GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CƠ QUAN LẬP PHÁP (BÀI 2)

29/10/2020

75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Quốc hội đã và đang ngày càng khẳng định vị thế của cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân. Để giữ vững vai trò đó, Đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo Quốc hội phát huy đầy đủ các chức năng lập hiến, lập pháp và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Bài 2: ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI QUỐC HỘI VÌ LỢI ÍCH NHÂN DÂN

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội phải thể hiện sinh động hình ảnh “Nhân dân thu nhỏ”.

Quốc hội có hai tư cách: Quốc hội vừa có tư cách nhân dân vừa có tư cách Nhà nước. Với tư cách là nhân dân, trong quá trình hoạt động của mình, Quốc hội luôn luôn thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân trong mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước khác. Đồng thời, thông qua Quốc hội, nhân dân lại có điều kiện tham gia trực tiếp một cách rộng rãi, có hiệu lực và hiệu quả vào các hoạt động của Nhà nước.

Theo PGS.TS. Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, với tư cách là Nhà nước, Quốc hội chính là nhân dân được thống nhất lại dưới hình thức Nhà nước, được nhân dân ủy quyền thực hiện quyền lực Nhà nước trong mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước khác và với chính mình. Vì thế, Quốc hội vừa là nơi thực hiện và thể hiện chế độ dân chủ đại diện (dân chủ thông qua ủy quyền) và vừa là nơi thể hiện và thực hiện dân chủ trực tiếp (thông qua Quốc hội, nhân dân thể hiện trực tiếp ý chí của mình). Sự kết hợp giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, một mặt được thể hiện và thực hiện thông qua hoạt động của người đại biểu nhân dân trong và ngoài kỳ họp, mặt khác còn thông qua tính tích cực của nhân dân trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội. Quốc hội cũng là nơi để nhân dân lao động “học” và “tập làm” dân chủ. Vì thế, xây dựng và phát huy vai trò của Quốc hội phải được coi là một quy luật phát triển của Nhà nước dân chủ. Do vậy, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng phải phù hợp với tính nhân dân và tính Nhà nước kết tinh trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội thể hiện mạnh mẽ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, vừa thể hiện ngày càng sâu sắc nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân chính là nơi nhân dân thừa nhận và đánh giá sự lãnh đạo của Đảng.

Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” được đề ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (1982) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng.

Đề cao pháp luật, tôn trọng pháp luật, gương mẫu thực hiện pháp luật là nguyên tắc cầm quyền của Đảng. Do vậy, Đảng phải phát huy dân chủ trong quá trình xây dựng chủ trương, đường lối và thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong tổ chức xây dựng Nhà nước và bố trí đội ngũ cán bộ tham gia bộ máy nhà nước. Mục đích cầm quyền của Đảng xét đến cùng là vì lợi ích của nhân dân. Đảng đại diện cho lợi ích của nhân dân, phấn đấu vì lợi ích của nhân dân, Đảng cầm quyền không có mục đích nào khác vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” được đề ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (1982) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng xác định là phương thức vận hành tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam. Cơ chế này là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân trong lịch sử, đồng thời xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới.

Như vậy, bản chất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là cầm quyền vì lợi ích của nhân dân, cầm quyền theo pháp luật, cầm quyền một cách dân chủ và khoa học, đó cũng là phương châm, nguyên tắc cầm quyền của Đảng.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội là sự lãnh đạo đối với một tổ chức thể hiện sinh động hình ảnh “nhân dân thu nhỏ” và hiện thân của sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân được thống nhất lại dưới hình thức Nhà nước. Quốc hội kết tinh được những tinh hoa đó, bởi vì từ khi ra đời cho đến nay, Quốc hội được xây dựng, củng cố và phát triển dựa trên cơ sở xã hội rất rộng lớn, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp trong cộng đồng nhân dân và dân tộc Việt Nam.

Với quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và chế độ bầu cử tự do, tiến bộ, thành phần đại biểu được bầu vào Quốc hội qua các khóa ngày càng thể hiện chân thực hình ảnh “nhân dân thu nhỏ”. Ngoài đại biểu của các giai cấp công nhân và nông dân; nhiều nhân sĩ trí thức, nhiều nhà hoạt động tôn giáo, nhiều người thuộc tầng lớp khác nhau đã được bầu vào Quốc hội. Điều đó cho thấy Quốc hội nước ta không chỉ là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của riêng giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức, mà còn là của cả cộng đồng nhân dân với các giai cấp tầng lớp khác nhau trong xã hội, thể hiện sâu sắc bản chất nhân dân của Nhà nước ta.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng là vấn đề luôn được Đảng ta hết sức coi trọng. Tại mỗi kỳ Đại hội lại được bổ sung, đổi mới, đưa ra thảo luận để đảm bảo sự đổi mới về phương thức hoạt động.

Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp nối những quan điểm tại các kỳ Đại hội trước, trên cơ sở Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991, phát triển bổ sung năm 2011 và được cụ thể hóa trong Hiến pháp năm 2013, trong đó đã xác định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền và lãnh đạo, nhưng sự lãnh đạo của Đảng phải thông qua Nhà nước, điều này đặt ra vấn đề là Đảng phải hóa thân vào nhà nước. Nói đến Nhà nước, trước hết phải nói đến Quốc hội, vì Quốc hội có 3 chức năng rất quan trọng là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội vừa là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân vừa là cơ quan quyền lực cao nhất thì Quốc hội chính là nơi có các điều kiện tốt nhất để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện quản lý xã hội, điều hành xã hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Như vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng đã được Hiến định, nhưng sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội lại cần được đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, hoạt động lập pháp là quá trình thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật. Nếu đường lối càng cụ thể, rõ ràng thì việc thể chế hoá thành pháp luật càng thuận lợi để điều chỉnh các quan hệ xã hội, do vậy, sự lãnh đạo của Đảng càng được tăng cường. Sự lãnh đạo mang tính định hướng của Đảng đối với hoạt động lập pháp trước hết là sự chỉ đạo trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình lập pháp. Cùng với điều đó, nghị quyết của Đảng cần định hướng một số nội dung thuộc về quan điểm như chính sách về đất đai, về kinh tế thị định hướng xã hội chủ nghĩa, về cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền…

Bên cạnh đó, hoạt động lập pháp là do nhiều chủ thể khác nhau tham gia, muốn nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đảng cũng cần định hướng, xây dựng và tổ chức đội ngũ cán bộ ngày càng chuyên sâu về nghiệp vụ, nhạy bén về nhận thức chính trị.

Đối với chức năng giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội thể hiện ở chỗ kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là những người đứng đầu các cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, Đảng tiếp tục thực hiện xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cá nhân để xảy ra vi phạm quy định của pháp luật, từ đó tạo niềm tin của nhân dân.

Giám sát tối cao của Quốc hội chính là biện pháp để Quốc hội thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực trong cơ quan Nhà nước. Giám sát tối cao của Quốc hội chủ yếu tập trung giám sát ở tầng cao nhất của bộ máy Nhà nước, nhất là giám sát Chính phủ. Những tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội là tổ chức, cá nhân nắm giữ những trọng trách cao nhất trong bộ máy Nhà nước. Vì thế, sự lãnh đạo của Đảng trong việc xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân - hậu quả pháp lý của giám sát tối cao phải được xem là một nội dung quan trọng trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.

Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) đã mở rộng thẩm quyền cho Quốc hội trong việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) đã mở rộng thẩm quyền cho Quốc hội trong việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, thì sự lãnh đạo của Đảng cũng phải được mở rộng để Quốc hội có điều kiện thực hiện thẩm quyền này.

Ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, phân tích: Không có nhiều nước trên thế giới thực hiện giám sát tối cao bằng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Điều này cho thấy những đổi mới mạnh mẽ trong phương thức kiểm soát quyền lực của Đảng đối với Nhà nước, nhưng hoạt động giám sát tối cao cũng cần tiếp tục đổi mới để giám sát đúng lúc, đúng chỗ, trúng vấn đề và thể hiện được ý chí nguyện vọng của nhân dân. Đã có một thời gian một số đối tượng phản động đã xuyên tạc, cố tình làm lu mờ vai trò của Quốc hội với chức năng là đại diện của nhân dân và hạ thấp vị trí của Quốc hội. Vì vậy, yêu cầu đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng sao cho phát huy và tăng cường tính nhân dân trong tổ chức cũng như hoạt động của Quốc hội luôn được Đảng ta chú trọng. Để làm được điều này, trước hết Đảng cần đổi mới sự lãnh đạo trên các vấn đề liên quan đến bầu cử, ứng cử, vấn đề về nhân sự cấp cao trong bộ máy Nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chuyển hình thức hoạt động của Quốc hội thực quyền hơn.

Theo GS.TS Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với hoạt động của cơ quan lập pháp chính là tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng của các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của Đảng, các văn bản này càng sát thực, mang tính ổn định, lâu dài, minh bạch sẽ tạo điều kiện để Quốc hội cụ thể hóa đầy đủ, chính xác trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong bối cảnh mới hiện nay, việc tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng phương thức lãnh đạo đặt ra yêu cầu các chủ trương, đường lối của Đảng vừa đảm bảo nhanh chóng để đáp ứng với sự biến chuyển liên tục của tình hình thế giới và trong nước, vừa đảm bảo mềm dẻo, linh hoạt, tránh tình trạng áp đặt, khuôn mẫu, để ý Đảng và lòng dân hòa làm một, đưa đất nước vững bước đi lên.

GS.TS Vũ Văn Hiền nhấn mạnh, cùng với việc nâng cao chất lượng các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị thì một trong những phương thức lãnh đạo trực tiếp của Đảng đối với Quốc hội là thông qua Đảng đoàn Quốc hội, các đảng viên là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu quốc hội. Do vậy, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương được coi là định hướng quan trọng để Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc tổ chức thực hiện trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Bên cạnh đó, để tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội trong các công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của Quốc hội, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về mô hình tổ chức và hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội trong mối quan hệ với cả hệ thống chính trị, cũng như vấn đề phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong thời gian vừa qua; tiếp tục nghiên cứu về vị trí, vai trò, cơ chế và cách thức hoạt động của Tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Tổ đảng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả.

Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Đảng đoàn Quốc hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; tăng cường, phát huy dân chủ hơn nữa trong phương thức hoạt động của Quốc hội, tăng cường tranh luận, phản biện, giám sát đối với những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm sát sao, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Đảng đoàn Quốc hội, nhất là đối với các vấn đề mới và khó trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước (có thể cho ý kiến từ trong quá trình soạn thảo, thẩm tra để định hướng chính trị, cho ý kiến nhiều lần, từ sớm, không chỉ tập trung vào trước kỳ họp Quốc hội); tạo điều kiện để các cơ quan có liên quan đến nội dung được báo cáo, giải trình cụ thể về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.

TS.Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, nêu quan điểm cần đổi mới tổ chức Đảng trong Quốc hội cho phù hợp. TS.Đinh Xuân Thảo  cho biết: “Số đại biểu là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là đảng viên chiếm tỷ lệ rất cao nhưng lại sinh hoạt trong tổ chức Đảng trong Văn phòng Quốc hội thì chưa phù hợp. Vì vậy, tôi kiến nghị trong thời gian tới phải có thay đổi, thành lập Đảng ủy của cơ quan Quốc hội trực thuộc Trung ương, giống như Đảng ủy của Quân ủy Trung ương và của Bộ Công an, trực tiếp trực thuộc Trung ương. Bởi vì trong Đảng bộ không chỉ quản lý số lượng đảng viên đông mà số lượng Ủy viên Trung ương đông, mà còn có số Ủy viên Trung ương trong Quốc hội và trong cơ quan thường trực của Quốc hội rất nhiều, rõ ràng cần có đổi mới, cải tiến về tổ chức Đảng của Quốc hội. Điều đó sẽ đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng đối với Quốc hội. Tôi cho rằng đây là cách tốt nhất thể hiện sự hóa thân của Đảng vào trong tổ chức nhà nước, trong Quốc hội thì hiệu lực, hiệu quả cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội”.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, TS.Đinh Xuân Thảo đề xuất tăng cường số Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có như vậy mới nâng cao vị thế, vị trí của đoàn giám sát, bảo đảm việc giám sát quyền lực của Quốc hội hiệu quả hơn.

Nêu quan điểm xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ cho công tác lập pháp một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng của hoạt động lập pháp, ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng sự đổi mới phải xuất phát từ mỗi Đảng viên cùng chung tay xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và tiếp tục đổi mới, mở rộng dân chủ. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, chủ trương, nghị quyết của Đảng luôn luôn đổi mới để phù hợp với tình hình mới. Còn Quốc hội thể hiện quyết tâm cao lấp đầy những khoảng trống pháp lý, nhất là khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, các diễn đàn mà Việt Nam tham gia, nhưng đồng thời thống nhất với hệ thống pháp luật và bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân Việt Nam./.

Trung Hiếu - Hồng Loan - Lan Hương