Dư luận lên tiếng nhiều trạm thu phí đặt sai vị trí
Nhiều năm qua những vấn đề liên quan đến các dự án BOT giao thông vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân, thì BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) luôn được nhắc tới như một trường hợp điển hình. Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/8/2017 nhưng ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân và lái xe. Nhiều lần trạm phải tạm dừng thu phí để tránh ùn tắc. Đáng chú ý là đến nay, trạm BOT Cai Lậy vẫn chưa có phương án giải quyết khả thi.
Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, thành phố Hà Nội, thu phí hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên của tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã vấp phải chịu sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Đỉnh điểm là vào tháng 12/2018, hàng trăm tài xế tập trung phản đối việc thu phí vì cho rằng họ không đi tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên nên không mua vé. Và sau gần 3 tháng, trạm BOT này mới hoạt động trở lại.
Nhiều trạm thu phí BOT khiến dư luận bức xúc
Thời gian gần đây, trạm thu phí BOT T2 đặt trên Quốc lộ 91 (thuộc quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ) tiếp tục làm nóng dư luận và buộc trạm này phải tạm dừng thu phí và liên tục để xả trạm vì các tài xế phản đối, cho rằng phương tiện lưu thông từ tỉnh An Giang đến ngã 3 Lộ Tẻ về Quốc lộ 80 (đi Kiên Giang) hoặc qua cầu Vàm Cống về thành phố Hồ Chí Minh (và ngược lại) chỉ sử dụng khoảng 300m Quốc lộ 91 nhưng phải đóng phí cho toàn tuyến khi qua trạm T2.
Tại tỉnh Bình Định, người dân cũng không khỏi bức xúc khi tổng chiều dài khoảng 200km (tính cả quốc lộ 1A theo hướng Bắc Nam, lẫn quốc lộ 19 theo chiều Đông Tây) nhưng lại "cõng" đến 3 trạm thu phí BOT gồm trạm thu phí BOT Bắc Bình Định ở huyện Hoài Nhơn, trạm BOT Nam Bình Định ở thị xã An Nhơn và Trạm BOT trên quốc lộ 19 Km 49+550. Người dân, doanh nghiệp bày tỏ bất bình về gánh nặng chi phí đi lại ngày càng thêm nặng.
Số liệu thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho biết, đầu năm 2019, đơn vị quản lý 73 trong tổng số 88 trạm BOT giao thông trên cả nước. Trong đó, có 56 trạm đặt trong phạm vi dự án và đảm bảo khoảng cách giữa các trạm phù hợp với quy định. Tuy nhiên, có tới 17 trạm thu phí BOT đường bộ có bất cập về vị trí đặt trạm. Dù thừa nhận nhiều trạm thu phí còn có những bất cập song ngành giao thông vận tải cũng khẳng định khó có thể di dời những trạm BOT này vì vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư.
Dư luận cho rằng: Nguyên nhân một số trạm BOT đặt sai vị trí là do tính hấp dẫn của dự án. Bởi nếu đặt đúng vị trí thì số tiền thu được có thể sẽ ít hơn và thời gian thu phí dài hơn và không thu hút được vốn đầu tư, bên cạnh đó người tham gia giao thông cũng có thể có đường khác để đi, như vậy lưu lượng phương tiện qua các trạm BOT sẽ thấp, thời gian thu phí sẽ kéo dài. Cũng có ý kiến chỉ ra rằng, do việc thiết kế, xây dựng dự án không tính đến tác động đến của người tham gia giao thông- những người trực tiếp phải trả phí, hay nói cách khác là lợi ích của người dân đã không được tính đến ngay từ khi lập dự án.
Thu phí các trạm BOT làm nóng nghị trường Quốc hội
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và trong phiên chất vấn và trả lợi chất vấn, nhiều đại biểu lên tiếng về trách nhiệm cũng như sự chậm trễ của ngành giao thông vận tải trong việc giải quyết những bức xúc của người dân khi trạm BOT đặt “sai vị trí”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng: Những dự án BOT khiến dư luận xã hội lên tiếng trong thời gian qua là do lịch sử để lại khi tận dụng trạm thu phí để thu phí hoàn vốn dự án BOT. Việc tận dụng này giúp tiết kiệm và phù hợp với quy định thời kỳ đó. Để giải quyết toàn bộ bức xúc hiện nay thì chỉ có cách Nhà nước bỏ kinh phí ra để mua lại, bởi các dự án này đều thực hiện theo đúng Nghị quyết 108. Tuy nhiên nguồn lực ngân sách khó khăn chưa thể làm được, do đó vai trò quản lý Nhà nước không phải giải quyết tình trạng mà phải giải quyết cả hệ thống.
Làm rõ ý kiến của các đại biểu về những bức xúc của người dân thời gian gần đây, mà nổi cộm là trạm thu phí BOT T2, Quốc lộ 91 (thuộc quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng cho biết: Vị trí đặt trạm BOT này đã được lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định bức xúc hiện nay liên quan đến nhiều vấn đề. Trước mắt Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo dừng thu phí trạm T2, đồng thời có kế hoạch chuẩn bị khởi công tuyến tránh thành phố Long Xuyên. Khi có tuyến tránh này, mọi vấn đề liên quan tới trạm BOT T2 sẽ được giải quyết ổn thỏa.
BOT đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước
Chủ trương thu hút nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng qua hình thức BOT là đúng đắn, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, những mâu thuẫn đang xảy ra ở các trạm thu phí BOT giữa người tham gia giao thông và chủ đầu tư khai thác các trạm BOT đã và đang ở mức độ đáng báo động, gây bức xúc trong dư luận và gây mất niềm tin trong nhân dân. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội:
Đại biểu Dương Minh Tuấn: Dư luận phản ứng gay gắt về một số trạm thu phí BOT
Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian qua, nhiều trạm thu phí BOT gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía người dân vì cho rằng các trạm này đã đặt sai vị trí. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
- Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Qua tiếp xúc cử tri cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng dư luận cho rằng một số trạm thu phí BOT đặt chưa thật chính xác. Tại những trạm này đã gặp phải những phản ứng gay gắt của người dân và cánh tái xế lái xe buộc nhà đầu tư phải xả trạm. Trên thực tế, tại những vị trí đặt trạm đã gây phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân, làm đời sống của người dân bị ảnh hưởng, người tham gia giao thông cũng bị ảnh hưởng và uy tín của chủ đầu tư cũng giảm nghiêm trọng. Thông thường khi người dân bày tỏ bức xúc ở trạm nào đó, sau một thời gian cơ quan chủ quản cùng nhà đầu tư quyết định giảm giá thu phí cho người dân xung quanh trạm thu phí. Tuy nhiên điều này chỉ mang tính giải tỏa bức xúc tức thời, cục bộ, trên thực tế người dân muốn có giải pháp toàn diện hơn, lâu dài hơn.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh: Để người dân được quyền lựa chọn giao thông
- Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Thực hiện về BOT là chính sách, chủ trương đúng đắn, tuy nhiên đưa người dân vào trong thế phải trả phí BOT và chỉ được chọn lựa duy nhất là phải qua trạm BOT này và không còn con đường nào khác thì người dân cảm thấy chưa thỏa đáng. Ngoài ra, người dân sẵn sàng trả tiền cho chi phí dịch vụ mà mình được hưởng lợi chứ không phải là người dân đòi doanh nghiệp cho không, nhà nước cho không, song vấn đề là phải công khai và có sự thỏa thuận để người dân được quyền lựa chọn, chấp nhận tham gia dịch vụ và chấp nhận trả tiền. Bên cạnh đó cần phải minh bạch trong mức giá. Hiện nay, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang chỉ đạo rất quyết liệt công khai về chi phí của các công trình BOT, tôi thấy chủ trương này là căn cơ và hợp lòng dân.
- Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Việc đặt các trạm thu phí BOT là chủ trương rất là đúng vì hiện nay nhu cầu giao thông khá lớn, ngân sách và điều kiện của chúng ta chưa bảo đảm, đặc biệt là các tuyến giao thông chiến lược như tuyến giao thông tỉnh, tuyến giao thông huyện kể cả cấp xã ở các địa bàn. Tuy nhiên, việc đặt trạm thế nào để vừa đảm bảo công bằng và dung hòa được giữa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và nhà nước sau hàng loạt những bất hợp lý tồn tại hàng chục năm qua là điều cần phải tính toán thật kỹ khi đặt các trạm BOT tiếp theo. Các nước trên thế giới đã làm rất tốt điều này, nếu chúng ta làm có hiệu quả, hài hòa thì chúng ta có nguồn vốn đầu tư lại các công trình khác.
Phóng viên: Thưa đại biểu, cần phải có những giải pháp như thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước trong việc sử dụng và khai thác trạm thu phí BOT?
- Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Hiện nay đang có sự xung đột về lợi ích giữa các bên khi thu phí trạm BOT, do vậy các ngành các cấp, đặc biệt là cơ quan chuyên quản, Tổng Cục Đường bộ trước khi đặt trạm phải kiểm tra, rà soát thật kỹ. Vai trò của ngành chức năng trung ương, địa phương phải nghiên cứu kỹ khi chọn vị trí đặt trạm, phải tính đến chiều sâu và lâu dài. Để làm được việc này, cần phải đặt quyền lợi người dân lên trên hết, cũng như phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để đặt ra phương án thu phí hoàn vốn. Bên cạnh đó thường xuyên quan tâm theo dõi kịp thời, khi dư luận bất bình không đồng tình thì phải kịp thời có hướng xử lý, giải quyết phù hợp.
- Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Khi xem xét để thực hiện các công trình BOT thì phải kiểm tra, thực địa ở địa phương thật kỹ, thậm chí lấy ý kiến của người dân địa phương để khi xây dựng công trình BOT được sự đồng thuận ủng hộ cao. Khi người dân thông hiểu chủ trương chính sách thì người dân mới đồng thuận và tính cộng đồng trách nhiệm mới đạt hiệu quả. Song đối với lĩnh vực giao thông dứt khoáng không nên để vào tình trạng độc đạo bắt người dân phải đóng phí một cách miễn cưỡng và duy nhất chỉ có một con đường, không còn con đường nào khác để lựa chọn đi qua. Chúng ta phải có giải pháp để cho người dân được quyền lựa chọn các dịch vụ mà nhà nước mang lại, khi người ta quyết định sử dụng dịch vụ đó thì đương nhiên người ta phải bỏ tiền ra để trả cho dịch vụ đó. Bên cạnh đó cần sớm triển khai chính sách về việc thu phí tự động và công khai minh bạch hóa tất cả chính sách miễn giảm đối với người dân sống xung quanh trạm.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa: Trạm thu phí BOT đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên
- Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Trước hết làm thế nào xác định được công trình BOT phải công khai, phải đúng với thiết kế đúng với vốn đầu tư. Khi đặt trạm phải phù hợp, đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, nhà đầu tư và các điều kiện về nguồn lực, nhất là sự đồng thuận cao từ phía người dân, bên cạnh đó phải tuyên truyền rõ để người dân hiểu. Một số trạm giao thông thời gian qua chưa phù hợp lắm dù người dân không sử dụng con đường ấy, hoặc chỉ sử dụng 1 đoạn mà phải đóng phí trên toàn tuyến thì rõ ràng là bất hợp lý. Bên cạnh đó phải công khai, minh bạch thì dân sẽ đồng thuận. Thu phí tuyến BOT nào, thì đặt trạm thu phí ngay trên tuyến đó. Ngoài ra, việc xây dựng phần mềm giám sát thu giá BOT tập trung để ngăn chặn gian lận cũng hết sức quan trọng.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các đại biểu!
Phí BOT có tác động trực tiếp đến chi phí của người dân, của các chủ phương tiện lưu thông qua khu vực đặt trạm BOT. Nếu khi đặt trạm BOT các cơ quan chức năng chỉ chú trọng thoả mãn lợi ích kinh tế của chủ đầu tư thì sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, gây bất ổn trong cộng đồng, xã hội. Nếu các trạm thu phí BOT được triển khai đúng đắn và lấy lợi ích của người dân thì chắc chắn không có chuyện dư luận dậy sóng. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có phương án giải quyết tổng thể, thấu tình, đạt lý hài hòa giữa giữa lợi ích của người dân và chủ đầu tư. Có như vậy niềm tin của người dân vào các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông mới được cởi nút thắt. /.