GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: GIAO THÔNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – ĐIỂM NGHẼN TRONG PHÁT TRIỂN KT-XH

12/08/2019

Giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, nhưng tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 20 triệu người dân, thì việc khai thác hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đúng mức. Cả vùng mới chỉ có hơn 40 km đường cao tốc, trong khi có tới 80% khối lượng hàng hóa của vùng phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu. Đây được nhận định là hạn chế lớn nhất của vùng, gây ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu phát triển bền vững khu vực.

Giao thông ĐBSCL ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội

Là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, với thế mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực của cả nước nhưng đồng bằng sông Cửu Long chưa phát huy được hết thế mạnh của mình. Những năm gần đây, các chỉ số sản xuất kinh doanh được đánh giá là kém hiệu quả hơn so với các vùng trong cả nước, thu ngân sách và đời sống của người dân còn thấp. Trong khi thu nhập của cả nước đạt 48 triệu đồng/người/năm nhưng thu nhập của người dân đồng bằng sông Cửu Long chỉ trên 40 triệu đồng người/năm.

Đường cửa ngõ miền Tây lên Tp.HCM thường xuyên ùn tắc do hạ tầng giao thông ĐBSCL kém phát triển

Một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến đời sống của người dân là do hệ thống hạ tầng giao thông chưa được khai thác đúng mức. Đường sắt hầu như chưa có, còn hệ thống đường bộ thì chưa có sự kết nối thông suốt và chưa đồng bộ. Cả vùng đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh thành phố nhưng mới chỉ có hơn 40km đường cao tốc, trong khi đó có tới 80% khối lượng hàng hóa của vùng này phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu.

Đường thủy được cho là lợi thế của đồng bằng sông Cửu Long, với luồng tuyến giao thông nhiều nhưng phát triển còn manh mún, không đồng cấp về độ sâu. Tuyến đường giao thông huyết mạch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long phải qua kênh Chợ Gạo, nhưng tuyến kênh này vẫn chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng. Hơn nữa cả khu vực không có cảng lớn để trung chuyển hàng, do vậy hàng hóa phải luân chuyển từ cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc ở vùng Đông Nam Bộ nên thời gian vận chuyển dài hơn, giá thành vận chuyển cao hơn kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Thực tiễn thời gian qua liên tục xuất hiện những điểm nghẽn giao thông do phát sinh nhu cầu đi lại lớn hơn năng lực hạ tầng giao thông đã gây ách tắc cục bộ, tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Nhiều đoạn của Quốc lộ 1A qua khu vực này đã xuống cấp, ngập sâu nghiêm trọng mỗi khi thủy triều dâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quy mô còn nhỏ bé, chưa đồng bộ và chưa tạo được sự kết nối liên hoàn, giữa các tỉnh trong khu vực và liên vùng nên khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông và an toàn giao thông còn nhiều bất cập.

Đầu tư hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL chưa đáp ứng nhu cầu phát triển

Nhiều chuyên gia nhận định, với diện tích hơn 4 triệu ha, 20 triệu dân, (chiếm 20% dân số), đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế khi đóng góp 20% GDP của cả nước, song việc đầu tư hạ tầng giao thông so với mặt bằng chung và nhu cầu phát triển của khu vưc vẫn chưa đáp ứng. Bởi lẽ tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng này giai đoạn 2011-2015 mới chỉ chiếm 12,5% và giai đoạn 2016-2020 được đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng, chiếm trên 15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước. Việc đầu tư hạ tầng giao thông hạn chế thì việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển du lịch sẽ đều rất khó khăn, từ đó kéo theo kinh tế xã hội đều ít có cơ hội phát triển.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận: Chính phủ cần có  giải pháp căn cơ, cụ thể và đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông vùng ĐBSCL

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ đã có nhiều chủ trương phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực này nhưng đến nay vẫn còn âm ỉ. Đơn cử, Chính phủ đã quyết định đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nhưng sau 2 năm kể từ khi có chủ trương, dự án này vẫn ì ạch và gần như nằm im tại chỗ dù lượng xe trên quốc lộ Trung Lương - Mỹ Thuận cao nhất cả nước hiện nay. Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, Chính phủ cần có những quyết sách mạnh hơn, giải pháp căn cơ, cụ thể và đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông để sớm giải quyết "điểm nghẽn", thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Ưu tiên các công trình huyết mạch, cấp thiết

Dù được biết đến là vùng kinh tế nông nghiệp xuất khẩu nông sản chủ lực của cả nước, nhưng kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều yếu kém, xuống cấp, chưa kết nối lưu thông đồng bộ. Trong điều kiện hết sức khó khăn về nguồn vốn, làm thế nào để hoàn thành các dự án theo quy hoạch đã triển khai là một bài toán không hề dễ giải. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu về vấn đề này:

Đại biểu Dương Minh Tuấn: Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL ưu tiên các công trình huyết mạch, cấp thiết 

Phóng viên: Thưa đại biểu, giao thông có vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long?

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu: Là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước khi đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công. Tuy nhiên giao thông cả trên đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không của đồng bằng sông Cửu Long thực sự còn hạn chế. Điều này kìm hãm sự phát triển của vùng. Nếu đồng bằng công Cửu Long có hạ tầng giao thông đồng bộ cả trên đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không thì đồng bằng công Cửu Long sẽ có cơ hội phát triển bứt phá thành 1 điểm tập kết, xuất nhập hàng hoá cho khu vực, giảm thiểu chi phí vận tải, chi phí sản xuất, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân.

Phóng viên: Thời gian qua không ít dự án giao thông đã có quyết định đầu tư nhưng vẫn ì ạch, gần như nằm im tại chỗ. Đại biểu có bình luận gì về vấn đề này?

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu: Nhiều năm qua Quốc hội, Chính phủ cũng như các địa phương hết sức quan tâm đến hạ tầng giao thông. Địa phương nào, ngành nào cũng muốn có giao thông thông suốt để lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng của các ngành các cấp thì vẫn còn có một số công trình dự án dù đã có quyết định đầu tư nhưng vẫn còn chậm triển khai. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Điển hình như các dự án giao thông về miền tây mà nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu trong các phiên thảo luận và chất vấn tại kỳ họp thứ 7 vừa qua. Những dự án đang trong quá trình triển khai dở dang rồi lại dừng lại thực sự gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân, ảnh hưởng tới sinh hoạt, đi lại, phát triển kinh tế và kéo theo nhiều hệ lũy khác.

Phóng viên: Theo đại biểu, cần có các giải pháp căn cơ nào để cởi “nút thắt” về giao thông trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long?

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu: Để tháo gỡ nhanh, kịp thời thì đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía các Bộ ngành có liên quan như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính… và chính quyền địa phương các cấp. Song song với thúc đẩy kinh tế xã hội thì phải chú trọng phát triển giao thông, nhất là ưu tiên phát triển giao thông thuộc thế mạnh của địa phương như giao thông thủy, đường bộ. Đồng thời chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giao thông hạ tầng huyết mạch. Đặc biệt ưu tiên các công trình huyết mạch, cấp thiết như tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ưu tiên những dự án hạ tầng giao thông có mức độ sinh lời cao để thu hút doanh nghiệp phát triển kinh tế, thu hút vốn để khi có tiền tiếp tục đầu tư cho những dự án cấp bách. Bên cạnh đó tiếp tục triển khai những dự án đang triển khai.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Vùng đồng bằng sông Cửu Long giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, có tiềm năng phát triển nông nghiệp - thủy sản - công nghiệp - du lịch và dịch vụ. Do đó, để phát huy thế mạnh này, cần có một hệ thống kết cấu hạ tầng giao đồng bộ, hiện đại, bền vững; tăng cường kết nối hệ thống giao thông các tỉnh trong vùng, liên vùng và quốc tế đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực./.

Lê Phương