ĐBQH BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM VỚI TINH THẦN THẲNG THẮN, KHÁCH QUAN VÀ CÔNG TÂM NHẤT

24/10/2018

Một nội dung rất quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đó là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Bên lề kỳ họp, phóng viên Cổng thông tin điện tử ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: Hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm đó chính là khẳng định được uy tín và nỗ lực hoàn thành tốt công việc của những đại biểu được tín nhiệm. Còn những đại biểu có tín nhiệm thấp sẽ phải có những chương trình hành động cụ thể khắc phục được điểm bất cập, hạn chế của mình trong trong các lĩnh vực phụ trách. Việc lấy phiếu tín nhiệm kỳ này đã cung cấp sớm cho các đại biểu Quốc hội những báo cáo đánh giá thực hiện nhiệm vụ của các đại biểu từ đầu nhiệm kỳ tới nay  để có cơ sở cho Quốc hội đánh giá, nhận xét.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu TP. HCM

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM: Trong Kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu lấy phiếu tín nhiệm đối với các lãnh đạo, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Qua lần lấy phiếu tín nhiệm này đã thể hiện năng lực, đóng góp của từng thành viên Chính phủ. Có những Bộ trưởng khi lấy phiếu ở kỳ thứ nhất thấp, sau đó phấn đấu hoàn thành rất tốt xuất sắc nhiệm vụ được giao thì phiếu đánh giá đạt rất cao. Chính vì vậy, phiếu đánh giá năng lực, tín nhiệm giúp cho các đại biểu làm việc tốt hơn và đánh giá được kết quả hoạt động đóng góp. Tôi tin rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp này sẽ thể hiện được kết quả mong muốn giống như kết quả tình hình phát triển kinh tế, xã họi của nước ta trong nửa nhiệm kỳ qua.

Đại biểu Bùi Văn Cường, Đoàn đại biểu tỉnh Gia Lai

Đại biểu Bùi Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Có thể nói chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là chủ trường rất đúng của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó với trách nhiệm là đại biểu nhân dân, được nhân dân tín nhận bầu ra có chức năng giám sát chức danh các cơ quan nhà nước. Từ đó làm đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch hơn, vững mạnh hơn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là những lời hứa trước nhân dân, trước Quốc hội, cử tri sẽ được các đại biểu đánh giá.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, các đại biểu Quốc hội đã có sự chuẩn bị để bỏ phiếu tín nhiệm đối với những đại biểu thực sự công tâm khách quan, vô tư, trung thực để không ảnh hưởng đến những vị trí đại biểu chúng tôi đã bầu ra. Các đại biểu Quốc hội sẽ dánh giá các thành viên được lấy phiếu tín nhiệm dựa trên cơ sở các hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến nay về những vấn đề được cử tri quan tâm, được Quốc hội xem xét đã được hồi đáp ra sao, đã làm được gì và chưa làm được gì… Ngoài ra, đó còn là một kênh thông tin giúp các đại biểu đánh giá được mức độ tín nhiệm qua ý kiến của đông đảo các cử tri trên cả nước. Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu tin nhiệm với tinh thần thẳng thắn, khách quan và công tâm nhất.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu tỉnh Bình Phước

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Trong quá trình đánh giá kinh nghiệm này cũng là giám sát cao đối với các cá nhân giữ vị trí công tác. Bỏ phiếu tín nhiệm lần này để các cá nhân phải nỗ lực nhiều hơn trong công tác đề ra những hoạch định chính sách để khắc phục những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực điều hành của mình./.

 

 

Mai Trang