ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG: GIAO TỔ CHỨC CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ KH&CN CÓ SỬ DỤNG NSNN PHẢI ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU PHÁT TRIỂN KT-XH

22/02/2022

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, một trong những nội dung trọng tâm của Luật Sở hữu trí tuệ cần xem xét sửa đổi là việc xác lập cơ chế giao quyền đăng ký, quyền sở hữu cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước phải đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

 


Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra dự án Luật tại phiên họp thứ 8, ngày 15/02.

Tại Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và dự kiến tại Kỳ họp thứ 3 tới, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với kỳ vọng dự án Luật sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ khi Việt Nam gia nhập sâu rộng với các nước trên thế giới.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, một trong những nội dung trọng tâm của Luật Sở hữu trí tuệ cần xem xét sửa đổi lần này chính là việc xác lập cơ chế giao quyền đăng ký, quyền sở hữu cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, quy định trong dự thảo Luật đã được tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục một số vướng mắc, bất cập hiện nay trên thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong điều kiện phát triển mạnh mẽ cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0, bảo đảm tính chặt chẽ của pháp luật.


Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và theo kế hoạch sẽ xem xét, thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 3. Là đại diện cơ quan thẩm tra, bà nhận xét như thế nào về quá trình xây dựng, thẩm tra cũng như chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật này?

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Xác định đây là dự án Luật khó, chuyên môn sâu, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tăng cường khảo sát thực tiễn, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật. Điểm thuận lợi là trước đây, vào năm 2019, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ để thực hiện các cam kết quốc tế liên quan khi Việt Nam ký kết và phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP).

Trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tiến hành khảo sát, làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; khảo sát thực tiễn tại Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Công ty luật Phạm và liên danh, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam và một số doanh nghiệp, tổ chức khác có hoạt động sở hữu trí tuệ; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham gia về dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý từ các cơ quan quản lý Nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp.

Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật với Bộ Khoa học và Công nghệ (Cơ quan chủ trì soạn thảo), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan tổ chức hữu quan trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì quy định trong Luật. Những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm hoặc cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn thì trong Luật xác định một số nguyên tắc chung để giao quy định chi tiết.

Với tinh thần đó, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 11 điều [1] so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2), có 12 điều là điều sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật [2], bãi bỏ một số quy định tại 05 điều[3]. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Các nội dung tiếp thu, chỉnh lý cơ bản đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và các Bộ, ngành có liên quan; đã gửi Chính phủ (Cơ quan trình) để có ý kiến chính thức.

Tại phiên họp thứ 8 (tháng 2/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Cơ quan soạn thảo, các Bộ, ngành, tổ chức hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 và nhất trí với các nội dung lớn của dự thảo Luật, đồng thời cũng giao nhiệm vụ Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục nghiên cứu, chính lý dự thảo để lấy ý kiến các các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan; chuẩn bị hồ sơ báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3 tới.

Phóng viên: Xin bà có thể điểm lại những nội dung, vấn đề nào mà các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức quan tâm đóng góp nhất đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ?

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Dự thảo Luật có nhiều vấn đề mới nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, thực thi các cam kết quốc tế, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ thời gian qua. Các nội dung đề xuất trong dự thảo Luật đã nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các hiệp hội… Có thể điểm một số nội dung trọng tâm sau đây:

Về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 86 và Điều 86a của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo khoản 37 và khoản 38 Điều 1 của dự thảo Luật): Qua thảo luận tại kỳ họp thứ 2 cho thấy, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành đề xuất của Chính phủ về việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước cho tổ chức chủ trì; đồng thời đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả; đồng thời cần có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng tán thành, đồng thời quan tâm, góp ý kiến để hoàn thiện nội dung này. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội và ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan, tổ chức hữu quan, dự thảo Luật đã được tiếp thu chỉnh lý như sau:

- Đối với phần sở hữu công nghiệp, dự thảo Luật đã quy định việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì (Điều 86a); đồng thời xác định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì (các điều 133a, 135 và 136a).

- Đối với phần giống cây trồng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các Điều 164, 191, 191a, 191b và 194 của Luật Sở hữu trí tuệ để quy định việc giao quyền đăng ký giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ; làm rõ cơ chế phân chia lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì nhằm thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW, bảo đảm tính đồng bộ với các quy định tương tự của phần về quyền sở hữu công nghiệp.

Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 6 vào Điều 139, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 194 theo hướng: Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật với các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên, khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 41 và Điều 43 của Luật Khoa học và Công nghệ, khoản 4 Điều 105 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả (Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo khoản 8 Điều 1 của dự thảo Luật): Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần quy định chặt chẽ, cụ thể, minh bạch và khả thi hơn về các điều kiện áp dụng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả tại Điều 25. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy đây là một nội dung quan trọng, có liên quan đến việc thực thi nhiều cam kết quốc tế, nhất là phép thử 3 bước[4] và chính sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng, quyền thụ hưởng sản phẩm trí tuệ của các tổ chức, cá nhân. Do đó, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia, trên cơ sở đó đã tiếp thu, chỉnh lý nội dung tại Điều này cho thật chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, khả thi như trong dự thảo Luật đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8 vừa qua.

Về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (Điều 198b được bổ sung theo khoản 96 Điều 1 của dự thảo Luật): Đây là một quy định mới, quan trọng nhằm bảo đảm thực thi cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Châu Âu (EVFTA) về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, đồng thời là một giải pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số. Do đó, trên cơ sở dự thảo Luật do Chính phủ trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, điều luật này đã được nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện cho cụ thể, chặt chẽ hơn theo hướng: xác định các trường hợp được miễn trừ, điều kiện đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian để được hưởng quyền miễn trừ; chỉnh lý cụ thể, minh bạch hơn một số yêu cầu về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trung gian để bảo đảm thực thi yêu cầu của Hiến pháp về việc quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật.

Về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài (Điều 89a của Luật Sở hữu trí tuệ được bổ sung theo khoản 40 Điều 1 của dự thảo Luật): Đây là cũng là một nội dung thu hút được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, nhất là các vấn đề về danh mục lĩnh vực, tiêu chí sáng chế cần phải thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, nhu cầu thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghệ, bảo đảm tách bạch giữa thủ tục kiểm soát an ninh với sáng chế và xử lý đối với đơn đăng ký sáng chế mật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác định các nguyên tắc và phạm vi kiểm soát an ninh đối với sáng chế, giao Chính phủ quy định cụ thể về phạm vi, thủ tục kiểm soát an ninh, việc xử lý đơn đăng ký đối với sáng chế mật được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Về dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (khoản 1 Điều 151 của Luật Sở hữu trí tuệ): Dự thảo Luật do Chính phủ trình dự kiến bỏ quy định “Tư vấn về vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp” của đại diện sở hữu công nghiệp tại khoản 1 Điều 151 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng quy định này là không phù hợp, gây hạn chế quyền của cá nhân hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp. Do đó, dự thảo Luật đã được tiếp thu chỉnh lý theo hướng giữ nội dung này như Luật hiện hành.

Phóng viên: Đứng ở góc độ là cơ quan thẩm tra dự án Luật, những nội dung nào trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được bà quan tâm và nhận thấy cần cấp thiết sửa đổi để phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy vai trò của sở hữu trí tuệ, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ?

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Một trong những nội dung trọng tâm của Luật Sở hữu trí tuệ cần xem xét sửa đổi lần này chính là việc xác lập cơ chế giao quyền đăng ký, quyền sở hữu cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Đây là vấn đề Chính phủ đã xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, được đa số đại biểu Quốc hội tán thành, đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện  bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW. Chính vì vậy, quy định trong dự thảo Luật đã được tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục một số vướng mắc, bất cập hiện nay trên thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong điều kiện phát triển mạnh mẽ cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0, bảo đảm tính chặt chẽ của pháp luật, thể hiện ở một số khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ và được hướng dẫn thi hành tại Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định “tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên”. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền đăng ký nêu trên chưa triển khai hiệu quả trên thực tế do pháp luật hiện hành chưa có cơ chế khuyến khích, tạo động lực để các tổ chức, cá nhân có liên quan đi đăng ký, dẫn đến việc thương mại hóa các đối tượng sở hữu công nghiệp kể trên lại không được các tổ chức, cá nhân này triển khai một cách hiệu quả. Nhà nước cũng chưa có cơ chế đầy đủ để kiểm soát hoạt động khai thác thương mại đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp được tạo ra hoặc bảo đảm đối tượng này được khai thác một cách hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho Nhà nước và xã hội. Việc dự thảo Luật quy định việc chuyển giao quyền đăng ký tự động, không bồi hoàn đã tạo cơ chế pháp lý thông thoáng cho việc đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cũng như giống cây trồng, từ đó phát huy giá trị, hiệu quả ứng dụng của các tài sản trí tuệ này trên thực tế.

Thứ hai, cùng với việc chuyển giao quyền đăng ký tự động, không bồi hoàn, dự thảo Luật đã xác lập nhiều tiêu chí kỹ thuật để kiểm soát việc thương mại hóa của tổ chức chủ trì nhiệm vụ, bảo đảm ngân sách Nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ phục vụ có hiệu quả lợi ích của Nhà nước, Nhân dân, cộng đồng và xử lý trách nhiệm nếu vi phạm, như các quy định về cơ chế phân chia lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả, bảo đảm tối thiểu 50% phần lợi nhuận sau khi trả thù lao cho tác giả được dùng để đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ lợi ích công cộng và thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ; quy định chặt chẽ về một số trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước mà không cần sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng nhằm phục vụ lợi ích công; quy định chặt chẽ về nghĩa vụ của tổ chức chủ trì đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước….

Các quy định của dự thảo Luật sẽ góp phần hình thành được cơ chế pháp lý đầy đủ và đồng bộ trong việc kiểm soát trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện, đăng ký, ứng dụng, sử dụng các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.

Thứ ba, đối với đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì với một số đối tượng của quyền tác giả (chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu), dự thảo Luật sau chỉnh lý không bổ sung quy định về việc mở rộng quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì về chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu. Bởi vì đối với các chương trình, phần mềm máy tính gắn liền với các thiết bị, máy móc được bảo hộ dưới dạng sáng chế, thiết kế bố trí để vận hành các thiết bị, máy móc đó thì có thể áp dụng cơ chế chuyển giao quyền sở hữu đối với sáng chế, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước. Hơn nữa, nội dung này chưa có đánh giá tác động kỹ lưỡng về chính sách nên chưa đủ cơ sở bổ sung vào dự thảo Luật trong lần sửa đổi, bổ sung này.

Thứ 4, dự thảo Luật đã xây dựng các quy định riêng về việc giao quyền đăng ký và quyền sở hữu các đối tượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách Nhà nước và quy định mức, tỷ lệ và phương thức tính tiền thù lao và các lợi ích liên quan khác với quy định hiện hành của Luật Khoa học và Công nghệ. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, ngoài việc sửa đổi, bổ sung Điều 41 của Luật Khoa học và Công nghệ như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nội dung sửa khoản 4 Điều 105 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Điều 43 của Luật Khoa học và Công nghệ.

Phóng viên: Nếu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV tới, bà có lưu ý gì đối với các các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan chức năng khi triển khai, thực hiện Luật vào thực tiễn cuộc sống để đảm bảo lợi ích của mình cũng như sự phát triển chung của đất nước khi tham gia và hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới?

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Dự thảo Luật giao Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết nhiều nội dung. Đây là những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm hoặc cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Theo quy định, những nội dung này phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Sở hữu trí tuệ (dự kiến Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2023).

Như vậy, thời gian đến thời điểm đó không còn nhiều, do đó, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần tham mưu Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định rõ trách nhiệm từng Bộ, tiến độ thực hiện. Đồng thời, đây là một Luật khó, chuyên môn sâu và chỉ có thể phát huy hiệu quả trên thực tế nếu mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm vững các quy định, tổ chức thi hành và thực hiện pháp luật với tinh thần chủ động, tuân thủ và nghiêm túc. Điều này đòi hỏi bên cạnh việc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chủ động nắm bắt các quy định mới của Luật thì các cơ quan Nhà nước cần có các phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, linh hoạt và phù hợp với từng đối tượng nhằm giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng, thuận lợi trong việc tiếp cận, nhận thức đúng, đủ các quy định của Luật để thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật. Điều này góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật, thực thi có hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thực hiện đầy đủ, đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

----------------------------------------------------------------------------------- 

[1] Không sửa Điều 190 và Điều 211 so với dự thảo Luật do Chính phủ trình; bổ sung nội dung sửa đổi tại các điều 47, 105, 108, 118, 125, 135, 164, 183, 191, 191a, 191b, 194, 212 của Luật Sở hữu trí tuệ.

[2] Sửa đổi, thay thế một số từ, cụm từ tại các điều 14, 94, 95, 108, 118, 151, 153, 155, 165, 203, 209, 210 của Luật Sở hữu trí tuệ.

[3] Bãi bỏ khoản 19 Điều 4, Điều 5, khoản 3 Điều 51, điểm b khoản 2 Điều 176, Điều 215 của Luật Sở hữu trí tuệ.

[4] Điều 9 (2) Công ước Berne quy định “Luật pháp của các quốc gia thành viên thuộc Liên hiệp có thể cho phép làm bản sao của tác phẩm được bảo hộ trong một số trường hợp đặc biệt với điều kiện là việc sao chép này không xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả”.

Bích Lan

Các bài viết khác