KẾT LUẬN PHIÊN HỌP THỨ 42 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

20/02/2020

Ngày 10 và ngày 11/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 42 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để xem xét một số nội dung và thông qua 06 Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 3480/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.

Thông báo của Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, về việc ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul, việc chuẩn bị cho năm Chủ tịch AIPA 2020, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 06 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, thành phố Cần Thơ và thành phố Hà Nội, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đổi tên đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Cao Bằng.

Bổ sung đánh giá tác động đối với chính sách được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này để khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng bổ sung làm rõ thực trạng thi hành pháp luật, các bất cập, vướng mắc, căn cứ đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung của dự thảo Luật và bổ sung đánh giá tác động chi tiết, cụ thể hơn đối với từng chính sách được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật; bảo đảm việc sửa đổi có cơ sở thực tiễn, khoa học và chỉ sửa đổi những nội dung đã rõ, được tổng kết, đánh giá đầy đủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý một số nội dung:

Một là, tán thành việc nghiên cứu nâng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực nhưng cần cân nhắc kỹ, làm rõ các yêu cầu nêu trên; rà soát việc sửa đổi, bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.  

Hai là, quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện của từng chức danh với giá trị nhất định, phù hợp, không nhất thiết phải tương thích với thẩm quyền phạt tiền trong mọi trường hợp.

Ba là, quy định rõ hơn về điều kiện, yêu cầu để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật đối với việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện hành vi vi phạm hành chính. 

Bốn là, quy định “ngừng cung cấp điện, nước” là biện pháp ngăn chặn và biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ đối với các trường hợp vi phạm hành chính mà trong đó điện, nước là điều kiện để thực hiện hành vi vi phạm. Không quy định biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” vì không phù hợp với tính chất của biện pháp này và không tương xứng với nghĩa vụ phải thi hành.

Năm là, về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cần rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với các quy định của Bộ luật Hình sự. Đối với đối tượng là người nghiện ma túy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đầy đủ việc quản lý người nghiện ma túy trong thời gian vừa qua để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng bộ với quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện cũng đang được nghiên cứu sửa đổi.

Giữ hai phương án về tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để xin ý kiến

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều như đã trình Quốc hội và 09 nội dung dự kiến tiếp thu đã nêu trong Báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến tham gia của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan để chỉnh lý dự thảo Luật và thực hiện các bước tiếp theo, kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020). Trong đó, lưu ý một số vấn đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Một là, về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tiếp tục nêu hai phương án để thảo luận, xin ý kiến.

Phương án 1: Quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội, trong đó nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định (khoảng 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín có thể tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội.

Phương án 2: Giữ quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.  

Hai là, về Đoàn đại biểu Quốc hội, tiếp tục xác định Đoàn đại biểu Quốc hội là hình thức tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu ở địa phương để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Đoàn đại biểu Quốc hội không phải là cơ quan của Quốc hội. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội do ngân sách trung ương bảo đảm; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hoạt động cho bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thành tổng kết việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành một Văn phòng chung, trong đó thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ về phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 02/2020.

Ba là, về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, tiếp tục nêu 02 phương án để thảo luận, xin ý kiến.

Phương án 1: Giữ như quy định hiện hành, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gồm: Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách và các Ủy viên khác nhưng mở rộng cơ cấu của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và Ủy viên Chuyên trách.

Phương án 2: Quy định Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gồm: Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên; còn việc xác định bộ phận Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban để hoạt động chuyên trách, thường xuyên tại Hội đồng, Ủy ban sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Về chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng, qua thảo luận còn có ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến tán thành việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội; có ý kiến còn băn khoăn về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đồng thời cho biết, Đảng đoàn Quốc hội sẽ bố trí một phiên họp để thảo luận kỹ hơn các đề án về bộ máy giúp việc của Quốc hội và các vấn đề liên quan nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nhất trí với việc ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul

Về việc ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc ban hành Nghị định của Chính phủ để nội luật hóa Công ước Istanbul mà Việt Nam đã tham gia. 

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý một số vấn đề.

Theo đó, các Nghị định của Chính phủ ban hành phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ trong trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, các nội dung khác Chính phủ thực hiện ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để cải cách thủ tục hành chính, không làm kéo dài thời gian ban hành văn bản.

Về quy định bảo đảm hàng hóa tạm quản và thời hạn tạm quản hàng hóa, đây là những nội dung được quy định tại Công ước Istanbul mà Việt Nam đã ký kết. Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Điều ước quốc tế và khoản 5 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nếu có sự khác nhau giữa Điều ước quốc tế và pháp luật trong nước thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về việc ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của Chính phủ về thu phí cấp sổ tạm quản ATA là một loại phí hải quan nằm trong danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Việc giao cơ quan cấp sổ và thu phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách tại Báo cáo thẩm tra số 1861/BC-UBTCNS14 ngày 10/02/2020 để hoàn thiện văn bản trước khi ban hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện của 06 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ, các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và ý kiến của các cơ quan có liên quan về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 06 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ và Cao Bằng; đồng thời, quyết định việc thành lập, giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân ở một số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Cao Bằng theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính, bảo đảm các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp kịp thời tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp theo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ và Cao Bằng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động việc thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh biên giới, trật tự, an toàn xã hội và sự đoàn kết, thống nhất trong cán bộ, Nhân dân trên địa bàn đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp; chú trọng phát triển mọi mặt về kinh tế-xã hội để ổn định đời sống của Nhân dân; bố trí sắp xếp và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.   

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện của 06 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng kết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương để có biện pháp tháo gỡ, khắc phục và có kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện kết luận, nghị quyết của phiên họp./.

Bảo Yến

Các bài viết khác