Hàng nghìn người dân bức xúc trước việc thu hồi đất của chính quyền địa phương
Cuối năm 2015, hàng nghìn nhân khẩu ấp Tân Cang, xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nháo nhác bởi chính quyền địa phương công bố thông tin UBND tỉnh Đồng Nai sẽ thu hồi đất của người dân ấp Tân Cang để giao cho Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Thế giới Nhà làm dự án bất động sản phân lô, xây biệt thự.
Thế nhưng, sau thời điểm có văn bản chấp thuận và thỏa thuận địa điểm đầu tư, thay vì doanh nghiệp thỏa thuận bồi thường đất với người dân thì UBND tỉnh Đồng Nai lại có văn bản xác định dự án mà Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Thế giới Nhà là “dự án đô thị mới và thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất” khiến người dân bức xúc.
Hàng nghìn người dân bức xúc trước việc thu hồi đất của chính quyền địa phương
Đối với các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng ở cấp địa phương, Luật Đất đai quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền trong việc chấp thuận các dự án mà phải thu hồi đất, kể cả những dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn. Trong khi đó, tại danh mục các dự án cần thu hồi đất các năm 2015, 2016 và 2017 đã được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua tại các kỳ họp được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết không hề có tên Dự án khu dân cư theo quy hoạch tại xã Phước Tân do Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Thế giới Nhà làm chủ đầu tư.
Trong quá trình xác minh, điều tra vụ việc chúng tôi được biết, ngày 31/12/2015, ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ký Văn bản số 11069 gửi Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai xem xét, chấp thuận thông qua bốn dự án, trong đó có Dự án Phước Tân bổ sung vào danh mục dự án cần thu hồi đất năm 2016 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Và sau đó, đề xuất này đã được ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, ký ban hành Văn bản số 06 ngày 6/01/2016 chấp thuận cho bổ sung bốn dự án theo đề xuất của UBND tỉnh.
Một dự án thu hồi đất mà sự tác động trực tiếp tới đời sống hàng ngàn nhân khẩu lại được Thường trực HĐND tỉnh quyết định thông qua chỉ vẻn vẹn có 20 ngày sau kỳ họp gần nhất của HĐND tỉnh (?) Chính điều bất thường này đã khiến các hộ dân bị thu hồi đất tại dự án Phước Tân và dư luận nghi ngờ khi mà việc thu hồi đất không được trình lên HĐND tỉnh thông qua không theo đúng quy trình quy định. Đây cũng chính là văn bản mà theo người dân, tính pháp lý vẫn đang là dấu hỏi lớn cần được các cơ quan chức năng làm rõ (?!).
Liên quan đến thẩm quyền quyết định dự án và thu hồi đất, vào ngày 17/7/2018, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 1821/STP-XDKTVB về việc rà soát tính pháp lý đối với văn bản số 06/HĐND-VP ngày 06/01/2016 của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, trong đó nêu “việc Thường trực HĐND tỉnh ban hành văn bản này cho bổ sung các dự án cần thu hồi đất năm 2016 của thành phố Biên Hòa là chưa phù hợp về thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, vào ngày 21/09/2018, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai lại ra văn bản số 2463/STP-XDKTVB thay thế cho văn bản trước đó nêu “Thường trực HĐND có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh bổ sung những biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện Nghị quyết của HĐND theo đề nghị của UBND tỉnh và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất”. Dư luận lại một lần nữa dậy sóng và đặt câu hỏi khi mà chỉ trong khoảng một thời gian ngắn với cùng một nội dung vụ việc lại ban hành 02 văn bản kết luận với nội dung hoàn toàn trái ngược nhau?
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ: Phát triển bền vững là khi lấy người dân làm trung tâm
Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng: Phát triển bền vững khi mà người dân là trung tâm của quá trình phát triển, chứ không phải chủ đẩu tư là trung tâm. Người dân sở tại phải là trung tâm của quá trình phát triển. Để làm được việc này cách tốt nhất là chúng ta đảm bảo lợi ích của người dân tại địa phương gắn với khu đô thị mới, trong đó nếu lấy đất của người dân thì phải bồi thường cho dân thỏa đáng.
Gần 4 năm kể từ khi công bố dự án, người dân ấp Tân Cang vẫn đang phải sống trong cảnh khốn khổ khi mọi quyền lợi của họ trên chính mảnh đất của mình đang bị tước bỏ. Trong tận cùng của sự thống khổ đó, họ vẫn đang miệt mài gửi những lá đơn tới các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương với niềm tin vào công lý và nghiêm minh của pháp luật cùng với đó là hi vọng các co quan chức năng có thể lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và ý kiến phản ánh của nhân dân với Dự án.
Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Ngày 07/6/2019, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản số 675 trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, về nội dung liên quan đến việc Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản chấp thuận bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất trái thẩm quyền, cùng với đó là đề nghị Thủ tướng xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tập thể có liên quan.
Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo giải trình vụ việc, trong đó nhấn mạnh. Để giải quyết những vấn đề khó khăn vướng mắc của các địa phương đã vận dụng những quy định hiện hành về việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp của HĐND.
Về thẩm quyền ra văn bản thu hồi đất của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan có liên quan xem xét thẩm quyền ban hành, tính pháp lý của Văn bản số 06/ HĐND-VP. Có kết luận và đề xuất giải pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan, đặc biệt là người đứng đầu, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu để xảy ra vi phạm, ban hành văn bản không đúng thẩm quyền thì phải thu hồi văn bản và xem xét, xử lý những tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức và các quy định theo thẩm quyền phân cấp.
Trách nhiệm cao nhất thuộc về Thường trực Hội đồng nhân dân
Một dự án thu hồi đất mà ngay từ đầu đã vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân. Một dự án mà theo dư luận cho rằng đây là dự án kinh doanh thương mại “núp bóng” dự án công ích để thu hồi đất của người dân và đền bù với giá rẻ mạt. Một dự án mà trong đó các số liệu diện tích đất cần thu hồi lại “tiền hậu bất nhất”. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre:
Thường trực HĐND chịu trách nhiệm cao nhất khi thu hồi đất ở ấp Tân Cang
Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, là một trong nhiều Đại biểu đã có văn bản chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Xin Đại biểu vui lòng cho biết những nội dung chất vấn của Đại biểu tập trung ở những khía cạnh nào ?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Tại kỳ họp thứ 7, tôi có chất vấn Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề như việc Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai ra văn bản bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đối với một số vị trí mà không được Hội đồng nhân dân trước đó đã ra Nghị quyết. Ở đây trực tiếp là việc sử dụng 40 héc ta đất tại phường Phước Tân của thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Phóng viên: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời đại biểu, với vai trò là đại biểu dân cử, quan điểm của đại biểu về nội dung trả lời của Thủ tướng Chính phủ xung quanh vấn đề đại biểu đã thay mặt cử tri chất vấn ?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Một số vấn đề được đặt ra, Phó Thủ tướng dựa trên cơ sở báo cáo của Đồng Nai chuyển cho tôi nội dung, Thủ tướng cũng không xác định việc đúng hay sai. Còn ý kiến thứ 2 của tôi là xử lý trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu trong vụ việc này như thế nào?
Tôi được biết, hiện nay Thủ tướng đã chính thức giao cho Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để đánh giá về tính hợp pháp của văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân trong việc thu hồi đất tại phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Như vậy, hai vấn đề móc xích với nhau. Ở khía cạnh nào đó tôi hài lòng với cách trả lời của văn bản số 675 ngày 07/6/2019.
Phóng viên: Cuối năm 2015, UBND thành phố Biên Hòa công bố thông tin thu hồi đất của người dân ấp Tân Cang, xã Phước Tân để giao cho Công ty Thế Giới Nhà làm dự án kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, thay vì Công ty này phải thỏa thuận phương án đền bù với dân thì UBND tỉnh lại quyết tâm thu hồi đất của dân với giá đền bù thấp khiến người dân rất bức xúc. Theo Đại biểu thì điều này phản ánh vấn đề gì ?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Theo người dân phản ánh qua đơn thư là do cách làm ăn của doanh nghiệp muốn lô đất này để phân lô bán nền để xây dựng dự án nhà ở và cũng do mới mở một con đường lớn chạy qua đó nên thu hồi đất của dân. Tuy nhiên, không thỏa thuận với người dân mà lại thu hồi một cách đơn phương với giá rẻ mạt. Người dân được coi như là nhận tiền nhưng lại trắng tay bởi vì với số tiền bà con thấy rằng không đủ để tiếp tục có thể tổ chức được đời sống.
Đảng và Nhà nước không bao giờ bênh vực dự án phát triển như vậy. Đây là dự án có thể nói đi ngược lại chính sách đường lối của Đảng và Nhà nước, đi ngược lại với sự cố gắng của chúng ta hiện nay là bảo đảm cho người dân có một cuộc sống ổn định, sung túc, ấp no, dần dần cùng đất nước phát triển. Đặc biệt thủ tục thu hồi lô đất này là hoàn toàn trái pháp luật, thậm chí cách hành xử là trà đạp lên cuộc sống của người dân, bất chấp đạo lý, bất chấp, số phận của hàng nghìn con người hiện nay.
Phóng viên: Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Đồng Nai năm 2015, 2016, 2017 đều không có Dự án Khu dân cư theo quy hoạch tại xã Phước Tân do Công ty Thế Giới Nhà làm chủ đầu tư. Khi báo chí vào cuộc xác minh, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai mới đưa ra Văn bản số 06 của Thường trực HĐND Tỉnh chấp thuận bổ sung danh mục dự án cần thu hồi đất, trong đó có dự án này để làm căn cứ thu hồi đất. Quan điểm của Đại biểu như thế nào trước những ý kiến của người dân ?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan giúp việc của Hội đồng nhân dân. Giữa hai kỳ họp hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân sẽ là cơ quan giúp việc và xử lý những vấn đề phát sinh thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân, tức là Nghị quyết của Hội đồng nhân dân như thế nào thì Thường trực Hội đồnh nhân dân tìm ra các biện pháp để thực hiện Nghị quyết đó chứ không phải là ra Nghị quyết mới và có quyền bổ sung vào Nghị quyết đó các chi tiết.
Một chi tiết được bổ sung vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cũng hoàn toàn sai pháp luật. Rất tiếc Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai lại giải thích với tôi là vì người ta phải xử lý những vấn đề phát sinh của hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cho nên Thường trực Hội đồng nhân dân có quyền bổ sung vấn đề này. Đấy là cách cố ý giải thích theo cách có lợi cho hành vi sai trái của mình, cố tình bao biện việc làm sai. Nghị quyết Hội đồng nhân dân có ghi điều luật nào cho phép họ thu hồi khu đất gần 40 héc ta của phường Phước Tân đâu mà làm động tác đó. Cho nên trong trường hợp này, tại sao người ta không dừng lại để báo cáo Hội đồng nhân dân, để Hội đồng nhân dân xem xét mà phải vội vã làm việc này và người dân đặt một dấu hỏi đây là một trong những cái mẹo của doanh nghiệp phối hợp với Ủy ban nhân dân để làm động tác báo cáo với thường trực mà thường trực là ai, là một vài đồng chí, một vài cá nhân cho nên người ta lách dễ. Cách lách này, bản thân đối với người dân còn phát hiện ra nữa là các đại biểu Quốc hội hay những người được đào tạo bài bản về luật pháp.
Phóng viên: Theo Đại biểu, để xảy ra những bất cập trong công tác thu hồi đất tại Ấp Tân Cang như đã đề cập, thì các cơ quan liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu ?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Tôi cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về Thường trực Hội đồng nhân dân là người trực tiếp ra văn bản bổ sung. Người ký và thường trực Hội đồng nhân dân phải là người chịu trách nhiệm cao nhất. Văn bản này cũng không phải Nghị quyết, không phải quyết định, nó chỉ là một văn bản bình thường nhưng lại xét đến 4 dự án đất đai trong đó có dự án 40 héc ta đất của hàng trăm hộ dân. Tôi cho rằng quá tuỳ tiện và Thường trực Hội đồng nhân dân là phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Bên cạnh đó là Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan tham mưu. Ngoài ra là Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng. Đấy là những cơ quan đơn vị trực tiếp. Còn các cơ quan đơn vị gián tiếp, tôi đề nghị phải xem xét cấp Ủy của Đồng Nai. Đảng Bộ tỉnh Đồng Nai, Tỉnh ủy Đồng Nai có biết không, có ý kiến gì về vấn đề này? Hội đồng nhân dân là lãnh đạo tập thể, một tổ chức quyền lực nhà nước ở địa phương theo đúng quy định của pháp luật mà đến khi sự việc đã xảy ra, dân bức xúc mà Hội đồng nhân dân không có bất kỳ một ý kiến nào để chúng ta xem xét lại và khẳng định phải hủy bỏ văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân thì Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai là người chịu trách nhiệm giám sát vấn đề này. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai là cơ quan giám sát của Trung ương, là các đại biểu Quốc hội, tại sao Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai không giám sát vấn đề này?
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Qua diễn biến thực tế và ý kiến của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng có thể thấy, đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước giao đất cho dân sử dụng, khi cần phục vụ quốc phòng an ninh, mục tiêu công cộng thì nhà nước có thể thu hồi. Điều này người sử dụng đất cũng dễ dàng chấp nhận. Nhưng, cái mà người dân chưa đồng tình, gây thắc mắc, khiếu kiện lâu nay chính là những lợi ích mà một số cá nhân có được nhờ "núp bóng" các dự án phát triển kinh tế xã hội để thu hồi đất của dân. Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng sai phạm trong công tác thu hồi đất của người dân đã xảy ra tại một số địa phương trong thời gian qua./.