Toàn cảnh Tọa đàm
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản, Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene đồng chủ trì Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID); đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và một số Bộ, ngành hữu quan; các chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực này.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản cho biết, Việt Nam luôn quan tâm đến đa dạng sinh học, đặc biệt là những loài nguy cấp, đe dọa đến hệ sinh thái, nền kinh tế đất nước. Việc nhìn nhận, đánh giá những hạn chế của quy định của pháp luật và thực trạng tội phạm liên quan đến động vật hoang dã thời gian qua đã có tiến bộ và được quan tâm thể hiện qua việc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, những quy định mới được ban hành nhằm bảo vệ động vật hoang dã. Gần đây nhất, ngày 28/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thỉ số 05 về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trong đó có nội dung yêu cầu cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam nhằm phòng, chống dịch bệnh.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản mong muốn, ngoài các nội dung chính đã thể hiện trong các tham luận, tại Tọa đàm sẽ còn có những trao đổi, thảo luận và chia sẻ bài học kinh nghiệm của một số nước trong khu vực, gần gũi với Việt Nam chúng ta để có được kinh nghiệm quý báu hỗ trợ cho quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách bảo tồn, bảo vệ động thực vật hoang dã ở Việt Nam hiện nay. Từ kết quả Tọa đàm hôm nay, kết hợp với cuộc Tọa đàm năm 2019, Văn phòng Quốc hội sẽ tổng hợp, biên soạn thành bộ tài liệu tham khảo để cung cấp thông tin phục vụ các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội trong hoạt động của mình.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản phát biểu khai mạc
Giám đốc USAID Việt Nam cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và ủng hộ các sáng kiến hay và sáng tạo nhằm đấu tranh chống lại tội phạm về động vật hoang dã cũng như giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Tọa đàm này sẽ là bước đệm để những quyết tâm chính trị sẽ được hiện thực hóa thành hành động cụ thể của mọi cấp chính quyền.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm từ Trung Quốc, Úc và một số nước trong việc xây dựng chính sách bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã; phương thức tuyên truyền hiệu quả, cụ thể là định hướng một chiến lược tuyên truyền mang tính quốc gia, tập trung vào đối tượng người sử dụng. Đây được coi là phương thức sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, giảm thiểu và hướng tới chấm dứt nhu cầu sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã.
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm
Đồng thời các đại biểu, các chuyên gia đã thảo luận, chia sẻ về thực tiễn chính sách, pháp luật và hiệu quả thực thi pháp luật về bảo tồn, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam hiện nay; điểm mạnh, những hạn chế, tính phù hợp, đầy đủ, khách quan, tính khả thi của chính sách, pháp luật; khả năng áp dụng kinh nghiệm từ nước ngoài; những thách thức mà Việt Nam gặp phải trong công tác quản lý, bảo tồn, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã nguy cấp; đảm bảo việc tuân thủ các quy định quốc tế về bảo vệ đa dạng sinh học và thiên nhiên hoang dã; yếu tố chi phối và đề xuất giải pháp trong xây dựng chính sách bảo vệ động, thực vật hoang dã phù hợp của Việt Nam.
Qua thảo luận, một số đại biểu chỉ ra ra rằng, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả nhằm tăng cường bảo tồn, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã. Điều này thể hiện qua việc chúng ta đã từng bước nội luật hóa và ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài động thực vật hoang dã như: Luật đa dạng sinh học năm 2008; Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, Luật lâm nghiệp năm 2017 (thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004); Luật Đầu tư năm 2014; Luật thủy sản năm 2017; Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, với 9 giải pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp trong nước và quốc tế liên quan; Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật…Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn, bảo vệ động thực vật hoang dã, coi đây là một giải pháp quan trọng trong bối cảnh nhận thức, thái độ và hành vi của cộng đồng về bảo tồn, bảo vệ động thực vật hoang dã còn hạn chế.
Các đại biểu phát biểu tại Tọa đàm
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự về động thực vật hoang dã như các quốc gia khác trên thế giới, đó là tính đa dạng sinh học có biểu hiện suy giảm, số loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần được bảo vệ ngày càng nhiều lên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như: do biến đổi khí hậu; do sự gia tăng dân số; do các hoạt động phá rừng, săn bắt, khai thác mang tính hủy diệt của con người, do ô nhiễm môi trường; do nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã.
Bên cạnh đó, mặc dù hệ thống chính sách và quy định pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã được đánh giá tương đối đầy đủ, song quá trình thực thi cũng cho thấy những hạn chế của văn bản pháp luật như: Danh mục các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm có sự chồng chéo; Quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, định giá tang vật, giám định tư pháp, xử lý tang vật vi phạm hành chính, xử lý vật chứng trong các vụ án còn nhiều vướng mắc; Quy định cụ thể cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý vật chứng là động vật hoang dã còn nhiều vướng mắc… gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật trong triển khai thực hiện.
Xuất phát từ việc nhận thức rõ một số hạn chế, vướng mắc trong công tác đấu tranh xử lý vi phạm pháp luật đối với động thực vật hoang dã, một số đại biểu cũng đề xuất những giải pháp như: hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài nguy cấp; tổ chức triển khai hiệu quả các Chương trình, đề án bảo tồn loài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật về động thực vật hoang dã; tuyên truyền giảm cầu, nâng cao nhận thức bảo vệ động thực vật hoang dã…
Kết luận Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản trân trọng cảm ơn những chia sẻ quý báu từ các chuyên gia nước ngoài về kinh nghiệm bảo tồn động vật hoang dã thông qua công cụ truyền thông; cảm ơn những đề xuất tâm huyết, xác đáng của các đại biểu đối với những giải pháp xây dựng chính sách bảo vệ động thực vật hoang dã phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đồng thời trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và các đại biểu tham dự, kết quả thu được từ cuộc Tọa đàm khoa học này sẽ được tổng hợp, cung cấp thông tin đến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình chuẩn bị và ban hành những chính sách, pháp luật có liên quan./.