Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 21/6/2019 Bộ Giao thông vận tải đã có công văn số 5876/BGTVT-CQLXD trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu. Công văn trả lời chất vấn nêu rõ:
1.Từ năm 2015 đến nay, ngành Giao thông vận tải đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng khoảng 218 công trình. Nhìn chung các công trình giao thông hoàn thành đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, một số công trình giao thông đã xuất hiện khiếm khuyết về chất lượng như: Hư hỏng cụ bộ mặt đường dạng “ổ gà” tại Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và một số đoạn tuyến thuộc Dự án mở rộng QL1; nứt đầm ngang trên đỉnh trụ P28, P29 dự án cầu Vàm Cống; nứt tại một số trụ, bản mặt phần cầu cạn gói J2, thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành,…
2.Về nguyên nhân: Nguyên nhân chủ quan dẫn đến hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng tại một số công trình nêu trên là do ý thức và năng lực thi công của một số nhà thầu còn hạn chế, không tuân thủ theo quy định của thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các cam kết hợp đồng xây dựng; nhà thầu còn chậm trễ thực hiện trách nhiệm bảo hành trong việc khắc phục, sửa chữa các hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng công trình; một số đơn vị tư vấn giám sát không thực hiện đầy đủ, chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát quá trình thi công của các nhà thầu; sự yếu kém trong công tác quản lý, điều hành dự án của một số Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án,… Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khác như ảnh hưởng của điều kiện địa chất, thủ văn phức tạp, ảnh hưởng của mưa lũ, biến đổi thời tiết, khí hậu; vướng mắc, cản trở về mặt bằng thi công do người dân khiếu kiện về công tác hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng,…
3.Về trách nhiệm của các bên liên quan:
- Phần lớn các công trình xuất hiện hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng nêu trên thường được phát hiện sau khi đưa công trình vào khai thác một thời gian ngắn và đang trong thời gian bảo hành công trình. Việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, khiếm khuyết thuộc trách nhiệm bảo hành của các nhà thầu theo quy định của hợp đồng xây dựng; các nhà thầu phải chịu mọi chi phí cho việc bảo hành công trình.
- Đối với Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát: Theo quy dịnh của Luật Xây dựng và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình trong quá trình thực hiện đầu tư và kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện bảo hành của nhà thầu thi công xây dựng công trình; các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát chịu trách nhiệm liên quan về chất lượng công trình đối với phần công việc do mình thực hiện.
4.Về một số giải pháp nâng cao chất lượng công trình giao thông:
Công tác quản lý chất lượng xây dựng các công trình giao thông luôn được Bộ Giao thông vận tải đặc biệt quan tâm, là một khâu quan trọng, then chốt trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, cập nhật, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành trong ngành Giao thông vận tải cho phù hợp với các quy định pháp luật và thực tiễn; tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị liên quan về chất lượng công trình giao thông; quản lý chặt chẽ vật liệu xây dựng dùng cho dự án; tăng cường áp dụng công nghệ, vật liệu mới cho các công trình; áp dụng công cụ quản lý mới (mô hình thông tin công trình – BIM, quét dữ liệu công trình 3D, quay chụp không ảnh quản lý tiến độ, chất lượng…); thực hiện nghiêm các quy định, chế tài xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng giao thông hiện hành./.