Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Cho ý kiến về vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, cho đến nay chúng ta vẫn chưa hoàn thành việc thực hiện thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm BOT. Nguyên nhân khiến việc thực hiện thu phí tự động liên tục trễ tiến độ là do chúng ta đã vào cuộc với sự chuẩn bị chưa thực sự chu đáo.
Phóng viên: Trong các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, là một trong số các đại biểu từng nêu vấn đề chất vấn về sự chậm trễ trong thực hiện thu phí tự động tại các trạm BOT. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về thực trạng triển khai vấn đề này thời gian qua?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa mới lên nhận chức, tại kỳ họp đầu tiên chính tôi là người đã chất vấn Bộ trưởng: "Đến bao giờ thì thực hiện xong việc thu phí tự động không dừng ở các trạm BOT trong cả nước nhằm minh bạch hơn việc thu phí tại các trạm thu phí?". Khi đó, Bộ trưởng đã hứa là cuối năm 2019 hoàn thành. Theo dõi trong suốt năm 2019, có thể thấy Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Chỉ thị, chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh thu phí không dừng. Tuy nhiên, đến tháng 6 năm 2020 thì các công việc gần như rất ít đã được hoàn thành và cho đến bây giờ trạm thu phí tự động không dừng vẫn chưa hoàn thành; mới chỉ mang tính hình thức rất mờ nhạt. Hỏi tôi buồn không? tôi buồn và tôi tin rằng nhân dân cũng rất buồn, Thủ tướng cũng rất buồn vì chỉ đạo của Thủ tướng chưa được hoàn thành.
Phóng viên: Vậy, theo quan điểm của Đại biểu đâu là nguyên nhân khiến việc thực hiện thu phí tự động không đạt được tiến độ đề ra?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Theo tôi, khó nhất là chúng ta đã vào cuộc với sự chuẩn bị không chu đáo nhất là trong các hồ sơ để đấu thầu, tham gia làm BOT chưa thực sự chặt chẽ cũng như chưa lường hết được các tình huống xảy ra. Tôi lấy ví dụ hồ sơ trong hợp đồng cần phải quy định rõ trạm thu phí phải là thu phí tự động không dừng chứ không phải xây cả trạm rồi ngồi thu tiền. Nếu quy định đó đã có trong hợp đồng mà bây giờ nhà thầu trúng rồi nhưng không thực hiện, chúng ta cho ngừng ngay việc khai thác. Ngoài ra, chúng ta phải đứng về phía nhà thầu để xem xét những khó khan những bất cập nhất là vấn đề tài chính để cùng chia sẻ. Như vậy, câu chuyện không phải dừng lại ở Bộ Giao thông vận tải mà đây là câu chuyện liên quan đến nhiều cơ quan cần phải vào cuộc.
Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cập, giải trình về nội dung này. Đại biểu có đồng tính với nội dung trả lời của Thủ tướng?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ đề cập. Trong nội dung trả lời của người đứng đầu Chính phủ, tôi hiểu được sự trăn trở của Thủ tướng; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT của các bộ, ngành.
Ngay sau khi kỳ họp kết thúc, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý bất cập ở các dự án BOT giao thông, trong đó có việc thu phí không dừng. Đồng thời, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo rõ các biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu phí không dừng. Thực tế này, cho thấy nỗ lực, quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.
Phóng viên: Đại biểu có kiến nghị giải pháp gì để hoàn thành thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Theo tôi việc triển khai BOT, cả thế giới đã làm đặc biệt các nước phát triển vì hình thức này vận động được nhiều nguồn lực cùng tham gia. Mặc dù trong một thời gian dài, chúng ta thành công rất ít nhưng không vì thế mà chúng ta dừng thực hiện. Ngược lại, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hơn nữa. Đồng thời, cần tham khảo thêm kinh nghiệm các nước và phải lấy những thất bại trước đó làm bài học để rút kinh nghiệm nhằm làm tốt hơn trong thời gian tới.
Tôi hy vọng rằng các dự án BOT sẽ tiếp tục được triển khai ngày càng hiệu quả; tiến độ lắp đặt thiết bị thu phí tại các trạm được thực hiện theo đúng kế hoạch, bảo đảm đến 31/12/2020 đưa vào hoạt động đồng bộ trên cả nước đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!