Toàn cảnh buổi làm việc
Nhiều hình thức đổi mới trong công tác tiếp công dân
Theo Phó Trưởng ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương, do tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, số vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, đông người có xu hướng gia tăng; số lượt công dân đến địa điểm tiếp công dân của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tăng 49,55% số lượt và tổng số đơn, thư gửi đến Quốc hội tăng 1,1% so với cùng kỳ. Tổng số các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH đã tiếp 12.540 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 7.493 vụ việc (tăng so với cùng kỳ năm trước 4.512 lượt người và 4.121 vụ việc).
Trong đó, Ban Dân nguyện đã tổ chức tiếp 1.167 lượt người về 1.024 vụ việc và có 37 đoàn đông người. So với cùng kỳ, giảm 18,42% số lượt và giảm 16,11% số vụ việc, nhưng số đoàn đông người tăng lên 48%. Các Đoàn ĐBQH, ĐBQH đã tiếp 11.373 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về 6.469 vụ việc, trong đó có 319 lượt đoàn đông người. So với kỳ trước, tăng 71,12% số lượt người và 21,75% số đoàn đông người.
Đơn thư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hành chính và tư pháp. Nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu về lĩnh vực đất đai, liên quan đến thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ; về ô nhiễm môi trường; về chế độ bảo hiểm xã hội, chính sách người có công, bình xét hộ nghèo; chuyển đổi mô hình chợ; các hành vi vi phạm trong quản lý đất đai; vi phạm nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính; đầu tư xây dựng; về các chung cư mới được xây dựng; về sách giáo khoa, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018. Các đơn thư gửi đến chủ yếu đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, khiếu nại về thi hành án trong các vụ việc tranh chấp nhà đất, vay nợ, thừa kế. Đơn kêu oan; tố cáo sai phạm của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra bao che tội phạm; tố giác tội phạm, tố cáo, kiến nghị xử lý hành vi tham nhũng…
Qua tiếp công dân, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH đã có công văn chuyển khoảng 38% vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; 12% vụ việc có văn bản hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; số vụ việc còn lại đã giải thích, rút đơn khiếu nại, tố cáo do không có cơ sở hoặc giải thích để công dân chờ kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền; vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật.
Nhìn chung, công tác tiếp công dân được các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH quan tâm, số lượng tiếp nhiều hơn, có nhiều hình thức đổi mới như một số Đoàn ĐBQH đã chủ động mời lãnh đạo các cơ quan có liên quan ở địa phương cùng tham gia buổi tiếp công dân của để kịp thời tiếp thu, xử lý những vấn đề liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; kịp thời nghiên cứu, xử lý đơn chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; chủ động giải thích, vận động để người dân chấp hành pháp luật.
Có sáng tạo trong công tác xử lý đơn thư
Ban Dân nguyện cũng đánh giá: công tác tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo thời gian qua cũng đã được Quốc hội tiếp tục quan tâm; các cơ quan đã xử lý nhiều đơn và chuyển nhiều đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết như: Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp Luật, Ban Dân nguyện; một số Đoàn ĐBQH như: An Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Phước, Đà Nẵng, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nam, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Thọ, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái …đã xử lý 100% số đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã tiếp nhận, không để tồn đọng.
Phó Trưởng ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương phát biểu tại buổi làm việc
Trong quá trình xử lý đơn thư, một số Đoàn ĐBQH, ĐBQH đã vận dụng cách làm sáng tạo như: tham gia các cuộc làm việc, đối thoại với công dân do UBND tỉnh chủ trì; chủ động làm việc trực tiếp với các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết hoặc cử công chức Văn phòng đi khảo sát thực tế, xác minh, thu thập thông tin để có thêm căn cứ chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết; xây dựng quy chế phối hợp với Hội Luật gia tỉnh trong việc tư vấn pháp luật khi Đoàn ĐBQH tổ chức tiếp công dân và xử lý đơn thư. Một số đại biểu khi nghiên cứu đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp hồ sơ và báo cáo về quá trình giải quyết hoặc tổ chức làm việc trực tiếp nghe, trao đổi về một số vụ việc cụ thể.
Qua công tác xử lý, nghiên cứu, chuyển đơn, theo dõi và đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH phát hiện ra những vấn đề còn bất cập, chưa hợp lý, kịp thời kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết. Số lượng đơn, thư của công dân được chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tuy giảm hơn so với cùng kỳ (giảm 170 văn bản) nhưng số văn bản trả lời về việc giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền có tăng hơn, song tỷ lệ chưa trả lời còn cao (chiếm 39,36%).
Nâng cao hơn nữa hiệu quả tiếp công dân và xử lý đơn thư
Tuy nhiên, công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo hiện chủ yếu vẫn là nghiên cứu, phân loại, chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; nhiều trường hợp chưa nghiên cứu kỹ đơn và tài liệu kèm theo, việc chuyển đơn còn hình thức; việc theo dõi, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết chưa thường xuyên.
Đa số các ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian dành cho công tác tiếp công dân, nghiên cứu chuyên sâu để xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được nhiều. Các thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo do công dân cung cấp thường không đầy đủ gây khó khăn cho ĐBQH khi tiếp công dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân còn hạn chế.
Từ thực tiễn này, Ban Dân nguyện đề nghị các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư gửi đến Quốc hội; chỉ đạo việc cập nhật cơ sở dữ liệu lên hệ thống khi phần mềm quản lý về tiếp công dân, xử lý đơn thư dùng chung cho các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH được hoàn thiện.Trên cơ sở Tổng kết các nghị quyết 228, 694 và 759 của UBTVQH, ban hành Nghị quyết mới thống nhất quy trình, trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, theo dõi, đôn đốc và giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử đối với việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả tiếp công dân và xử lý đơn thư trong thời gian tới, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân hơn nữa; nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp gắn với thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, thiếu trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm củng cố mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ khẩn trương xây dựng tiêu chí báo cáo, phân loại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, ngành; trong đó cần thống kê rõ, đầy đủ số liệu về số kỳ tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch các cấp, thủ trường các ngành, số kỳ ủy quyền cho cấp phó; tiếp công dân đột xuất và đối thoại khi giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định và thống kê hàng năm, đồng thời làm cơ sở cho việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại trong thời gian tới.