ĐBQH NGUYỄN PHƯƠNG TUẤN: CẦN KỊP THỜI THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRONG NGHIÊN CỨU THUỐC, VACCINE PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

27/12/2021

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN &MT của Quốc hội, cho rằng Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan cần xem xét, tháo gỡ kịp thời những bất cập, khó khăn về cơ chế, thủ tục để tạo điều kiện cho giới khoa học, doanh nghiệp, Viện nghiên cứu sáng chế, điều chế thuốc, vaccine phòng, chống dịch bệnh Covid-19.


Dịch bệnh Covid-19 với những biến thể khó lường đã tác động và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và nền kinh tế-xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch CoviCovid-19 đã lan ra 63/63 tỉnh, thành phố. Đợt dịch thứ tư gia tăng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam với quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh, diễn biến rất phức tạp, khó lường, kéo dài, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống Nhân dân.

Trước bối cảnh phức tạp của đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước trên thế giới đã xác định việc tiêm vaccine an toàn, có hiệu quả miễn dịch tốt với tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine đủ lớn trong cộng đồng là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để phòng, chống dịch, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người và ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của dịch. Nhiều chương trình hợp tác toàn cầu, nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng, chống dịch Covid-19 đã được nhiều quốc gia tích cực, khẩn trương triển khai.


 Các cơ quan hữu quan cần xem xét, tháo gỡ kịp thời những bất cập, khó khăn về cơ chế, thủ tục để tạo điều kiện cho giới khoa học, doanh nghiệp, Viện nghiên cứu sáng chế, điều chế thuốc, vaccine phòng chống dịch bệnh Covid-19 (ảnh minh họa).

Nhận thức vai trò rất quan trọng của vaccine phòng, chống dịch Covid-19, tại Việt Nam, Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp đã và đang khẩn trương triển khai việc đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống Covid-19 để bảo đảm tất cả người dân thuộc đối tượng chỉ định tiêm vaccine đều được tiêm đủ mũi (trước năm 2022); tập trung thúc đẩy hoạt động đàm phán mua vaccine từ các nguồn trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước bảo đảm an toàn, hiệu quả nhất, nhanh nhất. Ngoài việc tập trung vào việc tìm nguồn cung cấp vaccine, các Viện, trường và doanh nghiệp trong nước cũng tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu, điều chế thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, triển khai đề án sản xuất, chuyển giao công nghệ chế biến thuốc phòng chống dịch bệnh Covid-19, các nhà khoa học, Viện nghiên cứu, trường đại học gặp không ít khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục liên quan đến thực hiện các chính sách pháp luật để triển khai các ý tưởng sáng tạo trong thực tiễn.

Với những vướng mắc, bất cập trên cũng như lắng nghe kiến nghị, đề xuất của giới nghiên cứu khoa học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn -  Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang khẳng định: Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng với Ủy ban Xã hội và các cơ quan của Quốc hội luôn là cầu nối giữa các đơn vị với những cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần nhanh chóng xem xét, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp, Viện nghiên cứu có nguồn lực nhập khẩu các loại thuốc phòng chống dịch bệnh Covid-19 về nước sớm nhất để cho các địa phương, người dân có thuốc chữa trị bệnh.

Phóng viên: Thưa ông, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với những biến thể khó lường đã và đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như cuộc sống của người dân. Việc nghiên  cứu, sản xuất ra các loại thuốc, vaccine đặc dụng để phòng chống và ngăn chặn kịp thời dịch bệnh có ý nghĩa hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, ông nhận thấy những khó khăn, vướng mắc mà các nhà khoa học, doanh nghiệp, Viện nghiên cứu đưa ra khiến chưa thể triển khai kịp thời các đề án, sáng chế, chuyển giao công nghệ thuốc, vaccine điều trị dịch bệnh là gì?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn: Qua theo dõi, tôi thấy rằng, có doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục, hồ sơ khi trình phương án, đề án nghiên cứu, sản xuất thuốc điều chế phòng, chống Covid-19 của họ lên cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, cấp phép thực hiện, cụ thể là:

Để chủ động được nguyên liệu làm thuốc, sản xuất thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam là một trong những ưu tiên của giai đoạn tới, trong bối cảnh diễn biến dịch trên thế giới đang rất phức tạp, nguồn cung nguyên liệu để sản xuất thuốc phòng, chống Covid-19 ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật Dược, Điều 82, 84 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP về nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành, các nguyên liệu này nhập về được sử dụng cho các mục đích như: làm mẫu kiểm nghiệm, nghiên cứu thuốc, sản xuất thuốc để xuất khẩu thì chỉ được sử dụng đúng cho mục đích nhập khẩu ban đầu, không được chuyển đổi mục đích sử dụng. Chính điều này đã gây ra sự khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu làm thuốc của các doanh nghiệp.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn -  Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang.

Về cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc điều trị Covid-19, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn từ chính nội dung của quy định pháp luật trong lĩnh vực y dược. Chẳng hạn đối với các thuốc nhập khẩu được cấp phép lưu hành tại các quốc gia có hệ thống quản lý dược chặt chẽ thì để được cấp phép lưu hành tại các quốc gia này, cơ sở phải nộp hồ sơ kỹ thuật (bao gồm phần chất lượng, tiền lâm sàng, lâm sàng) để cơ quan quản lý tại nước có hệ thống quản lý dược thẩm định theo một quy trình chặt chẽ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 56 Luật Dược thì cơ sở muốn đăng ký lưu hành thuốc đó tại Việt Nam sẽ phải nộp đầy đủ hồ sơ hành chính, hồ sơ kỹ thuật để thẩm định trước khi cấp phép lưu hành. Việc này gây kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ để cấp phép, không kịp thời tiếp cận với thuốc phục vụ phòng chống dịch.

Về sử dụng các bài thuốc về y dược cổ truyền trong phòng, chống dịch Covid-19. Trước hết, tôi đánh giá cao việc Bộ Y tế trong thời gian vừa qua đã kịp thời ban hành Quyết định số 4539/QĐ-BYT ngày 25/9/2021 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời sử dụng y học cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, với những hiệu quả (giá thành thấp, thời gian chữa trị đối với bệnh nhân F0 không có triệu chứng ngắn…) được chứng thực trong thực tế vừa qua khi sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền tại đợt chống dịch ở Bắc Giang hay tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai của một số bệnh Viện, Viện Y học dân tộc (Bệnh viện Y học cổ truyển Bộ Công An, Bệnh viện y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Đồng Nai…) thì về lâu dài Bộ Y tế cần sớm tham mưu với Chính phủ ban hành một Nghị định về hướng dẫn sử dụng y học cổ truyền trong phòng, chống dịch Covid-19 để các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến Trung ương có thể đưa các bài thuốc y học cổ truyền này vào phác đồ điều trị phòng, chống Covid-19.

Phóng viên: Trước những khó khăn, vướng mắc đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất của các nhà khoa học, doanh nghiệp, Viện nghiên cứu trong việc thực hiện các sáng chế, nghiên cứu sản phẩm y dược phòng chống dịch bệnh Covid-19 như thế nào, thưa ông?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn: Trong thời gian qua, các Viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp sản xuất, chuyển giao công nghệ phòng chống dịch bệnh Covid-19 có những vướng mắc về thủ tục, cơ chế, thực hiện chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đã gửi ý kiến, kiến nghị tới Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Nếu Ủy ban rà soát, thẩm tra thấy những vướng mắc đó là đúng thì sẽ chuyển các kiến nghị, đề xuất của các Viện, doanh nghiệp, nhà khoa học tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trong giai đoạn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nếu thấy những kiến nghị, đề xuất nào mang tính cấp thiết, cần phải giải quyết ngay mà còn vướng mắc bởi các điều luật chưa rõ ràng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ có những tháo gỡ khó khăn là đưa những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết.

Còn những vấn đề vướng mắc nào thuộc về Nghị định, Thông tư, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ đề nghị các cơ quan của Chính phủ sửa đổi nhằm tạo điều kiện, môi trường thông thoáng nhất cho các nhà khoa học nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất, chế tạo thuốc và vaccine phòng chống dịch bệnh.

Phóng viên: Tại Phiên họp thứ 6 (đợt 2) vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định cho phép thực hiện một số chính sách khác với Luật trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Quan điểm của ông về quyết định này như thế nào và đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có những yêu cầu cụ thể như thế nào để kịp thời nắm rõ được những vướng mắc phát sinh cũng như đề xuất của giới khoa học, doanh nghiệp, Viện nghiên cứu trong quá trình nghiên cứu, sáng chế, chuyển giao công nghệ thuốc, vaccine phòng chống dịch bệnh Covid-19, thưa ông?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn: Tôi cơ bản nhất trí với nội dung Tờ trình số 521/TTr-CP ngày 17/11/2021 của Chính phủ về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19. Dự thảo Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 đã được chuẩn bị khẩn trương, công phu; đã đánh giá, tổng kết những khó khăn, bất cập trong việc áp dụng chính sách, pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 và đưa ra những kiến nghị về giải pháp. Tuy nhiên, tôi đề nghị nên xem xét các chính sách sau:

Về nhân lực tham gia gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19: Trong thời gian vừa qua, có nhiều y bác sĩ đã nghỉ hưu tình nguyện, xung phong tham gia phòng, chống dịch Covid-19, góp phần vào nỗ lực chung trong phòng, chống dịch Covid-19. Chính vì vậy, đề nghị bổ sung thêm khoản 4, Điều 2 dự thảo Nghị quyết về việc cho phép các y bác sĩ nghỉ hưu có thể xung phong, tự nguyện tham gia khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19 theo sự phân công của người đứng đầu cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

Về thanh toán chi phí thực hiện việc tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19: Hiện nay, việc tách bạch thanh toán cho bệnh nhân Covid-19 với điều trị bệnh nền rất khó khăn, mất thời gian, đặc biệt là bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Vì vậy, cần thống nhất về nguyên tắc việc thanh toán phải phát huy được vai trò của Quỹ Bảo hiểm y tế, giảm gánh nặng cho ngân sNhà nước, tạo thuận lợi cho cơ sở thu dung, điều trị Covid-19. Tuy nhiên, hồ sơ của Chính phủ trình chưa có số liệu báo cáo về số kinh phí cần phải thanh quyết toán liên quan đến điều trị Covid-19 trong thời gian qua để có cơ sở đánh giá và quyết định nguồn thanh toán. Do đó, đề nghị Chính phủ cần bổ sung đầy đủ nội dung này. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp cho cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 để phục vụ trực tiếp cho điều trị bệnh nhân Covid-19.

Về bình ổn giá trang thiết bị y tế (Điều 6 trong dự thảo NQ về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19): Thiết bị y tế đóng vai trò quan trọng trong điều trị Covid-19, số lượng và chủng loại trang thiết bị y tế rất lớn, đa dạng. Vì vậy, việc Nghị quyết quy định chung về bình ổn giá trang thiết bị y tế là quá rộng, dẫn đến khó khả thi khi áp dụng trong thực tế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Lan

Các bài viết khác