GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CĂN CỨ NÀO XỬ PHẠT GIAN LẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA MADE IN VIET NAM?

23/09/2019

Thời gian vừa qua, hiện tượng gian lận thương mại với phương thức ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Nhiều trường hợp hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” để gian lận, đánh lừa người tiêu dùng... nhưng thực tế hiện nay vẫn chưa có đủ căn cứ, chế tài xử phạt để xử lý những trường hợp này.

Chưa đủ căn cứ, chế tài xử phạt các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa

Cuối năm 2017, một khách hàng người Việt bức xúc khi mua một lô hàng 60 khăn lụa tại cửa hàng Khaisilk, Hà Nội đã phát hiện một sản phẩm trong đó vừa có mác “Khaisilk Made in Vietnam”, vừa có mác “Made in China”. Không lâu sau đó, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện trong cửa hàng của hệ thống Khải Silk có hiện tượng giả mạo xuất xứ, khăn lụa Trung Quốc được chuyển thành mác Khải Silk tức là “Made in Việt Nam”. Trước sự việc này, lãnh đạo Tập đoàn Khaisilk chính thức thừa nhận “bán 50% lụa “Made in China” trong hệ thống của mình”.

Trong khi, dư âm của sự kiện gian lận xuất xứ hàng hóa Khải Silk còn chưa dứt, thì mới đây nhiều cơ quan truyền thông đại chúng đã đưa tin về sản phẩm của Tập đoàn Điện tử Asanzo cũng được “phù phép” với hình thức tương tự và gắn nhãn Made in Viet Nam. Cụ thể, theo điều tra của báo chí, Asanzo có dấu hiệu thông qua hàng loạt công ty “ma” để nhập linh kiện điện tử từ Trung Quốc về Việt Nam và thay đổi nhãn mác.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Theo lý giải của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: “Hiện nay cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đánh thuế vào các hàng hóa của Trung Quốc ngày càng tăng lên vì vậy có thể thấy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang Việt Nam. Đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng vọt và 8 tháng năm 2019 Trung Quốc là nước đầu tư nước ngoài cao nhất vào Việt Nam. Điều này buộc chúng ta phải xem xét cẩn trọng vì nếu chỉ lắp ráp, sau đó dán nhãn Việt Nam để tránh nộp thuế 25%. Thực tế các nước họ đã phân biệt sản xuất tại Việt Nam, đóng gói tại Việt Nam, sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, phát minh sáng chế tại Việt Nam. Vậy thì chúng ta cần xem xét: nếu cứ nói là Made in Viet Nam, sản xuất ở Việt Nam thì giá trị gia tăng ở Việt Nam là bao nhiêu?”

Dự thảo Thông tư quy định một sản phẩm như thế nào thì được dán nhãn xuất xứ tại Việt Nam đang được Bộ Công thương xây dựng sẽ có quy định thế nào là hàng "made in Vietnam" 

Điều đáng nói là đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức về việc liệu Tập đoàn Điện tử Asanzo có vi phạm quy định về gắn nhãn xuất xứ hàng hóa hay không và việc xử lý như thế nào? Nguyên nhân của việc chậm xử lý vụ việc này được lãnh đạo Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương lý giải là do hiện Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên cơ quan chức năng chưa có căn cứ để xử phạt, còn người tiêu dùng trong nước không thể phân biệt chính xác thế nào là hàng “Made in Viet Nam”. Chính vì chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, nên hiện khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau như: “Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế”; Hoặc “hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam”; hay “hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam”...  

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương, cho biết, thực trạng tình hình như vậy nhưng có khó khăn vướng mắc rất khi tiến hành kiểm tra, kiểm soát để phát hiện ra hành vi gian lận thương mại này. Đây là hành vi gian lận mới, không hẳn là hàng giả mà không sản xuất ở Việt Nam nhưng lại gắn mác Made in Viet Nam. Hầu hết sản phẩm này tiêu thụ ở thị trường nội địa nên đặt ra vấn đề pháp lý, đặc biệt là xác minh nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là quản lý thị trường, khi kiểm tra phải bắt quả tang thì mới xử lý được.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương cho biết gặp nhiều khó khăn trong xác định nguồn gốc hàng hóa

Cũng theo Bộ Công thương, thời gian qua, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bởi nhiều sản phẩm được làm từ nước khác và chỉ gia công một phần rất nhỏ ở Việt Nam nhưng lại được ghi “Made in Việt Nam” để tránh bị áp thuế. Ngoài ra, xu hướng người Việt chuộng hàng Việt nhiều hơn nên nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc đang tìm mọi cách đội lốt hàng Made in Viet Nam để qua mặt người tiêu dùng.

Sớm ban hành thông tư quy định thế nào là hàng Made in Viet Nam

Giải trình tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, thực tế ở các nước phát triển trên thế giới đều có quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa nhằm mục tiêu bảo hộ ngành hàng sản xuất trong nước nói chung và bảo hộ thương hiệu của sản phẩm cụ thể. Trong khi đó, ở Việt Nam, các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa đang được quy định tại Nghị định 43 năm 2017 của Chính phủ về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và Nghị định 31 hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, Nghị định 43 cũng như các văn bản pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định rõ ràng thế nào là hàng hoá của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Trên thực tế chúng ta đã có khung khổ pháp luật để điều chỉnh những hoạt động đối với sản phẩm sử dụng xuất xứ Việt Nam, căn cứ theo hai nghị định, thứ nhất là Nghị định 43 năm 2017 của Chính phủ về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và Nghị định 31 hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, thời gian qua, phần lớn các hoạt động xuất xứ hàng hóa xuất khẩu cũng được kiểm soát nghiêm bởi các cơ quan hải quan, thuế, liên quan thực hiện theo chức năng quản lý nhà nước trên cơ sở Nghị định 31. Còn Nghị định 43 thì chúng ta mới dừng ở mức là theo đăng ký xuất xứ nhưng chưa có tiêu chí và hàm lượng cụ thể để hướng dẫn cho doanh nghiệp, cũng như tổ chức khi cung cấp sản phẩm của mình có thể đăng ký xuất xứ hoặc sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đã phát hiện ra điều này và Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo với Chính phủ và xin phép xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về các sản phẩm có xuất xứ Việt Nam”.

Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảoThông tư quy định một sản phẩm như thế nào thì được dán nhãn xuất xứ tại Việt Nam, trong đó có quy định hàng "made in Vietnam" ngoài đạt tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa 30%, còn phải vượt qua khâu gia công đơn giản. Ngoài ra, Dự thảo Thông tư cũng quy định, hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh Việt Nam không được coi là hàng "made in Vietnam". Với quy định như vậy, Bộ Công Thương kỳ vọng, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu "đội lốt" hàng Việt Nam như vừa qua.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 8/2019 vừa qua, đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công thương cũng cho biết, ngay sau khi báo chí nêu về hành vi sai phạm của Asanzo trong việc gắn nhãn xuất xứ hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương với Ban chỉ đạo 389 tiến hành xác minh thông tin và công bố kết quả xác minh vụ việc Asanzo là ngày 30/8, tuy nhiên, hiện nay đã là giữa tháng 9 vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nếu những biện pháp chống gian lận thương mại không sớm được triển khai đồng bộ thì sẽ làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cần làm gì để ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa đang có chiều hướng gia tăng? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi lại ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian qua có tình trạng nhập hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam sau đó dãn mác Made in Viet Nam để đánh lừa người tiêu dùng và giảm uy tín của hàng hóa Việt Nam. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

- Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tình trạng vi phạm xuất xứ hàng hóa đã xảy ra nhiều năm, đặc biệt hiện nay khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. Tôi cho rằng đây là nỗi lo rất lớn, cá nhân tôi với tư cách là đại biểu Quốc hội, là công dân của đất nước, tôi rất lo lắng. Theo các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin, trong khoảng thời gian ngắn xảy ra đã có 1,7 tỷ USD của Trung Quốc đã đầu tư sang Việt Nam, trong đó đáng lo ngại là trong khoảng thời gian ngắn, mức đầu tư lớn như vậy; số tiền đầu tư cho một dự án trên dưới 5 triệu đô la – rất nhỏ. Đây là cảnh báo khả năng làn sóng của hàng hóa xuất xứ nước ngoài, lấy địa bàn của Việt Nam, có thể thay đổi nhãn mác, có thể mượn danh các công ty để tiếp tục xuất ra các nước khác.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

- Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Hiện nay có nhiều người, nhiều doanh nghiệp, nhiều nước muốn có nhãn Made in Viet Nam, đây cũng là một điều đáng mừng, chứng tỏ hàng Việt Nam thực sự đã lên ngôi. Cách đây mấy chục năm, người tiêu dùng chỉ ưa chuộng hàng hóa nước ngoài, không coi trọng hàng Việt Nam. Có được ngày hôm nay là sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, hiện vẫn có sơ hở trong quá trình quản lý, nên có tình trạng lợi dụng đưa hàng giả, hàng nhái, hàng lậu chất lượng không đảm bảo dán nhãn hàng Made in Viet Nam.

Phóng viên: Để ngăn chặn các hành vi gian lận nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, theo đại biểu cơ quan chức năng cần có giải pháp gì để bảo vệ thương hiệu Made in Viet Nam?

- Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng Bộ Công thương cần tập trung giải pháp kiểm tra, giám sát đối với các ngành có nguy cơ cao, đặc biệt là các ngành hàng đang phát triển quá nóng, trong đó cần lưu ý hàng loạt nhóm sản phẩm xuất khẩu sang EU, Mỹ...  Theo đó, cần phải thành lập tổ công tác để theo dõi, đảm bảo cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành tổ chức để tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tạm nhập tái xuất, vốn là lĩnh vực diễn ra nhiều hoạt động gian lận thương mại, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ngoài ra, cần rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; các cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII

- Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Theo tôi công tác quản lý thị trường có sơ hở, quản lý của các cấp, các ngành cũng có sơ hở, không quản lý chặt chẽ ngay từ khâu đầu sản xuất. Khi cho phép một đơn vị sản xuất mặt hàng gì đều phải đăng ký mẫu mã, chất lượng. Tôi nghĩ Bộ Khoa học công nghệ cần vào cuộc quản lý.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các đại biểu!

Thực tế hiện nay cho thấy, rất nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam với chất lượng cao, ổn định, đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng tại nhiều nước trên thế giới tin cậy, lựa chọn và đón nhận. Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội có thể thấy, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam Made in Vietnam ngày càng gia tăng. Không ít trường hợp hàng hóa được nhập khẩu hoặc đặt gia công tại nước ngoài, nhưng lại gắn mác là hàng sản xuất tại Việt Nam để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng. Mặt khác, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do, vì vậy xuất hiện xu hướng hàng hóa nước ngoài giả xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi từ các hiệp định này; hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Cùng với việc ban hành các văn bản pháp lý, các bộ ngành liên quan cần cần tập trung đấu tranh các hành vi chuyển đổi để gắn xuất xứ hàng Việt Nam; đồng thời xác định những nhóm mặt hàng xuất khẩu đột biến để có cơ chế giám sát đặc biệt khi xuất sang các thị trường như Mỹ và EU./.

Lan Hương