70% số người sau khi uống rượu, bia vẫn tham gia giao thông
Mặc dù có kinh nghiệm 13 năm lái xe nhưng chỉ vì vài chai bia mà lái xe Lê Trung Hiếu đã gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vào đêm ngày 01/5/2019 tại đường hầm Kim Liên, Hà Nội làm chết 2 người. Lái xe gây ra vụ tai nạn này thừa nhận đã uống bia trước khi gây tai nạn, cơ quan chức năng đã đo được nồng độ cồn của lái xe này là 0,751 mg/lít khí thở.
Trưa ngày 11/4 tại Bình Định, khoảng 10 người ngồi trên vỉa hè thì bị xe Lexus 7 chỗ do tài xế Nguyễn Đức Huyện (60 tuổi) lao thẳng vào khiến 4 người chết và 6 người bị thương. Kết quả đo nồng độ cồn với tài xế sau khi gây tai nạn là 0,315 mg/lít khí thở.
Tại đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, khi đến địa phận huyện Văn Bàn, tài xế Nguyễn Tiến Duy lái chiếc Fortuner đã lấn sang làn đối diện rồi đấu đầu với xe chở khách 16 chỗ. Vụ tai nạn khiến 12 người nhập viện, trong đó ba người tử vong và ba người khác bị thương nặng. Cơ quan chức năng kiểm tra nồng độ cồn trong máu của hai tài xế xe Fortuner và xe 16 chỗ đều vượt mức cho phép.
Tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu bia gia tăng là vấn đề đề nhức nhối trong xã hội
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, trong 3 năm gần đây, đã có hơn 512.000 trường hợp người điều khiển phương tiện bị lực lượng cảnh sát giao thông ở các địa phương xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Không chỉ gây tai nạn giao thông, việc sử dụng quá nhiều rượu, bia cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ đánh nhau, án mạng, các vụ bạo lực gia đình và hàng chục loại bệnh nguy hiểm như ung thư gan, chảy máu dạ dày…
Kết quả nghiên cứu độc lập ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu, bia đến hành vi điều khiển mô-tô, xe máy tại Việt Nam do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) tiến hành cho thấy, có tới 70% số người sau khi uống rượu, bia tại các nhà hàng vẫn tiếp tục tự lái xe, với tỷ lệ vi phạm các quy tắc an toàn giao thông rất cao.
Còn theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là quốc gia luôn có mặt ở Top đầu thế giới về số người chết do tai nạn giao thông cũng như vấn đề sử dụng rượu bia.
Thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông - Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Trung bình mỗi năm khoảng 2,7 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu, khoảng 20 người chết do tai nạn giao thông mỗi ngày.
Những con số thống kê vừa nêu làm chúng ta không khỏi giật mình. Vì rượu bia và tai nạn giao thông dường như có liên quan mật thiết với nhau. Bởi suy cho cùng, những vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia cũng chính là lỗi thuộc về ý thức của người điều khiển phương tiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
Tại phiên họp 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến các kỳ họp Quốc hội, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng là nhóm vấn đề được đông đảo cử tri gửi đến Quốc hội. Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần đưa nội dung này vào Chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, nhằm đánh giá đúng thực trạng cũng như đề xuất giải pháp hiệu quả.
Mặc dù quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, theo đó nghiêm cấm người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, phòng, chống vi phạm nồng độ cồn hiệu quả chưa cao do thói quen uống rượu bia của người dân vẫn diễn ra khá phổ biến.
Sẽ cấm triệt để uống rượu bia trước và trong khi lái xe
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó “cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông”. Như vậy, thay vì cho phép người tham gia giao thông có nồng độ cồn không vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở, thì với quy định mới trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, sẽ cấm triệt để uống rượu bia trước và trong khi lái xe. Hy vọng, với những quy định mới trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực vào năm 2020 thì tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông sẽ được kéo giảm đáng kể.
Đại biểu Đào Thanh Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng người dân uống rượu bia khi tham gia giao thông diễn ra phổ biến là do công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật của chúng ta còn hạn chế nhất định nên ý thức của người lái xe còn kém. Với một lái xe ở Việt Nam khi ra nước ngoài thì họ chấp hành tốt, nhưng khi trở về thì lại không chấp hành. Một phần do chế tài xử phạt ở Việt Nam còn thấp, đây là nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng lái xe sử dụng rượu bia, đại biểu Đào Thanh Hải nói.
Đại biểu Đào Thanh Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng công tác tuyên truyền hiểu quả hơn để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Có nhiều ý kiến cho rằng, trong thời điểm hiện tại, để ngăn chăn tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông khi nhận thức chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi thì việc sử dụng những biện pháp cưỡng chế đặc biệt nghiêm khắc là cần thiết. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, đã áp dụng hình thức phạt tù giam, tịch thu phương tiện với người lái xe sau khi uống rượu. Nếu lái xe là người nước ngoài vi phạm, thậm chí bị trục xuất. Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc, người điều khiển phương tiện mới không dám vi phạm. Lực lượng thực thi công vụ, xử phạt cũng phải nghiêm túc, không được phép nể nang hay "thông cảm có điều kiện". Một số thành phố lớn ở các quốc gia tiến bộ cũng chỉ cho phép bán rượu bia trong một số khung giờ nhất định, không bán cho người dưới 18 tuổi. Ðây cũng là một kinh nghiệm hay để các cơ quan quản lý của Việt Nam tham khảo, vận dụng phù hợp.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về nguyên nhân cũng như giải pháp ngăn chặn tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận tình trạng tai nạn do sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đang gia tăng và khó kiểm soát. Hiện nay, ngành công an sử dụng biện pháp đo nồng độ cồn của lái xe, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn.
Về trách nhiệm của lực lượng công an trong quản lý tai nạn giao thông và quản lý các đối tượng có chất kích thích khi tham gia giao thông, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay lực lượng công an giao thông được giao nhiệm vụ để tuần tra, kiểm sát đảm bảo an toàn trên đường, nhưng việc tổ chức giao thông và cơ chế để quản lý chưa có hiệu lực, hiệu quả như mong muốn. Bởi, hiện nay rất nhiều loại tội phạm diễn ra trên xã hội, trên mặt đường cụ thể trên đường giao thông, từ tội phạm về đâm chém, giết người, tội phạm về vận chuyển hàng lậu đều diễn ra trên mặt đường. Nếu chúng ta điều chỉnh những hoạt động này chỉ bằng Luật Giao thông đường bộ thì không có hiệu quả, hiệu lực. Trong khi đó lực lượng công an chỉ được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, nên khó có thể trấn áp và ngăn chặn được các loại tội phạm trên đường giao thông. Do vậy, sắp tới Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị tổng kết chuyên đề này để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật về trật tư, an toàn giao thông, trong đó tăng các chế tài xử phạt, để đảm bảo an toàn giao thông.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa.
Qua phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an cho thấy quyết tâm của ngành trong việc ngăn chặn tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt hiện nay, các quy định xử phạt lái xe uống rượu bia được sửa đổi bổ sung theo hướng xử lý nghiêm khắc, thậm chí đề xuất xử lý hình sự đối với lái xe say rượu bia, kể cả chưa gây tai nạn nhằm răn đe, ngăn chặn hậu quả. Tuy nhiên, pháp luật sẽ không có hiệu lực, hiệu quả nếu các chế tài xử phạt chỉ được tăng trên văn bản mà không được áp dụng một cách nghiêm túc, và rốt ráo trong thực tế. Và chế tài càng cao đồng nghĩa với quyền lực của những người chấp pháp càng lớn. Nhưng nếu tăng chế tài, mà không có giải pháp kiểm soát việc thực thi công vụ của cán bộ, thì chế tài sẽ trở thành công cụ để lực lượng chức năng thực hiện các hành vi tiêu cực. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, qua đó giúp thay đổi hành vi. Đó mới là mục tiêu cao nhất của hình thức xử phạt.
Vậy những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đưa ra có phù hợp, hiệu quả trên thực tiễn, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn đại biểu Phạm Văn Hòa về nội dung này:
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.
Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Thưa đại biểu, được biết trong biết trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội tường kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an. Cụ thể nội dung đại biểu chất vấn được tập trung vào khía cạnh nào?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Thời gian gần đây tình trạng tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích, đặc biệt là ma túy, lái xe không an toàn trên đường phố, xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, gây cảnh tan cửa nát nhà của người bị nạn. Đây là vấn đề cử tri rất bức xúc và mong muốn đại biểu mang tiếng nói của cử tri đến Bộ trưởng Bộ Công an, làm sao có biện pháp phòng ngừa. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề cần trao đối với Bộ Công an làm sao có biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu nhất, để tình trạng này giảm đến mức thấp nhất. Đồng thời, có biện pháp nghiêm khắc đối với đối tượng uống rượu bia gây tai nạn giao thông.
Phóng viên: Xuất phát từ lý do hay thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về vấn đề nêu trên?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Bộ trưởng Bộ Công an đã đề ra những giải pháp tôi thấy rất hài lòng, trong đó có nhiều giải pháp rất hữu hiệu, đó là làm sao ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm của lái xe, đó là trách nhiệm của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông. Thường xuyên tuần tra trên đường phố, bắt tạm dừng đối với những đối tượng nghi ngờ có hiện tượng sử dụng chất kích thích để thử độ cồn và thử chất kích thích để ngăn ngừa. Mặt khác, khi xảy ra sự việc đó thì phải có xử lý nghiêm minh, thích đáng đối với đối tượng gây tai nạn mà có sử dụng chất kích thích. Ngoài ra, Bộ trưởng có đưa ra một số giải pháp, nhất là phối hợp với đoàn thể chính trị, đoàn thanh niên, mặt trận, chính quyền địa phương, Bộ Giao thông….để giáo dục cho những đối tượng này khi tham gia giao thông, không được sử dụng rượu bia.
Phóng viên: Sau khi nhận nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời trước nghị trường Quốc hội. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi nghĩ Bộ trưởng đề ra những giải pháp ngăn ngừa để hạn chế tài xế sử dụng chất kích thích, trong đó theo tôi biện pháp cốt lõi là giáo dục của gia đình, giáo dục ý thức của người tham gia giao thông được ưu tiên hàng đầu. Nếu xảy ra tai nạn nghiêm trọng mà sử dụng chất kích thích thì phải xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa, chứ không nên xử phạt theo hướng lỗi vô tình. Mặt khác, một trong những giải pháp quan trọng là trách nhiệm, vai trò của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tham gia ngăn ngừa, phòng ngừa hành vi vi phạm. Ngoài ra, đường phố cũng phải sửa chữa, nâng cấp, còn các phương tiện giao thông thì thường xuyên kiểm tra chất lượng, sự an toàn của xe khi lưu thông…
Phóng viên: Theo đại biểu, trong những giải pháp Bộ Công an đưa ra, đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này và đại biểu có đề xuất gì với Bộ Công an?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi nghĩ rằng những tài xế phải có ý thức khi đã uống rượu bia thì không được lái xe, và khi lái xe thì không được quyền sử dụng chất kích thích, đặc biệt là ma túy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng khi lưu thông trên đường phố. Nếu có chất kích thích mà không gây tai nạn cho người khác nhưng cũng có trường hơp tự mình điều khiển xe gây tai nạn cho bản thân mình. Đặc biệt, trong trường hợp uống rượu bia mà gây tai nạn thì tôi cho rằng đây là tội giết người, chứ không phải xét xử bình thường giống như những vụ tai nạn giao thông xảy ra do khách quan, mà cần có biện pháp xử phạt nghiêm hơn, như vậy khả năng mới giảm thấp nhất tình trạng sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!