Góp ý về quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp thống nhất bổ sung 8 chức danh như đã nêu trong dự thảo luật, có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện như dự thảo không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện, các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá hai lần mức tiền phạt theo thẩm quyền. Đại biểu cho rằng, việc lập biên bản hành chính, dự thảo luật quy định cụ thể thời gian lập biên bản trong từng trường hợp cụ thể để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn là rất cần thiết. Đối với một số trường hợp vi phạm hành chính ít nghiêm trọng, mức xử phạt không lớn tại khoản 1 Điều 56, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt tại chỗ hoặc không cần thiết lập biên bản.
Về quy định giảm tiền mức phạt phải dựa trên cơ sở khó khăn về kinh tế, đối tượng chính sách hay vi phạm do lỗi khách quan trong từng trường hợp cụ thể sẽ do người có thẩm quyền quyết định mức giảm cũng như mức tiền phạt tùy những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà tăng mức hình phạt hay tăng mức.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV.
Về bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đại biểu Phạm Văn Hòa tán thành với quy định không bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, vì thời gian qua áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không vướng mắc, khó khăn nhiều. Trong khi đó, điện nước lại nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức, cho nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ có tác dụng tiêu cực đến các thực thể khác không có liên quan đến vi phạm của chủ thể vi phạm mà bị vạ lây là điều không thể chấp nhận được. Ngoài ra, cơ quan chức năng đủ thẩm quyền có nhiều biện pháp khác để buộc chủ thể chấp nhận vi phạm.
Cho ý kiến về biện pháp xử lý hành chính, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi mà thực hiện cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) mà Quốc hội thảo luận tới đây và áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc không bị coi là việc xử lý hành chính nên chỉ quy định trong Luật Phòng, chống ma túy mà không quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính là phù hợp, góp phần đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên việc áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính được quy định trong dự thảo luật là phù hợp. Đồng thời, thống nhất bỏ quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng này, vì thực tế thời gian qua áp dụng không hiệu quả, giao cho cơ quản lý nhưng không có ai quản nên rất khó kiểm soát, mà lại tốn kém thời gian, tiền bạc.
Riêng đối với trường hợp người 12 tuổi đến dưới 14 tuổi có nơi cư trú ổn định, có thân nhân cam kết bằng văn bản quản lý giáo dục tại gia đình là phù hợp, tránh các đối tượng này bị cách ly khỏi gia đình, cộng đồng, nhà trường. Vì ở tuổi này các em cần sự quan tâm giáo dục của cộng đồng nhiều hơn, sẽ có tác dụng cho các cháu sớm trở thành người hữu dụng.
Về biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý hành chính, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm, việc tạm giữ người là biện pháp hạn chế quyền tự do công dân, làm ảnh hưởng đến nhiều quyền lợi cơ bản khác, cho nên Ban soạn thảo cần cân nhắc thận trọng, tránh áp dụng tràn lan. Đại biểu thống nhất bổ sung các trường hợp tạm giữ người như trong dự thảo luật, như các trường hợp khác thì không được tạm giữ, chỉ tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình, tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy là phù hợp thực tiễn, vì nếu không tạm giữ đối tượng này có thể sẽ dẫn đến nguy hiểm cho gia đình, do hành vi bạo lực của đối tượng, người nghiện ma túy có thể sẽ gây nguy hại cho xã hội và sẽ tiếp tục sử dụng ma túy tiếp. Do đó, tạm giữ trong khi chờ thực hiện các quy định của pháp luật để đưa đối tượng vào trại cai nghiện là hết sức cần thiết. Địa điểm tạm giữ là khu lưu giữ, tạm giữ, tạm giam của cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, đại biểu Phạm Văn hòa nêu thực tế, vụ việc này thời gian qua rất bất cập, gây tồn đọng, quá tải ở các cơ sở tạm giữ, thời gian dài, phương tiện xuống cấp, hư hỏng, chi phí quản lý trông giữ cao. Cho nên, dự thảo luật quy định theo khoản 4a Điều 126 là rất cần thiết, nhằm xử lý kịp thời phương tiện, tang vật không bị hư hỏng, mất mát, tiết kiệm chi phí phương tiện cũng như tránh lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Đại biểu cũng đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục biện pháp xử lý hành chính đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu người không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định mà gia đình không đồng ý quản lý thì giao cho trung tâm, cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh quản lý là hết sức cần thiết. Đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, nếu có nơi cư trú ổn định thì giao cho gia đình quản lý trong thời gian làm thủ tục do Tòa án quyết định. Còn người không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định mà gia đình không chịu quản lý thì giao cho chính quyền địa phương sở tại quản lý là phù hợp, nhưng nếu giao cho công an huyện quản lý là không thực tế./.