tế.

Phóng viên: Quốc hội vừa thảo luận dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Vậy đại biểu có đánh giá như thế nào về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp lần này?

ĐBQH Lê Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Có thể thấy dự thảo Luật Khám, chữa bệnh lần này nó có rất nhiều điểm mới so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Tôi nhận thấy, trong dự thảo luật lần này có nhiều điểm mới như nguồn nhân lực có đánh giá năng lực hành nghề, ra hạn giấy phép hành nghề, cập nhật kiến thức y khoa liên tục,… Bên cạnh đó, các điều khoản liên quan đến tài chính trong y tế, liên quan đến công nghệ thông tin, liên quan đến năng lực quản trị, đặc biệt là thiết lập hệ thống y tế làm sao triệt tiêu tất cả các loại quỹ. Trong 121 Điều Luật Khám bệnh, chữa bệnh, tôi quan tâm nhất Điều 103 phân cấp khám, chữa bệnh thành 3 cấp trong đó có cấp ban đầu, cấp cơ bản, cấp chuyên sâu. Đây là một trong những thay đổi lớn nhất của Luật khám, chữa bệnh lần này. Có thể nói đây là thay đổi chiến lược để dịch chuyển khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân dựa vào các bệnh viện sang chăm sóc sức khỏe cho người dân dựa vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, cấp chữa bệnh ban đầu. Vì việc này sẽ góp phần giảm lãng phí liên quan đến di chuyển lên các bệnh viện tuyến trên.

Ngoài ra, liên quan đến năng lực khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, tôi cho rằng, khi phân làm 3 cấp sẽ dễ dàng hơn 5 cấp như hiện nay. Thiết lập các điều kiện để các cơ sở y tế hành nghề theo đúng quy định đảm bảo an toàn nhất cho người dân, bố trí nguồn nhân lực thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần sẵn sàng chuẩn bị nhân lực cho tuyến khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu, khám chữa bệnh cấp cơ bản, như chúng ta biết hiện nay có khoảng 670 bệnh viện tuyến huyện. Đây là những bệnh viện tuyến huyện đóng góp vai trò quan trọng để người dân tiếp cận một cách nhanh và sớm nhất trong việc khám chữa bệnh.

ĐBQH Lê Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Phóng viên: Tại Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định về thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia được nhiều các y, bác sĩ quan tâm. Hiện tại vẫn đang còn nhiều băn khoăn cũng như có ý kiến cho rằng nên để cho Bộ Y tế quản lý Hội đồng Y khoa Quốc gia, cũng có ý kiến cho rằng nên hoạt động độc lập để tạo sự minh bạch. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Lê Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Tôi nhận thấy, việc đánh giá năng lực hành nghề Hội đồng Y khoa Quốc gia là điểm mới. Theo quan điểm cá nhân tôi đây là điểm mới nên giao cho Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia và Bộ Y tế để thực hiện thí điểm sau đó sẽ có sự tổng kết đánh giá. Tôi cho rằng, quan trọng nhất của Hội đồng Y khoa Quốc gia phải đánh giá năng lực hành nghề của y, bác sĩ một cách minh bạch, khách quan tránh lãng phí cũng như tăng thủ tục hành chính, đánh giá không chất lượng đối với nghành y tế.

Phóng viên: Có nhiều ý kiến cho rằng, khi thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ xảy ra tình trạng “xin - cho”. Vậy theo đại biểu cần có thêm những quy định như nào để thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia hoạt động hiệu quả?

ĐBQH Lê Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Tôi cho rằng, Chính phủ cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia và có sự giám sát hoạt động của Hội đồng này để đảm bảm tính minh bạch, khách quan.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Ánh Nguyệt - Trọng Quỳnh