TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN XÂY DỰNG QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ

13/04/2022

Sáng ngày 13/4, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử. Dự phiên họp có các Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đề án, các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án cùng lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

 

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 19/10/2018 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã Nghị quyết số 588/NQ-UBTVQH14 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử. Ngày 10/02/2022 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH15 kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử. Phiên họp này được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá những hoạt động của Ban chỉ đạo trong thời gian vừa qua, xác định một số nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, tiếp thu xin ý kiến để hoàn thiện kế hoạch để vận hành, xây dựng quy chế làm việc để Ban chỉ đạo hoạt động đúng vai trò, nhiệm vụ được giao.

Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội nêu rõ, để xây dựng Quốc hội điện tử, Quốc hội cần áp dụng công nghệ, kiến thức và các tiêu chuẩn trong quy trình thủ tục làm việc, mang lại giá trị của sự hợp tác, hòa nhập, tham gia cởi mở với người dân. Theo đó, Đề án cần triển khai các công việc cụ thể gồm xây dựng hạ tầng thông tin; các cơ sở dữ liệu; các ứng dụng phục vụ cho Quốc hội, Đại biểu Quốc hội và người dân; các ứng dụng tương tác với công chúng, với nhân dân.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Về hạ tầng công nghệ thông tin, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần xây dựng hệ thống máy chủ, hệ thống máy tính cá nhân cho các đại biểu, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng mạng nội bộ, đường kết nối internet, các hệ điều hành, các phần mềm, bổ sung đầy đủ trung tâm dữ liệu, liên thông văn bản của Quốc hội với Trục văn bản Quốc gia, đảm bảo an ninh thông tin trong hệ thống.

Về cơ sở dữ liệu, cần xây dựng hoàn thiện 2 loại cơ sở dữ liệu: cơ sở dữ liệu tạo ra trong quá trình hoạt động của Quốc hội, cơ sở dữ liệu phục vụ tri thức, kiến thức cho đại biểu Quốc hội.

Về các ứng dụng phục vụ cho các đại biểu, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng ứng dụng về các dự thảo luật, ứng dụng theo dõi trực tiếp các phiên họp, ứng dụng của thư viện Quốc hội, ứng dụng của cơ quan nghiên cứu lập pháp. Đối với các ứng dụng phục vụ người dân, cần xây dựng hoàn thiện và vận hành hiệu quả ứng dụng thông tin đại biểu, ứng dụng Truyền hình Quốc hội, ứng dụng tham quan Nhà Quốc hội, nhằm gia tăng tương tác cử tri với đại biểu, giúp cử tri tiếp cận gần hơn với các hoạt động của Quốc hội.

Trình bày báo cáo việc xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử, Phó Giám đốc Trung tâm tin học Nguyễn Đại Vũ cho biết, Ban Chỉ đạo đề án đã thuê tư vấn xây dựng Đề án Quốc hội điện tử, triển khai các hệ thống ứng dụng, triển khai hạ tầng và thiết bị Công nghệ thông tin. Qua đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tại các cơ quan của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIV, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng từng ngày càng tốt hơn yêu cầu khai thác và trao đổi thông tin phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, hạ tầng và năng lực về công nghệ thông tin của Văn phòng Quốc hội mới chỉ đáp ứng tạm thời các nhu cầu trước mắt. Các hoạt động của Quốc hội có đặc thù riêng đặc trưng riêng, vì vậy khi xác định nhu cầu và xây dựng yêu cầu về Quốc hội điện tử cần có sự tham gia xây dựng và góp ý của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các vụ của Văn phòng Quốc hội.

Phó Giám đốc Trung tâm tin học Nguyễn Đại Vũ trình bày báo cáo

Đối với phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm tin học nhấn mạnh cần hoàn thiện, xây dựng và ban hành Khung kiến trúc Quốc hội điện tử, tạo cơ sở cho việc đầu tư phát triển Quốc hội điện tử được đồng bộ, không bị chồng lấn, lãng phí, đặc biệt là việc đầu tư mở rộng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn.

Cùng với đó, cần xây dựng mới hệ thống phần mềm Quản lý và điều hành văn bản điện tử và kết nối liên thông văn bản quốc gia hỗ trợ công tác quản lý điều hành; xây dựng các cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng hỗ trợ công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, hỗ trợ tiếp nhận và phản hồi kiến nghị, khiếu nại của cử tri; xây dựng hệ thống thông tin nội bộ Intranet của Văn phòng Quốc hội nhằm tạo lập một môi trường làm việc điện tử và tích hợp các cơ sở dữ liệu thành kho dữ liệu dùng chung của Văn phòng Quốc hội.

Ngoài ra, theo Phó Giám đốc Trung tâm tin học, cần triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; tiếp tục hợp tác với các công ty cung cấp giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin để tìm hiểu giải pháp công nghệ, sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng của Văn phòng Quốc hội để phục vụ có hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Trao đổi tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng việc xây dựng Quốc hội điện tử là yêu cầu cấp thiết, cần được triển khai khẩn trương và đồng bộ. Một số ý kiến cho rằng cần xác định rõ nguồn lực huy động, cần có sự vào cuộc của đội ngũ chuyên gia và các đơn vị hàng đầu về công nghệ thông tin để triển khai có hiệu quả việc xây dựng Quốc hội điện tử.

Các đại biểu tham gia thảo luận ý kiến tại phiên họp

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin cho người sử dụng, đồng thời, cần nâng cấp, đảm bảo hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội được đồng bộ. Một số đại biểu khẳng định việc xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung là hết sức cần thiết, cùng với đó cần nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, nhận dạng giọng nói, Bảo tàng số, Thư viện số… để nâng cao hiệu quả các hoạt động của Quốc hội.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh cần có lộ trình cụ thể, xác định rõ ràng mục tiêu trong từng giai đoạn, đặt ra từng thời hạn cho các nhiệm vụ, để triển khai dần từng bước, giúp đề án đạt được hiệu quả thực tế.

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án, đồng thời cho rằng cần xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo trong giai đoạn 2022-2025, trong đó xác định rõ mục tiêu, lộ trình, chỉ tiêu phấn đấu qua từng giai đoạn, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân. Đồng thời cần nghiên cứu mô hình Quốc hội điện tử ở một số nước tiên tiến để học tập kinh nghiệm, qua đó đảm bảo việc thực hiện Đề án đạt được mục đích yêu cầu đề ra, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri về một Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần đảm bảo đồng bộ trong hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin của Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đề nghị bồi dưỡng, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho người sử dụng

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Nguyễn Duy Tiến cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.

Minh Hùng - Nghĩa Đức

Các bài viết khác